Lễ giỗ lần thứ 82 cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong
(Dân trí) - "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng cho đến giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng", Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nói trước khi trút hơi thở cuối cùng.
Sáng 29/8 (tức 26/7 âm lịch), tại Di tích Quốc gia khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) diễn ra lễ tưởng niệm nhân lễ giỗ lần thứ 82 của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.
Lễ tưởng niệm nhân lễ giỗ lần thứ 82 của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là dịp đặc biệt để tưởng nhớ đến sự nghiệp, công lao và những cống hiến to lớn của ông đối với sự nghiệp cách mạng, với đất nước, quê hương...
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tên khai sinh là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6/9/1902 tại làng Đông, tổng Thông Lãng, nay là xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên.
Ông tham gia phong trào cách mạng từ sớm. Tháng 3/1935, tại Đại hội I của Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức ở Ma Cao (Trung Quốc), ông được bầu làm Tổng Bí thư.
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người chiến sĩ kiên cường trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Ngày 22/6/1939, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt lần thứ nhất tại Sài Gòn, bị kết án 6 tháng tù và 3 năm quản thúc, trục xuất về quê Nghệ An.
Ngày 6/2/1940, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai. Ông bị kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc, bị giam cầm tại Khám Lớn (Sài Gòn).
Cuối năm 1940, Tổng Bí thư Lê Hồng phong bị đày ra Côn Đảo. Trong quá trình giam giữ, mặc dù bị tra tấn dã man nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Trưa ngày 6/9/1942 (tức ngày 26/7 Nhâm Ngọ), Tổng Bí thư Lê Hồng Phong qua đời tại xà lim số 5, nhà tù Côn Đảo, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 40.
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong nhắn nhủ: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng".
Với 40 năm tuổi đời, hơn 20 năm hoạt động cách mạng, Tổng Bí thư Lê Hồng Phong đã thể hiện một tấm gương sáng ngời của người cộng sản: sống vì Đảng, chết không rời Đảng, trọn đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Tại lễ giỗ, trong không khí thiêng liêng, các đại biểu đã dâng hoa, dâng hương trước anh linh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, bày tỏ lòng thành kính trước công lao, sự hy sinh của ông với sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc.