1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lão Tần chữa rắn cắn

(Dân trí) - Để giữ lấy mạng sống sau khi bị rắn cắn, nhiều người phải chấp nhận mất một phần thân thể. Đấy là họ không có may mắn được gặp lão Tần. Uống thuốc của lão không những thoát khỏi tay tử thần mà còn được bảo toàn thân thể. Lão ở xã Thanh Long, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Cứu người làm phúc

 

Căn nhà ngói cổ của ông Lê Văn Tần (65 tuổi) tạm được coi là khá ở vùng quê xứ Nghệ; lúc nào cũng nhộn nhịp người ra vào. “Tui có cần chi mô. Tiền bạc thì mấy cho vừa. Cứu thêm được một mạng người là vui rồi”, ông mở đầu câu chuyện.

 

Ông Tần tóc hớt cao, nhiều phần đã bạc, áo quần dân dã, tiếp bệnh nhân rất ân cần, cởi mở khi nói về đời và nghề. Ông bảo đến lúc này cũng không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu mạng người. Dân trong làng bảo: Chắc không dưới một ngàn người.

 

Một tối mùa đông cách đây chừng 2 năm, anh Nguyễn Văn Hà đốt đuốc đi soi nhái, bị rắn Cạp Nong cắn nhiều nhát vào tay và hông. Đến trạm y tế xã, bác sĩ bảo chỉ còn cách cắt tay và hớt một phần thịt nơi bị rắn cắn thì mới sống sót. Người nhà anh đến cầu cứu ông Tần. Ông chỉ cho một ít thuốc về uống mà anh Hà khoẻ mạnh bình thường.

 

Anh Lê Văn Sơn - con trai ông Tần - nhớ lại, cách đây khoảng 8 năm, một người ở Thanh Chương vào miền Nam làm ăn, không may bị rắn Cạp Nia cắn vào chân phải. Người này nhập viện Chợ Rẫy trong tình trạng hôn mê, nọc độc đã phát tác, nguy cơ tử vong cao. Bác sĩ kết luận muốn cứu người phải cưa chân.

 

May mắn người thân ở quê nhà biết tiếng ông Tần, đến mua thuốc rồi gửi vào cho bệnh nhân. Mấy hôm sau, anh này khoẻ mạnh ngồi dậy trước sự ngỡ ngàng của các bác sĩ.

 

Sau sự kiện trên, ông Tần nhận được thư của bác sĩ Trương Văn Việt - lúc bấy giờ là Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - với nội dung mong muốn mời ông vào Nam phối hợp bào chế thuốc chữa rắn cắn. Nhưng vì một số nguyên nhân gia đình, lần đó lão không vào được.

 

Sẵn sàng truyền nghề cho người tâm huyết

 

Ông Tần bảo: “Nhà tui mấy đời chẳng có ai theo nghề này. Cũng chẳng có ai làm thầy lang. Chắc là cái số nó vận vào tui rồi...”. Lão nhớ lại: “Tui năm ni cũng hơn 65 tuổi. Lúc đến tuổi đôi mươi cũng lên đường vào Nam chiến đấu. Khoảng năm 1979, trong một trận đánh ở Campuchia, tui cùng với 3 chiến sĩ khác đã được một liên lạc viên nước bạn cứu thoát sau khi bị bao vây. Người liên lạc đó bí mật đưa tôi về nhà mình ẩn nấp. Tại đây, một cụ già chừng hơn 100 tuổi truyền lại những bài thuốc bí truyền chữa rắn cắn của gia đình với hy vọng tui sẽ ở lại nối nghiệp cụ. Nhưng vì nhiệm vụ, tui theo đồng đội về Việt Nam công tác”.

 

Trở về quê nhà, thấy cảnh nhiều người thiệt mạng hoặc trở nên tàn phế vì bị rắn cắn, ông mới nhớ đến bài thuốc quý của ông già người Campuchia. Bệnh nhân đầu tiên của lão Tần là một cậu bé chăn trâu làng bên. Hồi đó, sau khi cho bệnh nhân uống thuốc ông hồi hộp lắm. Đến lúc cháu bé qua cơn nguy kịch ông mới thở phào nhẹ nhõm.

 

Từ đó đến nay, chẳng biết đã bao nhiêu bệnh nhân nhờ ông mà bảo toàn được tính mạng. Tiếng lành đồn xa, cả những người ở huyện, tỉnh khác cũng đến nhờ tài ông.

 

Ông Tần khẳng định: “Những người bị rắn cắn khi đến tui chỉ cần còn nuốt được thuốc nghĩa là còn được sống. Thuốc của tui có thể chữa được tất cả các loại rắn cắn...”.

 

Tôi mon men hỏi về phương thuốc và cách bào chế thuốc, lão Tần cười: “Cách đây ít lâu tui có nhận được lời đề nghị của đồng chí Nguyễn Hưng Củng - lúc đó là Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền Bộ Y tế - muốn tui ra Hà Nội để hợp tác trong việc bào chế thuốc chữa rắn cắn. Nhưng vì sức khỏe yếu nên tui chưa ra được”.

 

“Hiện con trai tui cũng đã có thể bốc thuốc được rồi. Nhưng về lâu về dài tui vẫn hy vọng sẽ có một nhà khoa học tâm huyết về đây cùng tui tìm hiểu, nghiên cứu và bào chế loại thuốc hiếm này. Tôi sẽ sẵn sàng hợp tác...”, lão Tần nói.

 

Nguyên Nghĩa - Hà Nguyên