Lập nhiều điểm tiếp nhận người trở về từ vùng dịch nCoV
(Dân trí) - Quân khu IV đã tổ chức 11 điểm ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó Nghệ An có 3 điểm tiếp nhận cách ly cho những người trở về từ Trung Quốc trong vòng 14 ngày.
Ngày 6/2, lãnh đạo Quân khu IV cho biết, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch virus corona, phía đơn vị này tổ chức 11 điểm ở 6 tỉnh Bắc Trung Bộ để tiếp nhận công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc.
Riêng tại tỉnh Nghệ An có 3 điểm tiếp nhận cách ly cho người trở về từ Trung Quốc gồm: Trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Trường Quân sự Quân khu; Đoàn an điều dưỡng 40 ở Cửa Hội.
Được biết, tại các điểm cách ly sẽ được đảm bảo các chế độ phục vụ ăn uống và sinh hoạt tại chỗ. Những người bị cách ly sẽ không được tiếp xúc với người ngoài trong vòng 14 ngày.
“Những công dân này sẽ được cách ly tối thiểu 14 ngày. Ngoài ra, phương tiện vận chuyển công dân Việt Nam từ sân bay, bến cảng về các điểm tập trung, các phương tiện y tế, lương thực đều đã sẵn sàng", lãnh đạo Quân khu IV cho biết.
Bên cạnh đó, Quân khu IV phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An xử lý các tình huống xảy ra trong quá trình các công dân lưu trú tại đơn vị.
"Trong quá trình cách ly theo dõi tại các đơn vị quân đội, chúng tôi sẽ bảo đảm chế độ phục vụ ăn uống, sinh hoạt tại chỗ và không tiếp xúc với người ngoài. Nếu trường hợp nào nghi vấn sẽ lấy mẫu xét nghiệm, kiểm tra để kịp thời xử lý theo quy trình. Sau 14 ngày theo dõi kiểm tra nếu sức khỏe không vấn đề thì các công dân trở về gia đình và cộng đồng sinh sống bình thường”, Đại tá Nguyễn Ngọc Hà - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An - thông tin.
Được biết, tại Nghệ An trước đó cách ly nhiều trường hợp để theo dõi và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm vì nghi nhiễm virus corona. Tuy nhiên đến ngày 6/2, các mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân này đều có kết quả âm tính. Hiện trên địa bàn Nghệ An không còn trường hợp nào bị cách ly theo dõi.
Tại Thanh Hóa (có thể sẽ tiếp nhận 534 công dân trở về), khu vực tiếp nhận, cách ly công dân từ vùng dịch trở về là Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh của Trường Đại học Hồng Đức.
Tại đây có 2 khu nhà, với hơn 60 phòng, mỗi phòng có thể bố trí được 10 chỗ nằm, cách xa trung tâm thành phố, có khuôn viên thoáng mát, bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, sinh hoạt khép kín.
Trong những ngày qua, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã điều động cán bộ chiến sỹ, tổ chức bố trí sắp xếp nơi ăn, ở, sinh hoạt. Đồng thời, gắn biển báo tại khu vực cách ly, treo pano, áp pích, loa tuyên truyền.
Đồng thời điều động, biên chế một lực lượng cố định cùng hơn 20 phương tiện sẵn sàng vận chuyển tiếp nhận các trường hợp trở về từ bến xe, nhà ga, sân bay, các khu dân cư về khu vực cách ly.
Toàn bộ khu vực cách ly đều đã hoàn thành xong việc tổng vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng; đồng thời chỉ đạo Quân y phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tổ chức khử trùng, phòng dịch, bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc, khẩu trang; tập huấn cho cho cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ có kiến thức chuyên sâu về phòng chống dịch, sẵn sàng tiếp nhận công dân Việt Nam từ các quốc gia có dịch trở về.
Tại khu vực cách ly, mỗi khẩu phần ăn là 57 nghìn đồng/người/ngày. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, các suất ăn trong ngày của người cách ly sẽ được đưa đến tận phòng. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức 11 vọng gác, 2 tổ kiểm soát quan sự trường trực 24/24; phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa thành lập 2 vòng kiểm soát dịch bệnh từ ngoài vào trong.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, toàn bộ rác thải của khu cách ly trước khi được đưa đi tiêu hủy sẽ được phun tiêu độc, khử trùng. Đồng thời, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đồng ý với phương án sẽ đốt, xử lý rác ngay tại khuôn viên khu vực cách ly, tuyệt đối không vận chuyển rác thải ra khỏi khu vực quy định.
Chiều 6/2, ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã đến kiểm tra công tác chuẩn bị tại khu vực cách ly.
Tại đây, ông Chiến nhấn mạnh: Dịch corona rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, vì vậy cần phải thực hiện nghiêm công tác tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được nguy cơ của việc lây lan dịch bệnh và có biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu UBND tỉnh và các ngành, địa phương cần tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho người dân; phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để tiếp nhận và thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hà Tĩnh: Cửa ngõ Cầu Treo "khóa" đường mòn, lối mở để ngăn mầm dịch
Một trong những cửa ngõ gây lo ngại cho tỉnh Hà Tĩnh trong việc kiểm soát dịch bệnh do virus corona là Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc địa bàn huyện Hương Sơn. Đây là cửa ngõ thông thương với nước bạn Lào, du khách qua lại không chỉ gói gọn ở công dân nước bạn mà còn có công dân của nhiều nước khác.
Sáng 6/2, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng cùng đoàn công tác của tỉnh này đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cửa khẩu “cửa ngõ” quan trọng này.
Tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đoàn đã được nghe báo cáo, từ ngày 29/1, các đơn vị tại cửa khẩu gồm: hải quan, biên phòng, công an, tổ kiểm dịch y tế đã phối hợp thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh: phun hóa chất phòng dịch, kiểm tra đo thân nhiệt đối với 100% người, phương tiện nhập cảnh từ Lào qua cửa khẩu.
Cửa khẩu cũng đã bố trí 2 phòng y tế cách ly, sẵn sàng đưa vào cách ly khi phát hiện người có dấu hiệu nhiễm bệnh. Điều đáng mừng là đến thời điểm này, lực lượng phòng chống dịch chưa phát hiện người có thân nhiệt cao, có dấu hiệu cần phải cách ly.
Đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng báo cáo một số khó khăn trong quá trình phòng chống dịch như: Lượng người và phương tiện qua cửa khẩu khá đông trong khi máy đo thân nhiệt hiện mới có 2 cái, phòng cách ly chưa đảm bảo các trang thiết bị y tế cần thiết, khẩu trang phục vụ cho cán bộ, chiến sỹ làm việc tại cửa khẩu cũng như khi người dân cần còn thiếu…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng tại Cửa khẩu Cầu Treo và huyện Hương Sơn.
Ông Dũng nhấn mạnh: “Diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona rất phức tạp, chúng ta không chủ quan nhưng không hoang mang khi chống dịch, cần phải đề cao cảnh giác”.
Trong môi trường khu vực cửa khẩu hết sức nhạy cảm, phức tạp, ông Dũng chỉ đạo các đơn vị, lực lượng tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch; yêu cầu các sở ngành phối hợp hỗ trợ.
Quỳ Hợp (Nghệ An): 7 lao động người Vũ Hán chưa trở lại làm việc
Xã Châu Hồng là địa phương có nhiều lao động người Trung Quốc nhất ở huyện Quỳ Hợp. Qua kiểm tra, các công ty trên địa bàn huyện có 14 lao động người Trung Quốc, trong đó có 7 người ở Vũ Hán, 2 người ở Chiết Giang. Hiện số lao động này đang về Trung Quốc nghỉ tết và chưa quay trở lại Quỳ Hợp làm việc.
Nguyễn Duy - Duy Tuyên - Văn Dũng