Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945: “Một cuộc biểu dương lực lượng tuyệt vời”
Cảm nhận của một chứng nhân: Jean Sainteny - Cao uỷ Pháp tại Việt Nam từ năm 1946 đến 1962; con rể toàn quyền Albert Sarraut.
Jean Sainteny, tên thật Jean Roger (1907-1987), là Cao uỷ Pháp tại Việt Nam từ năm 1946 đến 1962. Ông là con rể toàn quyền Albert Sarraut, thời trẻ làm việc tại Ngân hàng Đông Dương, Hà Nội. Trở về Pháp, ông tham gia kháng chiến chống Đức. Là người tin cậy của tướng De Gaulle. Tháng 4/1945, sau ngày Nhật làm đảo chính hất cẳng Pháp khỏi Đông Dương (9.3.1945) ông được cử sang Côn Minh (Trung Quốc) cầm đầu Phái bộ Quân sự Pháp (ký hiệu M5) thay đại tá Emblanc.
Nhiệm vụ của M5 là liên hệ với nhóm tàn quân Pháp từ Bắc Bộ chạy thoát sang Trung Quốc do tướng Alessandri chỉ huy, thu thập tin tức Việt Nam, phối hợp với tướng Mỹ Chennault, tư lệnh phi đoàn Hổ Bay Flying Tigers giúp Tưởng Giới Thạch đánh Nhật. M5 mấy lần cho biệt kích thâm nhập nước ta qua biên giới phía Bắc hoặc bằng đường biển, tìm cách liên lạc với số binh sĩ và viên chức Pháp bị Nhật tập trung giam giữ tại một số nơi.
Ngày 15.8.1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Jean Sainteny nhận được lệnh khẩn: “Phải hành động ngay”. Ảo vọng và sai lầm lớn nhất trong đời tướng De Gaulle, người hùng cầm đầu Chính phủ Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ hai, là bằng mọi giá lập lại chế độ thuộc địa tại ba nước Đông Dương.
Thỏa thuận với đại diện Phái bộ Mỹ và chỉ huy Quân Tưởng Giới Thạch tại Vân Nam, Jean Sainteny lên kế hoạch, ông cùng mấy sĩ quan Pháp sẽ dùngchiếc máy bay Liberator của Mỹ, ngay sáng sớm ngày hôm sau 17.8.1945 nhảy dù xuống Hà Nội. Khi ông cùng đồng đội từ căn cứ của mình tới được sân bay Côn Minh thì sân bay nhận điện của tướng Mỹ: “Cấm mọi máy bay bất kỳ thuộc quốc gia nào rời Côn Minh đến Hà Nội”.
Vừa lúc một máy bay Dakota 908 của Pháp từ Ấn Độ chở đồ tiếp tế sang cho bọn tàn quân Pháp ở Vân Nam. Jean Sainteny bàn với tướng Alessandri và viên phi công Pháp, cho chiếc Dakota này đánh liều vượt biên giới Việt Hoa, chở một nhóm sĩ quan cùng ông sang Việt Nam nhảy dù xuống, tốt nhất là trong khuôn viên Phủ Toàn quyền gần khu hoàng thành cũ, nơi có bốn năm, ngàn binh sĩ Pháp đang bị Nhật giam.
Tuy nhiên, mãi đến trưa ngày 22-8, lúc này Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công, chiếc Dakota 908 của Pháp mới rời được Vân Nam. Máy bay lượn vòng trên châu thổ sông Hồng mênh mông nước lũ, ngó xuống Hà Nội thấy toàn một rừng cờ đỏ sao vàng. Sainteny liều mạng đáp xuống sân bay Gia Lâm, ông cùng nhóm sĩ quan tiếp đất, máy bay bốc lên quay trở lại Côn Minh.
Jean Sainteny và đồng đội bị lính Nhật bắt đưa về nội thành, dẫn tới khách sạn Metropole phố Ngô Quyền nhốt cùng những người Pháp bị giữ tại đó từ sau cuộc đảo chính ngày 9 tháng 3. Ngay lập tức khách sạn Metropole bị nhân dân Hà Nội bao vây, phản đối quyết liệt. Viên sĩ quan Nhật nói với Sainteny, nếu các ông ở tại đây, khiêu khích người Việt Nam, đẩy họ đi tới hành động thì chúng tôi không thể nào bảo đảm tính mạng cho các ông, hơn thế tính mạng những người Pháp bị giam giữ tại đây từ trước cũng sẽ lâm nguy. Jean Sainteny đành cùng đồng đội, dưới sự hộ tống của lính Nhật, rời khách sạn đến Phủ Toàn quyền lúc này không có người ở, lính Nhật canh gác bên ngoài.
Tối hôm ấy, qua bộ điện đài nhà binh mang theo, Jean Sainteny báo cáo khẩn với cấp trên: “Hà Nội chỉ có một màu cờ...”. Ông kể lại trong Hồi ký của mình: Dọc các đường phố từ bờ Hồ Gươm đến Phủ Toàn quyền, có rất nhiều tấm băng lớn căng ngang bên trên, cũng như trên tường các ngôi nhà ven phố, là các khẩu hiệu bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, thi thoảng có cả tiếng Nga: Độc lập hay là chết! Nước Việt Nam của người Việt Nam! Đả đảo thực dân Pháp! - “Lời người Việt đón chào chúng tôi đấy, chẳng phải bình luận gì thêm", tác giả viết.
Dù sao, nhóm người Pháp mới đến vẫn được ngủ qua một đêm thích thú tại Phủ Toàn quyền. Mọi thứ ở đây vẫn sạch sẽ tinh tươm do được trông nom chu đáo. Những người Việt Nam giú việc làm vườn, quét dọn, hầu phòng... vẫn làm công việc ngày thường của họ. “Các bộ đồ ăn bằng bạc ròng vẫn bày nguyên vẹn trên bàn lớn phòng ăn"- Jean Sainteny viết. Tuy nhiên, chỉ được mỗi một đêm, sáng sớm hôm sau thức dậy, tịnh không còn thấy bóng một người Việt Nam nào nữa.
Xài hết mấy suất ăn dã chiến mang theo, Sainteny đành thương lượng với viên sĩ quan Nhật, cho phép nhờ khách sạn Metropole ngày hai bữa cho người mang mấy suất ăn hộp đến phục vụ tại Phủ Toàn quyền, mà ông gọi nay đối với họ đã trở thành “Chiếc cũi sắt mạ vàng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cao ủy Pháp Jean Sainteny, đại tướng Leclerc, đô đốc D’Argenlieu.
Bác Hồ thăm Cung điện Versailles, Paris, thời gian Bác làm thượng khách của Chính phủ Pháp năm 1946. Phía trái: Cao ủy Jean Sainteny và phu nhân cùng con trai Philippe (Ảnh do gia đình Sainteny cung cấp)
Từ ngày 1.9.1945, ta chịu trách nhiệm canh giữ Phủ Toàn quyền cũ. Khác với lính Nhật áp sát các ngôi nhà, tự vệ Hà Nội chỉ kiểm tra, cảnh giới bên ngoài dãy hàng rào bao quanh khuôn viên. “Dù sao chúng tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn, khi không gian sinh tồn bỗng dưng được nới rộng” - Jean Sainteny kể lại.
Từ bên trong chiếc cũi sắt mạ vàng ấy, Jean Sainteny cùng đồng đội chăm chú theo dõi Lễ Tuyên ngôn Độc lập 2.9.1945 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiến hành tại Quảng trường Ba Đình. Ông viết (lược dịch):
“Ngày 2 tháng 9 diễn ra một trong những sự kiện quan trọng nhất đánh dấu việc Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam nắm quyền. Đó là cuộc mít tinh và diễu hành được tổ chức tuyệt diệu gọi là Lễ Tuyên ngôn Độc lập, đã được thông báo với nhân dân từ nhiều ngày trước như một cái mốc quyết định trong chuỗi sự kiện tính từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công trở về sau.
Trên khán đài vừa được dựng lên tại trung tâm vòng giao lộ Puginier (tên Quảng trường Ba Đình thời ấy), trước một biển người, các diễn giả phát biểu với mức độ hùng hồn khác nhau. Tiếp sau Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh - mà ngày hôm ấy quần chúng đã nhận ra cụ là hiện thân nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc - lời lẽ ôn tồn, long trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ngôn từ bản Tuyên ngôn cụ đọc trước nhân dân được cân nhắc hơn lời các diễn giả trước, chứng tỏ ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh ông là một nhà lãnh đạo ôn hòa.
Tại bức điện tín bằng mật mã gửi sang Côn Minh ngay hôm ấy (để chuyển tiếp về Pháp), tôi ước lượng số quần chúng dự Lễ Tuyên ngôn Độc lập sáng 2-9-1945 đông tới nhiều chục vạn người. Trên thực tế, rất khó đánh giá con số chính xác. Cùng với nhân dân thủ đô, tất cả các tỉnh gần xa đều cử đoàn đại biểu nhân dân về dự mít tinh và diễu hành trong trang phục truyền thống địa phương. Cuộc mít tinh có nhiều vị linh mục đạo Cơ đốc tham gia, họ được bố trí chỗ trang trọng. Quần chúng diễu hành rất có trật tự, và quan trọng hơn là từ đầu cho tới khi kết thúc tuyệt nhiên không có một tiếng hô phản đối hay thù nghịch nào (với người Pháp), và đấy quả là một trong những nét nổi trội quán xuyến cuộc mít tinh. Lộ trình diễu hành chính khởi đầu từ đại lộ Brière-de-l’Isle (đại lộ Hùng Vương ngày nay) đi ngang qua phía trước Dinh Toàn quyền. Từ các đoàn nhân dân diễu hành trong trật tự, chúng tôi tuyệt nhiên không nghe không thấy bất kỳ một lời nói hay cử chỉ thù hận nào hướng về phía chúng tôi (lúc này đang đứng sau hàng rào sắt bao quanh khuôn viên chiếc lồng sắt mạ vàng), hay về phía toà nhà biểu trưng chế độ đô hộ của Pháp tại Đông Dương. Trên khán đài sáng hôm đó có mặt Đoàn đại biểu Hoa Kỳ. Trên trời, hai chiếc phi cơ Lightning bay lượn nhiều vòng ở tọa độ thấp. Sự hiện diện của hai chiếc máy bay Mỹ tại buổi diễu hành được khai thác triệt để nhằm chứng minh với nhân dân Hà Nội nó biểu hiện sự ủng hộ của Mỹ đối Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam, điều mà Việt Minh trước sau vẫn đòi hỏi.
Chúng tôi tiếp tục làm việc (trong chiếc cũi sắt mạ vàng), qua các bức điện tín mật mã, thông tin cập nhật cho các bạn chúng tôi ở Côn Minh và Calcutta về diễn biến tình hình tại chỗ. Tuy nhiên, chúng tôi ý thức rõ, họ ở quá xa, khó có thể tưởng tượng nổi những gì chúng tôi đang nhìn thấy trước mắt, hay nói chính xác hơn, hiểu được cái thực tế hiện lên ngày càng rõ nét mà chúng tôi đang cảm nhận.
Tờ truyền đơn dưới đây bằng tiếng Pháp, được rải khá nhiều dọc các phố phường Hà Nội, một vài tờ được ai đó ném vào trong khuôn viên Phủ Toàn quyền qua hàng rào sắt.
THÔNG BÁO VỚI NGƯỜI PHÁP
Người Việt Nam biết cách thực hiện quyền tự do và củng cố nền độc lập của mình.
Chúng tôi không quá khắt khe đối với những tội ác mà các người từng gây nên từ trước tới nay trên đất nước Việt Nam. Chúng tôi để các người được yên thân cho tới lúc các người xuống tàu trở về Pháp. Với điều kiện duy nhất là các người phải biết kiềm chế tham vọng, biết dẹp bỏ ảo tưởng trở lại đô hộ chúng tôi như xưa. Các người đã thua trên tất cả các trận chiến, các người chớ có dương dương làm ra vẻ mình là người chiến thắng. Và, nếu các người còn được phép nán lại đây, ấy là với tư cách những kẻ bại trận, do đó các người phải biết hành xử sao cho đúng như những người bại trận.
Người Việt Nam xưa nay không thù hận và cũng không đòi trả hận. Tuy nhiên trí nhớ chúng tôi lâu bền. Chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho những ai đã được dung tha mà vẫn ôm ấp mộng tưởng tiếp tục thực hiện các tội ác của họ tại các xứ Đông Dương này.
Hãy tỏ ra biết điều, các người sẽ được yên thân, và tự các người phải biết hành xử thế nào để được yên thân. Bất kỳ một hành động, một lời nói nào của các người mang ý đồ xấu đối với nhân dân Việt Nam, đều có thể mang lại cho các người những hậu quả khôn lường”.
Uỷ ban Cứu quốc.
Phan Quang