1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Lay lắt ở “đảo cô đơn”

Nằm cách trung tâm thành phố chỉ vài chục cây số có một khu dân cư không điện, không nước sạch, không trường học… Đấy là cuộc sống của hơn 100 con người tại đáy hồ Hòa Trung thuộc thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng).

Trưa tháng 6, nắng chảy vàng khắp những cánh đồng của miền sơn cước Hòa Vang, chúng tôi vai vác ba lô, máy ảnh thuê đò tìm đường sang hồ Hòa Trung. Ông lái đò tưởng vớ được khách "xịn" đi du lịch, thế nên chưa kịp hỏi han gì đã vội hét giá: "5 chục ngàn tui chở sang, chiều về"… Chậc lưỡi móc ĐTDĐ, ông lão cười hề: "Làm ăn mà".

 

Trả chúng tôi lên đảo, ông lão dặn với: "Có gì chiều nháy máy, tui cho đò sang đón, mà mấy chú cũng tài thiệt, tui chắc chắn là ở đây trên 10 năm chỉ mình tui biết trong kia có người"...

 

“Đảo cô đơn”

 

Đặt chân lên đất đáy hồ Hòa Trung, nơi mà lão lái đò vừa rồi gọi cho một cái tên rất lạ: "đảo cô đơn". Đúng như lời ông lão nói, trên quãng đường vào xóm, cố ngóng tìm mãi nhưng cũng chẳng thấy một bóng người nào qua lại. Đi bộ từ bến đò vào rừng gần 1km, mới thấy thấp thoáng dáng của căn nhà gỗ nằm vắt vẻo bên vách núi - nhà Tổ trưởng tổ 5 Nguyễn Hữu Hồ.

 

Anh Tám Hồ năm nay 45 tuổi mà trông đã già như ông lão 60. Nhác thấy chúng tôi, vừa bỏ cày, áo quần lấm lem đã oang oang: Đã mấy năm rồi mới có người lên thăm bà con tổ 5 đó. Thấy khách tỏ vẻ ngạc nhiên trước căn nhà gỗ trống toang hoác, anh giải thích: Mùa mưa, nước lên đến đâu chạy đến đó, làm nhà chắc chắn bao nhiêu cũng chẳng ăn thua gì, mùa lũ đến nó sẽ cuốn đi thôi.

 

Gia đình anh Tám Hồ di cư lên lòng hồ từ năm 1975, là những người đầu tiên đặt lưỡi cuốc khai phá mảnh đất, lúc đó nơi đây hãy còn là chốn rừng thiêng nước độc, chỉ mới nghe qua ai cũng phải phát khiếp.

 

Anh Tám Hồ kể: "Hồi đó có 340 hộ dân thuộc phường 2, phường Khuê Trung và Hòa Cường (quận Hải Châu) lên đây theo chính sách kinh tế mới, nay đã bỏ đi gần hết rồi, chỉ còn 30 hộ lay lắt bám trụ. Cố sống, cố chết để bám lấy mảnh đất này vì cũng không biết đi đâu nữa".

 

Anh Tám Hồ được bầu làm tổ trưởng vì gia đình anh có thu nhập cao nhất trong xóm. Giơ mấy đầu ngón tay nhẩm tính, 2 vợ chồng cùng 4 đứa con làm ruộng, nuôi bò thuê một tháng cũng được trên dưới… 300 nghìn đồng.

 

Tôi cuốc bộ vào rừng sâu, đến nơi mới dám tin rằng có những người sống trong đó, từ hồi đấy đến giờ chưa ra khỏi thôn dù chỉ một lần. Xa nhất thôn là ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ Phạm Văn Tài và Bùi Thị Kỳ. Dù mới nhỉnh quá tuổi 30 nhưng họ đã có với nhau những 4 mặt con. Căn nhà của vợ chồng Kỳ được chắp vá bởi mấy tấm ván gỗ ép, có lẽ chỉ một cơn gió mạnh cũng đủ đổ ào xuống. Anh Tài buồn rầu cho biết: Hai vợ chồng làm luôn tay luôn chân mà cũng không đủ ăn. "Người lớn khổ còn chịu được, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ đang tuổi học hành".

 

Thống kê của thôn trưởng Tám Hồ cho thấy ở đáy hồ Hòa Trung hiện có đến 50 trẻ em đang độ tuổi đến trường hàng ngày phải cắp cặp lội 3 con suối, xuyên qua cánh rừng già mới đến được đường cái, từ đó, phải đi bộ gần 3km nữa mới tới Trường Tiểu học Hòa Ninh. Học sinh cấp 2 phải đi thêm 5km nữa.

 

Đáng thương nhất thôn là trường hợp mẹ con bà Lê Thị Tờn. Bà Tờn đã ngoài 60 tuổi, tuy nhiên vẫn ngày ngày cuốc đất trồng khoai, trỉa lúa nuôi anh con trai Trần Thanh Thảo tuổi gần 40. Anh Thảo bị suy thận rất nặng.

 

Cách đây 4 năm, chồng bà Tờn bị bệnh không có thuốc chạy chữa đã chết trên đường đưa ra Trạm xá xã Hòa Ninh. Bà xót xa: "Giá như ở chỗ khác thì ông ấy đã không chết". Ông Tuấn bị chứng xuất huyết dạ dày, đường ra xã xa tít tắp nên thuyền chỉ ra đến nửa lòng hồ là ông tắt thở...

 

Bao giờ dân được di dời?

 

Ông Huỳnh Tân - Chủ tịch UBND xã Hòa Ninh, cho biết: "Vấn đề này được bàn nhiều rồi. Đã có quyết định di dời nhưng chưa biết lúc nào, còn phải chờ". Theo ông Tân, dự án di dời dân, thành phố đã có quyết định từ tháng 10/2004, tuy nhiên cho đến nay, công tác giải phóng mặt bằng hiện tại vẫn đang dở dang. Khu dân cư Trung Nghĩa được dự tính là nơi ở mới của 30 hộ dân Khuê Trung… thế mà bây giờ vẫn nguyên cảnh núi đồi…

 

Ông Trần Đình Dũng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Ninh - trăn trở: "Bà con ở lòng hồ Hòa Trung khổ lắm, không điện, không đường, không trường học... không có gì cả. Chính quyền xã biết nhưng cũng đành chịu thôi. Việc duy nhất mà xã có thể làm được cho dân là tiếp tục gửi ý kiến lên cấp trên và cùng dân… gắng đợi, chờ ngày được di dời!”

 

Theo Nguyễn Kiên Tùng

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm