1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bắc Ninh:

Lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 “bảo vật quốc gia”

(Dân trí) - Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh vừa lập hồ sơ gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị công nhận 3 cổ vật: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp; Tượng Adiđà của chùa Phật Tích; Cột đá chùa Dạm là “Bảo vật quốc gia”.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Duy Nhất - Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh - cho biết: Tại mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống hiện có hàng chục cổ vật đặc sắc hội tụ đủ các tiêu chí của bảo vật quốc gia như: Bộ tượng Tam thế, 10 linh thú đá chùa Phật Tích, 2 cuốn sách đồng chùa Bút Tháp, Tháp Cửu phẩm niên hoa, Tượng Pháp Vân, Tượng Pháp Vũ…

Trong đợt lập hồ sơ đề cử đầu tiên, tỉnh Bắc Ninh quyết định đề cử 3 cổ vật đặc sắc nhất gồm: Tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt, nghìn tay ở chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành; Tượng Adiđà của chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du và Cột đá chùa Dạm, xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh; đề nghị công nhận là “bảo vật quốc gia”.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 “bảo vật quốc gia” - 1
Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng tại chùa Bút Tháp.

Theo đó, tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng tại chùa Bút Tháp do nhà điêu khắc họ Trương tạc năm 1656. Tượng cao 3,7 m, ngang 2,1 m, dày 1,15 m. Cánh tay xa nhất có chiều dài là 200 cm. Tượng có 11 đầu, 42 tay lớn và 952 tay dài ngắn khác nhau. Tính từ đài sen lên, tượng cao 235 cm. Đầu rồng đội tòa sen cao 30 cm, bệ tượng cao 54 cm. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng - nghệ thuật làm nổi bật triết lý nhà Phật bằng thứ ngôn ngữ tạo hình hàm súc.

Phật ngồi trên toà sen hồng qua bệ tượng hình vuông được trang trí bằng những nét chạm khắc cổ với dáng hành đạo, thư thái, đôi mắt quảng đại như bao quát cả không gian vũ trụ. Tượng Quan Âm hai tay chắp trước ngực, hai tay để trên đùi với những ngón tay đan chéo biểu tượng cho dáng hành đạo và nhập định; các chùm tay để trần từ sườn, vai, lưng, trên người; những tay được xếp vòng tròn từ lớn đến nhỏ hướng vào tâm (ngay sau gáy Phật) trong lòng mỗi bàn tay lại hiện lên một con mắt. Nhìn tổng thể tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay như những vòng hào quang toả ra từ tâm điểm.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 “bảo vật quốc gia” - 2
Tượng Adiđà tại chùa Phật Tích.

Tượng Adiđà tại chùa Phật Tích được tạc bằng đá. Theo văn bia Vạn Phúc thiền tự bi thì năm 1057 (niên hiệu Long Thụy Thái Bình năm thứ tư), vua nhà Lý cho xây chùa và dựng một ngọn tháp cao trên núi Lan Kha bên trong tôn trí pho tượng Phật cao sáu thước. Đây là pho tượng lưu truyền tới nay với biệt danh là "pho tượng Phật xưa nhất được xác định niên đại" của Việt Nam. Pho tượng cao 1,86 m thêm phần bệ thì đạt 2,69 m.

Tượng Adiđà xưa được thếp vàng. Mặt tượng hình trái xoan, mắt hé mở, chỏm đầu có nhục khấu nhô lên, tóc xoăn, tai dài, cổ cao ba ngấn, vai rộng, thân dỏng, thế ngồi hơi dướn mình ra phía trước, hai tay đặt ngửa trong lòng kết ấn thiền định với tay trái đặt trên tay phải, chân ngồi xếp bằng tròn kiểu kiết già. Thân Phật mặc áo khoác, xếp thành nhiều nếp nhẹ nhàng buông xõa. Tượng ngồi trên tòa sen hình bán cầu dẹp, trang trí bằng những cánh hoa sen úp và ngửa. Trong mỗi cánh lại tạc hình rồng cuốn. Dưới tòa sen là một con sư tử đội lên, tượng trưng cho Phật lực quy phục được cả mãnh thú. Trang trí chân bện là hình rồng, sóng, mây, lửa chập chờn, vần vũ.

Lập hồ sơ đề nghị công nhận 3 “bảo vật quốc gia” - 3
Cột đá chùa Dạm.

Cột đá chùa Dạm còn gọi là cột biểu có niên đại thế kỷ XI, thời Lý, kiến trúc độc đáo bởi kích thước to lớn và nghệ thuật điêu khắc đá tuyệt khéo. Cột đá có 2 phần: cột và đế tròn đỡ cột. Cột đá liền khối cao 4,25m, đặt trên bệ đá hai cấp cao 0,8m. Phần cột gồm hộp vuông cao 2m, 1 cạnh rộng 1,35m và 1 cạnh rộng 1,6m; phần trụ tròn cao 2,25m, đường kính 1,35m. Cấu trúc cột làm 2 thớt khối, cũng lấy tượng hình vuông tròn trời đất.

Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4 m và 1,6 m. Khối ngọn trụ trì, đường kính khoảng 1,3 m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng Lý đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Đúng dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, chân chim năm móng. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc, tinh xảo.

Ông Nhất cho biết, việc đề nghị công nhận 3 “Bảo vật quốc gia” hết sức có ý nghĩa. Điều đó sẽ khẳng định giá trị to lớn của những cổ vật tinh hoa của vùng đất Kinh Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đồng thời, những cổ vật này cũng cần được “chăm sóc” một cách tốt nhất để lưu giữ cho muôn đời sau.

Đoàn Thế Cường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm