1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Lão tướng” Sùng Đại Dùng đã nằm lại mãi mãi với cao nguyên đá

Ngày 20.2.2014, chị Phương Hoa (Báo Hà Giang), rồi em trai tôi - Phó Tổng Biên tập báo TT&VH - đang ngược Mã Pí Lèng công tác (hai người không quen nhau) dường như cùng lúc gọi điện thoại cho tôi, báo tin rầu rĩ: Bác Sùng Đại Dùng ra đi rồi.

Xe cấp cứu với bình ôxy, đưa ông từ thành phố Hà Giang, vượt gần 200km đèo dốc nhất Việt Nam, ngược cổng trời Quản Bạ, ngược dốc Cán Tỷ rồi đèo Mã Pí Lèng, đưa ông nằm lại với Mèo Vạc thân thương rồi. Tôi ngẩn người ra một chốc.

“Anh có gọi điện chia buồn với anh Đại Hùng không?” - em trai tôi hỏi. Tôi lặng lẽ - “thôi, anh Hùng đang bối rối thế này”. Sùng Đại Hùng là con trai cụ Dùng, đang làm Bí thư huyện ủy Đồng Văn. “Lão tướng” Sùng Đại Dùng, ra đi ở tuổi ngoại bát tuần, “trẻ làm ma già làm hội”, tôi không khóc, nhưng đúng là cứ ngẩn ngơ ngậm ngùi mãi.

Ông từng là Bí thư Đoàn thanh niên đầu tiên, chỉ huy hàng vạn thanh niên xung phong của 18 dân tộc thuộc 8 tỉnh, thành phá đá mở đường Hạnh Phúc (từ năm 1959 đến 1965), với hơn 2 triệu ngày công. Đại công trường này từng được nhà văn Nguyên Ngọc ví như một Kim tự tháp của Việt Nam! Ông Dùng sau đó là Chủ tịch UBND đầu tiên của huyện Mèo Vạc, từng 2 khóa làm Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang. Nhưng, những người viết, những người say mê núi rừng như chúng tôi thì lại quý, kính, thân thiết với cụ Dùng theo lối ngưỡng vọng trước một pho sử sống cực kỳ thú vị và đáng cảm kích…

Lão tướng miền biên ải

Bao năm gắn bó với “Hà Giang mến yêu của tôi” nồng say, ảo diệu kia, là ngần ấy năm những cái tên Vương Chí Sình, Vù Mý Kẻ, Sùng Đại Dùng… vang lên trong đầu tôi (và nhiều người nữa). Ông Kẻ và ông Dùng sống ở hai bờ sông Lô, cách nhau chừng hơn cây số, trong lòng tỉnh lỵ Hà Giang. Ông Kẻ từng dắt ngựa cho Vua Mèo, từng là Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tuyên (cũ); ông Dùng còn vang danh thiên hạ hơn thế nữa. Lão tướng Dùng được văn nghệ sĩ, cán bộ cấp cao của Trung ương, rồi bà con Hà Tuyên (cũ) quý mến vô cùng. Một bài báo dẫn lời một quan cán bộ Hà Giang rất chí lý, rằng họ về Trung ương gặp Thủ tướng, gặp Chủ tịch Nước, nghe hai chữ Hà Giang là nhiều khi cấp trên hỏi ngay “bác Dùng có khỏe không?”.

Ông Dùng cũng từng về thẳng Trung ương gặp bác Đỗ Mười, xin cái ôtô về đi vận động bà con cho… hiệu quả. Đời tôi, gần 20 năm làm báo rồi, có lẽ chưa bao giờ nghe lại băng ghi âm, băng ghi hình các cuộc phỏng vấn nào mà cảm thấy kỳ lạ, hấp dẫn như phỏng vấn ông Sùng Đại Dùng. Nghe như nuốt từng lời. Cao nguyên đá mênh mông hoa bạc hà tím mát trong sương bủa chắc sẽ phải tự hào lắm vì đã sinh ra được một thủ lĩnh người Mông thiện chiến, tinh tường, tử tế, trong trẻo cả một đời như Sùng Đại Dùng. Dường như ông sinh ra để làm thủ lĩnh. Vừa rồi, cuối năm 2013, cùng VTV làm một bộ phim về các dân tộc thiểu số Việt Nam, tôi có dẫn đoàn đến phỏng vấn ông. Ông vẫn nhớ từng chi tiết lần đầu tiên gặp tôi mười mấy năm trước, vẫn nói to, chuẩn đến kinh ngạc. Không ai tin ông đã bước qua cái tuổi 80.

Điều khiến người ta đặc biệt kính trọng ông là ông nói chuẩn và làm rất chuẩn. Ông bảo, đời ông không mưu kế gì, chỉ đăm đắm lo cho dân cho nước, nên đầu óc minh mẫn kha khá. Ông Dùng hơn 70 tuổi mới nghỉ công tác, tài sản đáng giá chỉ có một cái xe máy Tàu, mà ông thì đang tập tọng đi thử. Một trí thức Hà Giang bảo, năm gần 80 tuổi ông Dùng mới thôi giữ chức Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh, thế mà bà con vẫn ao ước có phép nhiệm màu nào đó để mỗi người tặng ông thêm được 1 ngày tuổi, nếu được thế thì đời vị lão tướng xông pha kia hữu ích thêm cho biên ải cực Bắc bao nhiêu. Khi đặt mục tiêu trong một năm phải tìm, dựng lại được tư liệu và không khí đáng kinh ngạc của đại công trường (bị lãng quên) mở đường Hạnh Phúc với 2 triệu ngày công; với cuộc trường chinh vào trong lòng đá (chắc chắn là) kỳ vĩ nhất trong lịch sử Việt Nam, tôi đã phải đi tìm nhân chứng khắp 8 tỉnh, thành, đi lục lại tư liệu 50 năm, đi sưu tầm từng bức ảnh và thước phim tư liệu cũ đến mức không ai dám tin nó từng tồn tại…

Bảo tàng Hà Giang xin chúng tôi địa chỉ và tư liệu để trưng bày, để đi sưu tầm thêm. Chính quyền Hà Giang sau đó đã “tỉnh ngộ” tìm cách đưa hàng nghìn thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc đang uất ức vì bị bỏ quên gần 5 thập niên cùng “về lại chiến trường xưa” trong niền vui vô bờ bến.
Tôi nói là tôi làm được

Tôi nói là tôi làm được

Thời ấy bọn phỉ tuyên truyền, bao giờ đá mọc trên đầu người, bao giờ người ta leo núi bằng cách chống tay xuống, chổng chân lên giời mà qua được Cán Tỷ, thì Cộng sản mới mở được đường qua dốc Bắc Sum, qua cổng trời Quản Bạ, xuyên khu vực núi non không có đường chân trời Cán Tỷ. Nếu đường vào được thì chúng sẽ tự cắt mũi, rán lên chảo mỡ cho bà con ăn. Chỉ với máy khoan, với cây choòng trong tay, anh chị em khoan từng milimet đá, nhét mìn vào, chứ không có bất cứ máy móc gì cả. Ối trời ơi, bấy giờ là năm 1959 mà, ta vừa giải phóng Điện Biên được vài năm. Ối trời ơi, đá gan trâu, khoan cả ngày, nổ mìn một phát nó chỉ bay ra hòn đá bằng cái nắm tay thôi. Số người hy sinh vì đại công trường đủ để thành lập riêng một “Nghĩa trang thanh niên xung phong mở đường Hạnh Phúc” ở Yên Minh ngày nay”.

“Vừa ra quân, vấp ngay phải các vách đá cách thị xã 2km. Bấy giờ, hươu nai còn chạy đầy đường, nứa mọc kín các rông núi. Đang làm thì phỉ mổ bụng cán bộ treo lên cây tập bắn. Nó đóng cổng trời Cán Tỷ. Trên đó nó lăn đá xuống, bắn súng kíp, một người trấn ải thì nghìn người không lên được. Trung đoàn 24 bấy giờ phải tiến hành mở một sân bay dã chiến ở Phong Quang để chuẩn bị nhảy dù “huyết chiến”, quyết tâm “mở cổng trời” bằng mọi giá. Tôi được đi thử tàu bay ấy, lên cao lắm, nhìn thấy cả cao nguyên, nhìn sang cả Ma Li Pho bên Tàu. Tình cờ ta câu một quả móc-chi-ê (pháo 81 ly), một thằng phỉ chết. Chúng nó thấy súng lớn, thấy tàu bay hiện đại, sợ quá bảo nhau mở cổng trời”.

“Con đường Hạnh Phúc này, ngày xưa chỉ cho ngựa và người đi bộ thôi. Đường to bằng bụng ngựa là vì thế. Pháp nó mở đường, nó kéo đường dây điện thoại từ Hà Giang lên tận Lũng Làn, Sơn Vĩ, sang tít bên Bảo Lạc của Cao Bằng. Chúng quản lý đường rất hách, bọn mã phìa, tổng giáp, “con dân” của chúng là phải chăm sóc cẩn trọng, nếu có hòn đá bằng cái thìa múc canh nằm trên đường là bọn tổng giáp bị đá đít trừng trị ngay. Ối trời ơi, bấy giờ từ Mèo Vạc ra đến Phó Bảng đi bộ mất 3 ngày, từ Phó Bảng về Hà Giang đi 3 ngày nữa, cứ cõng chăn chiên, túi rết, rồi quần áo gạo nước mà đi, 6 ngày đi bộ, mệt sắp chết - thì mới đến thị xã. Một gánh muối, một phao dầu, như là một phao một gánh máu xương! Nước không có, một năm không dám tắm một lần; rửa mặt xong, gạn nước để rửa chân, rồi cho trâu bò uống nữa. Bữa đến hết cả ngô ăn, phải đi chặt cây báng ở trên núi, dưới suối về giã ra lấy bột, ăn để sống làm người”.

“Cả vùng Đồng Văn cũ gồm 4 huyện bây giờ cứ gọi là chìm trong màu hoa anh túc đẹp như có ma có quỷ. Đàn ông, đàn bà, cả trẻ con nữa, chìm trong khói thuốc phiện. Vua Mèo Vương Chí Sình thì được phong làm Ủy viên Ủy ban Ma túy Đông Dương, có quyền thong dong dẫn đoàn ngựa thồ thuốc phiện đi bán khắp Hải Phòng, Hà Nội, bán ra tận Hồng Kông, Ma Cau, Trung Quốc. Bấy giờ họ gọi Phó Bảng là “Ma Cao” của Việt Nam.

Tôi trực tiếp đi thu mua thuốc phiện. Thuốc phiện Đồng Văn bấy giờ ngon nổi tiếng toàn cõi Đông Dương. Sản lượng một năm là 18-19 tấn nhựa anh túc. Đấy là chưa kể số thuốc phiện bị buôn lậu khoảng 5-6 tấn nữa. Đoàn ngựa 30 con của Vương đi rầm rập để “đổ hàng” bán khắp trong và ngoài nước, xây “lâu đài”, mua vũ khí, củng cố thế lực.

Thế rồi, sau này, tôi lại dẫn đầu đoàn người đi vận động phá cây thuốc phiện, khuyên nhủ bà con tránh xa “nàng tiên nâu”, để có cuộc sống như bây giờ”. Ông Dùng bảo bà con: Chúng ta sai rồi, ta trồng thuốc phiện nhiều quá, Liên hợp quốc đi máy bay trên trời họ còn nhìn thấy hoa anh túc rực rỡ, họ bảo: Việt Nam bỏ thuốc phiện đi thì mới bớt khổ. Xã đội trưởng cũng nghiện, Bí thư xã cũng nghiện thì chết.

Bà con hỏi: Bỏ cây thuốc phiện thì trồng cây khác có đủ ăn không? “Tôi là Sùng Đại Dùng, sinh năm 1931, ở xã Ma Lé, huyện Đồng Văn này, tôi không lừa bà con, không nói dối Chính phủ đâu. Nếu bỏ thuốc phiện mà còn bị đói, thì bà con cứ đến nhà tôi mà ăn. Tôi nói là tôi làm được”. Sau câu hứa quyết liệt đó, ông Dùng đã mày mò, trực tiếp thử nghiệm cho bà con trồng cây cải dầu thay thế cây anh túc, thế là thành công.

Đèo Mã Pí Lèng và Con đường Hạnh Phúc.
Đèo Mã Pí Lèng và Con đường Hạnh Phúc.

Đừng nể nang mà làm hỏng đại sự

Có lần tôi thắc mắc, ông Dùng cứ nghèo mãi với ghế cũ, bàn cũ, quần áo cũ thế này ư? Vợ chồng ông Dùng cười đầy tự hào cho cái thanh bần của mình. Ông khoe, sau khi mở đường Hạnh Phúc, ông Dy, từ chỗ chỉ huy công trường về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, còn ông làm Chủ tịch đầu tiên của huyện Mèo Vạc. Và ông còn vận động bà con đi mở đường đến các xã Lũng Pù, Sơn Vĩ, Sín Cái nữa chứ. Mở đường xong, ông còn dựng một ngôi nhà gỗ 12 gian ở huyện Mèo Vạc để ở, để tiếp cán bộ từ các bản làng ra chơi. Ông dựng nhà thật to, để muốn nói với mọi người rằng, gắn bó với Mèo Vạc, mở đường đi các xã, có đường thì sẽ được giàu như ông thôi.

“Đấy, tôi giàu từ xửa xưa, sao nhà báo bảo tôi nghèo nhỉ” - ông cười. Nhưng ai cũng biết, ông bà sống thanh đạm đến xót xa. Con ông - Sùng Đại Hùng giờ làm Bí thư huyện ủy - kể: Học xong, ra trường tưởng bố xin việc cho, ai dè ông bảo “cứ đem hồ sơ sang cơ quan nào đúng chuyên môn anh được đào tạo mà xin”. Ông Dùng lại còn đe cán bộ tỉnh “đừng có nể nang tôi mà làm hỏng đại sự”. Lúc đầu anh cũng hơi tủi, nhưng giờ lớn rồi mới hiểu sự tuyệt vời của bố.

Bố Sùng Đại Dùng ơi, vậy là cao nguyên đá, công viên địa chất toàn cầu mến thương mấy nghìn kilômét vuông kia đã mở lòng đón đứa con tinh hoa của mình “hồi hương” khi đã hết việc trần gian rồi đấy. Phía sau hàng loạt cái cổng trời vời vợi, sau núi điệp điệp cao và mây mù, lão tướng miền biên ải đã mãi mãi nằm lại. Tạm ngừng việc trần gian của ông lại, nhưng việc của ông còn nhiều lắm. Có thể ông quá giản dị và ông không muốn điều này. Nhưng tôi biết, ông vẫn còn phải làm công việc của một tượng đài trên phên giậu cực Bắc kia nữa, để cho chúng tôi, cho các thế hệ sau cùng ngưỡng vọng. Tượng đài ấy, có lẽ nên đứng bên cạnh những cái cột đá khắc ghi sự kiện ám ảnh bậc nhất trong lịch sử Việt Nam kia, nào là bia “18 tháng treo mình trên vách đá để mở đường” đang đứng ở đỉnh Mã Phí Lèng; nào là bia tưởng nhớ “2 triệu ngày công” để làm đường Hạnh Phúc đã dựng tại thị trấn Mèo Vạc (nếu 1 người làm, thì để có 2 triệu ngày công, họ phải mất gần 5.500 năm!).

Mới ngồi với nhau hôm nào, thế mà bây giờ lão tướng đã lại về mãi với miền đá miên man bất tận của mình rồi đấy…

Hà Nội, đêm 20.2.2014

Theo Đỗ Doãn Hoàng

Lao động