1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lập bản đồ công trình ngầm ở Hà Nội

Một nhóm nghiên cứu của Đại học Mỏ - Địa chất đã thành công trong việc điều tra và lập bản đồ công trình ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam đề xuất một quy trình công nghệ lập bản đồ công trình ngầm, tạo điều kiện phát triển hạ tầng các đô thị ở nước ta.

Nghiên cứu thực địa cho thấy, hiện hồ sơ công trình ngầm của Hà Nội không đầy đủ. Khá nhiều công trình ngầm chỉ có tên trên bảng thống kê mà không có bản vẽ, không xác định được mặt phẳng và độ sâu, hoặc có bản đồ nhưng với độ chính xác thấp.

Hồ sơ các công trình lại được quản lý phân tán ở nhiều nơi, nên khi có nhu cầu sử dụng rất bất tiện. Hệ thống mốc khống chế mặt phẳng và độ cao bị mất mát nhiều, trong số 22 mốc địa chính cấp 2 chỉ tìm được 7 mốc tại các khu vực công cộng.

Mặt khác, Hà Nội chưa có bản đồ thể hiện đầy đủ các loại công trình ngầm với độ chính xác quy định, trong một hệ tọa độ và độ cao thống nhất của toàn thành phố. Thực tế này gây khó khăn cho việc quản lý, bảo dưỡng, cải tạo các công trình đã có và xây dựng các công trình mới. Hơn nữa, nó hạn chế công tác quy hoạch, quản lý đô thị nói chung.

TS. Phan Văn Hiến và cộng sự, thuộc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ mới trắc địa - bản đồ (Đại học Mỏ địa chất) đã ứng dụng công nghệ hiện đại để vẽ hiện trạng bản đồ công trình ngầm khu vực hồ Hoàn Kiếm (gồm các tuyến phố như Hàng Khay - Tràng Tiền - Ngô Quyền - Lý Thái Tổ - Nguyễn Hữu Huân...).

Công trình ngầm dân dụng ở Hà Nội được chia thành 6 loại: đường ống cấp nước, cống ngầm thoát nước, cáp ngầm viễn thông, cáp ngầm điện lực, cáp ngầm điện chiếu sáng công cộng và cáp ngầm đèn tín hiệu giao thông.

Các công trình này được bố trí dọc theo đường phố, lắp đặt độc lập với nhau nhưng khoảng cách rất nhỏ do tính chất đường phố Hà Nội chật hẹp. Bởi vậy, nhiệm vụ đặt ra cho đề tài là phải làm rõ vị trí mặt phẳng, độ sâu hoặc độ cao, hướng đi, quy cách, chất liệu của công trình ngầm hiện có.

Sau khi nghiên cứu các công nghệ hiện có trên thế giới, nhóm nghiên cứu sử dụng chủ yếu phương pháp đo vẽ trực tiếp, gián tiếp bằng loại radar xuyên đất GPR/RAMAC-X3M (loại thiết bị có thể dò được tất cả các loại công trình ngầm dẫn điện và phi dẫn điện). Sau đó, kết hợp dữ liệu thu được với các bản đồ sẵn có, và một số điểm lộ thiên của các công trình ngầm, kết hợp cho ra bản đồ số.

Thông qua việc đo đạc, xử lý số liệu, tập hợp hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu... các tác giả đã xây dựng riêng một "quy trình công nghệ điều tra, đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm" có khả năng áp dụng thực tế cao mà chi phí lại không quá tốn kém.

Toàn bộ quy trình được “gói” trong hệ thống quản trị dữ liệu riêng trên phần mềm PickUBase gồm nhiều chức năng: gắn các thuộc tính cho công trình ngầm, lưu trữ, cập nhật, chỉnh sửa, tìm kiếm, sắp xếp và khai thác hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có. Quy trình này cũng cho phép tận dụng các loại máy móc thiết bị truyền thống hiện có, như máy dò công trình ngầm hoạt động theo nguyên tắc cảm ứng điện từ để dò công trình ngầm kim loại và dẫn điện. Nhờ vậy, sẽ góp phần tăng nhanh tiến độ dò, đo đạc và bảo đảm chất lượng bản đồ.

Hội đồng nghiệm thu khoa học thành phố Hà Nội đã đánh giá công trình là một sản phẩm sáng tạo, khoa học, đảm bảo độ chính xác, tin cậy ở mức cao, có thể ứng dụng trong nhiều ngành nghề và xác lập bản đồ công trình ngầm cho nhiều vùng ở Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước.

Theo Tiền Phong/Vnexpress/MONREnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm