Lễ đón huân chương "giá" 847 triệu đồng?
Một công ty nhà nước đón Huân chương Lao động hạng ba "bạo tay" định chi tới 847,6 triệu đồng. Vụ việc này đã được Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Tào Hữu Phùng đưa ra ngay tại diễn đàn Quốc hội sáng qua, gây xôn xao nghị trường. Đó là công ty nào và sự thật ra sao?
Đó là Công ty Gốm xây dựng Hạ Long (thuộc Tổng công ty Thủy tinh và gốm xây dựng - Bộ Xây dựng)
“Bản dự toán này là… giả (!?)”
Ông Hà Minh Xưởng - phó bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn kiêm chánh văn phòng Công ty Gốm xây dựng Hạ Long - cho biết buổi lễ (hôm 28/1/2005) diễn ra rất… hoành tráng. “Tôi không nhớ kỹ nhưng có khoảng 300 khách và đại diện công nhân tới dự, lẵng hoa có khoảng 20 chiếc. Quà tặng đại biểu là một cái áo, phù hiệu cài ngực, và tiền mặt khoảng 300.000, tất nhiên là quà tặng cho các lãnh đạo phải cao hơn, khoảng 1 triệu gì đó (!). Sau buổi lễ, các đại biểu đã đến dự bữa cơm thân mật tại khách sạn bốn sao Sài Gòn - Hạ Long với tiêu chuẩn 100.000 đồng/suất ăn” (những phần chi này đều thấp xa so với dự toán?!).
Ông Hà Minh Xưởng xem bản dự toán kinh phí lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng ba mà phóng viên đưa ra rồi nói: “Cậu Mão làm gì mà có quyền ký vào đây (Nguyễn Hữu Mão - phó phòng tổ chức lao động công ty). Còn cô Lý là nhân viên phòng tổ chức lao động (là người lập bản dự toán) không có tư cách gì mà ký vào đó cả!”.
Vì thế theo ông Xưởng, bản dự toán này là... bản giả mà đối tượng nào đó có ý đồ không tốt với công ty tạo nên (?!). Lẽ nào ông Xưởng “quên” rằng bản dự toán không chỉ có chữ ký của “cậu Mão”, “cô Lý” mà còn có cả chữ ký giám đốc và con dấu của công ty.
“Nói ra các ông thì ra làm sao”
Ông chủ tịch công đoàn kiêm chánh văn phòng công ty thì nghi ngờ bản dự toán là giả. Thế còn ông Nguyễn Quang Mâu, giám đốc công ty, thì nói gì? “Tôi không nhớ là có ký vào bản dự toán này hay không” - một câu trả lời gây ngạc nhiên.
Trong bản dự toán này, riêng tiền quà và tiền ăn đã lên tới 357 triệu đồng. |
Thực tế chi phí cho lễ đón huân chương là bao nhiêu, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Mâu: Tôi không nhớ rõ cụ thể nhưng chỉ trên 400 triệu thôi chứ làm gì hết 847 triệu. Trưa nay, anh Thể - chủ tịch HĐQT - cũng hỏi tôi, tôi bảo làm gì có mức đó, chỉ trên 400 triệu thôi. Anh chờ một chút tôi cho gọi anh Đức, kế toán trưởng, là biết ngay!
(Giám đốc Mâu dùng điện thoại di động gọi kế toán trưởng. Năm phút sau ông Đức có mặt. Ông Mâu yêu cầu ông Đức báo cáo)
Ông Đức: Báo cáo giám đốc, cô Thanh, người giữ chứng từ đã đi vắng, còn dự toán của công ty trình tổng công ty và được tổng công ty duyệt là 460 triệu (460.000.000 đồng), thực chi là hết bốn trăm năm mươi tư triệu (454.000.000 đồng).
Anh là kế toán trưởng, anh đã nhìn thấy bản dự toán này chưa?
Ông Đức: Tôi chưa nhìn thấy!
Ông Mâu: Đây (bản dự toán của phóng viên đưa ra) có chữ ký của tôi và chữ ký của Mão và cô Lý.
Anh Mão và cô Lý có nhiệm vụ lập bản dự toán này không?
Ông Mâu: Có chứ, theo qui trình phòng tổ chức phải làm. Xong đưa tôi, tôi phải trình bày với ban giám đốc, ban thường vụ quan khách mời mọc, đón tiếp như thế nào. Trình xong lấy ý kiến tập thể, tôi mới ký vào dự toán đóng dấu gửi về tổng công ty. Tổng công ty mới xem xét rồi chỉ thị phải lập lại có thể cắt khoản này, khoản nọ. Sau đó mình lập lại, rồi lại trình, khi tổng công ty ký đóng dấu rồi, mình bám vào đó mà thực hiện. Qui trình như thế!
Theo dự toán này, quà cho bộ trưởng là 10 triệu, thứ trưởng là 5 triệu… các anh có thực hiện đúng như thế?
Ông Mâu: Như tôi đã nói, tổng cộng hết chỉ trên 400 triệu làm sao thực hiện được.
Vậy thì thực hiện bao nhiêu?
Ông Mâu: Cái này anh thông cảm, nói ra các ông thì ra làm sao.
Tôi nói thật hơn 400 triệu cũng là lớn nhưng bao nhiêu năm với bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và tư duy, công ty mới đón được phần thưởng cao quí này. Công ty cũng muốn mời từ hàng tỉnh đến địa phương với trung ương, các cơ quan ban ngành, các phường xã... vài trăm khách đến thì công ty cũng muốn quảng bá, quảng cáo cho sản phẩm của mình.
Phải xử lý nghiêm!
Trở lại phiên họp QH sáng qua, phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách Tào Hữu Phùng đã đề nghị Bộ Tài chính cho thanh tra tài chính, kiểm tra công ty này thực hiện xuất toán ra sao và báo cáo QH.
“Vấn đề này rất nhức nhối. Người ta cũng phản ánh chuyện chi khánh thành một cây cầu tốn vài trăm triệu đồng để mời mấy chục khách, vé máy bay đi lại, tiền ăn, tiền khách sạn, rồi quà biếu… QH nên nghiêm cấm và xử lý mạnh hơn: những người ra quyết định chi phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì gây lãng phí tài sản, công quĩ của nhà nước” - ông Phùng kiên quyết.
Ngay sau khi xác minh sự việc tại Công ty Gốm xây dựng Hạ Long, phóng viên đã liên lạc với phó chủ nhiệm Tào Hữu Phùng. Ông Phùng khẳng định lại quan điểm mạnh mẽ của mình: cho dù thực chi hơn 400 triệu là đúng, cũng không thể chấp nhận được. Câu hỏi đặt ra là: công ty đã xuất toán (hợp thức hóa các khoản chi) bằng cách nào?
Theo Đỗ Hữu Lực - Đà Trang
Báo Tuổi trẻ