1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Lập dự án tách đường sắt và đường bộ tại cầu Ghềnh

(Dân trí) - Cục Đường sắt Việt Nam cho biết vừa làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về việc lên phương án tách cầu đường bộ khỏi cầu chung với đường sắt trên cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát.

Trước đó, vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ô tô lưu thông tại cầu Ghềnh khiến 2 người thiệt mạng và gần 30 người khác bị thương hồi đầu năm 2011 khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm tới tình trạng an toàn giao thông trên cầu chung tại đây. Việc giải quyết vấn đề tách cầu là cần thiết về lâu về dài, đảm bảo an toàn giao thông.
 
Lập dự án tách đường sắt và đường bộ tại cầu Ghềnh - 1

Tình trạng giao thông tại cầu Ghênh rất phức tạp, đã từng xảy ra những tai nạn đáng tiếc
 
Tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 2 cầu chung với đường bộ là cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát bắc qua sông Đồng Nai nằm trong nội ô TP Biên Hòa. Tình trạng mất an toàn giao thông tại hai cầu này luôn trong tình trạng báo động.

Để giải quyết tình hình này, Cục Đường sắt Việt Nam đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai 2 phương án tách cầu, trong đó phương án 1 là xây dựng 2 cầu đường bộ nằm song song với cầu Rạch Cát và cầu Ghềnh hiện nay; phương án 2 là xây dựng một cầu đường bộ về phía thượng nguồn cầu Ghềnh nối trung tâm TP Biên Hòa và phường Bửu Hòa.

Tuy nhiên, tỉnh Đồng Nai cho rằng cả 2 phương án Cục Đường sắt đưa ra không khả thi; không phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương, nhất là phải giải tỏa một khối lượng mặt bằng rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân.

Phương án dự kiến là xây dựng 1 cầu đường bộ nằm cách cầu Ghềnh 900m về phía hạ nguồn đã được đại diện Cục Đường sắt Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thống nhất lựa chọn, nhưng phương án này có thể cũng sẽ thay đổi.

Được biết, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được giao lập dự án và đến cuối năm 2011 sẽ hoàn thành. Dự kiến, dự án xây mới 1 cầu đường bộ tại đây sẽ được triển khai vào năm 2012.

Khi hoàn thành, cầu đường bộ này sẽ kết nối với cầu Hiệp Hòa đang được thi công nhằm giảm áp lực giao thông ở nội đô TP Biên Hòa, rút ngắn quãng đường ra quốc lộ 1A đi về TPHCM như hiện nay.

Theo thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam, hiện trên cả nước có 11 cầu chung cho tàu hoả và các phương tiện khác. Các cầu chung đều được xây dựng cả trăm năm trước, khi nhu cầu tham gia giao thông còn ít, vì vậy có thiết kế nhỏ hẹp, chỉ dùng cho xe kéo tay, xe thồ nhỏ. Tuy nhiên, hiện nay các cây cầu này đều phải gồng mình để giải tỏa giao thông hàng ngày. Nếu không tiến hành rà soát lại và đưa ra những giải pháp ngăn chặn kịp thời thì thảm họa tai nạn giao thông có thể xảy ra ở những cây cầu chung bất cứ lúc nào.

Nhiều chuyên gia ngành giao thông cho rằng, từ năm 1986 sự đổi mới cho hệ thống đường sắt không được chú trọng đổi mới. Hệ thống giao thông đường sắt không được đầu tư hoặc nếu có cũng rất ít và không xứng tầm, không đúng với vai trò quan trọng đặc biệt trong hệ thống giao thông quốc gia trên Quốc lộ 1A huyết mạch.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Tô Ngọc Doanh - Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - cho biết: “Tách cầu chung giữa đường sắt và đường bộ là 1 nhu cầu tất yếu, việc này đã được Chính phủ đồng ý cho lập dự án tách toàn bộ các cầu chung.

Quan điểm chung của Cục là về lâu dài sẽ tách tất cả các cầu đang dùng chung, nhưng vấn đề trước mắt là cầu nào cần thiết tách thì phải nghiên cứu cho rõ, bởi có những cầu lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất ít, có những địa phương không cần xây thêm cầu mới mà chỉ cần tổ chức lại giao thông. Tất cả những vấn đề này cần được nghiên cứu, thảo luận và xem xét cụ thể”.

Quỳnh Anh