Cần Thơ:

Lão nông mấy chục năm “xúc tép nuôi cò”

(Dân trí) - Suốt 32 năm, lão nông Nguyễn Ngọc Thuyền, 71 tuổi (ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) miệt mài chăm sóc đàn cò hàng vạn con. Gia đình thất thu từ vườn cây nhưng ông vẫn “xúc tép nuôi cò” và xem chúng như con cháu của mình

Duyên nợ với đàn cò

Ông Thuyền cũng như bao nông dân khác ở đất miền Tây sống bằng nghề trồng lúa, cây ăn trái và chăn nuôi. Thế nhưng, những năm 1980, khu ruộng của ông Thuyền bị đàn cò ở đâu bỗng dưng bay về trú ngụ rất đông, phá hoại lúa làm thất thu lớn. Khu vườn cây ăn trái kế bên chúng cũng trú ngụ làm một số cây bị chết. Ông Thuyền kể lại: “Lúc đó vườn, ruộng là kế sinh nhai nuôi 8 đứa con nên khi cò về đây nhiều tôi nhờ những thợ săn đến bẫy cò để bảo vệ lúa. Nào ngờ năm sau tới mùa cò lại kéo về đông hơn, khi bẫy thì chúng bay đi rồi vài tháng sau lại kéo về đông hơn nữa. Nghĩ đây là “đất lành” nên tôi không kêu người bẫy mà đào mương, lên liếp trồng cây cho cò trú ngụ”. Những cây ăn trái ông Thuyền trồng chẳng thu hoạch được gì vì mới ra hoa cò đã bẻ nhánh, làm tổ khiến cây còi cọc rồi chết dần.

Ông Thuyền chăm sóc, bảo vệ đàn cò suốt mấy chục năm liền
Ông Thuyền chăm sóc, bảo vệ đàn cò suốt mấy chục năm liền

Ông Thuyền cho biết: “Năm 1983, nghe nơi đây có cò về trú ngụ nên đích thân Giáo sư – Tiến sĩ Võ Tòng Xuân (lúc đó là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần  Thơ - PV) lên thăm, động viên tôi bảo vệ vườn cò và tặng mấy triệu đồng để mua cây về trồng cho cò trú ngụ. Sau đó, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đến thăm tặng một ít tiền nữa vì thấy cây trong vườn đã chết gần hết, trong khi tôi không có tiền để mua cây giống, cải tạo lại vườn”. Theo ông Thuyền, nếu không có số tiền này chắc vườn cò của mình sẽ không giữ được vì lúc đó một số loại cây ăn trái như nhãn, xoài đều bị cò làm chết hết. Có tiền ông mới mua các loại cây mới như: còng, keo, dừa, trúc, tre, bằng lăng… và đào mương nuôi tôm, cá để cò vừa có chỗ trú ngụ vừa có thức ăn.

Họ nhà cò được nghỉ ngơi trong khu vườn sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc
Họ nhà cò được nghỉ ngơi trong khu vườn sau một ngày kiếm ăn mệt nhọc

Ban đầu khu vườn của ông Thuyền chỉ có vài công đất nhưng khi đàn cò về trú ngụ càng đông không có chỗ trú ngụ nên ông phải tích góp, mua thêm đất, trồng cây cho cò ở. Hiện nay, khu vườn rộng hơn 2 ha nhưng có tới hơn 300.000 con cò về đây trú ngụ mỗi ngày, lớn nhất so với các vườn cò khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là nơi trú ngụ của họ nhà cò như: cò quắm, cò ma, cò cá, cò rằn, cò ruồi…

Khu vườn được trồng cây cho cò trú ngụ, sinh sản
Khu vườn được trồng cây cho cò trú ngụ, sinh sản

Mấy chục năm qua, số lượng đàn cò ngày một tăng là nhờ gia đình ra sức bảo vệ.  Ông Thuyền cho biết: “Đặc tính của loài cò hễ có động là cả đàn sẽ kéo đến nơi khác trú ngụ nên việc giữ chân đàn có không hề đơn giản chút nào. Nơi đây phải hội tụ đủ các yếu tố như: không gian yên tĩnh, cây cối rậm rạp cho chúng trụ ngụ và điều đặc biệt là phải an toàn cho tính mạng của cò mẹ và cò con. Các vườn cò trong khu vực cò chỉ đến ở trong thời gian ngắn rồi lại biến mất vì không an toàn nhưng với vườn cò của tôi mấy chục năm qua vẫn như vậy và càng sinh sôi, nảy nở thêm”.

Là ân nhân của… cò

Ngoài việc bảo vệ cho cò, ông Thuyền còn kiêm thêm “cứu hộ”, “bác sĩ” mỗi khi cò gặp nạn trong vườn. Hầu như ngày nào cũng vậy, ông đều ra vườn để tìm những con còn con chẳng may rơi xuống đất, gãy cánh đem về nhà chăm sóc đợi khi đủ lông đủ cánh bay nhảy được sẽ thả vô vườn để chúng trở về với thiên nhiên. Việc giải cứu những con cò mắc bẫy, dính lưỡi câu vô cổ họng rất khó khăn. Bởi vì làm không khéo sẽ gây tổn thương nặng khiến cò chết. Ông Thuyền kể lại: “Lúc trước không biết nên khi gỡ lưỡi câu dính trong cổ họng làm nó bị tổn thương nặng có con không cứu được. Sau thời gian nghiên cứu tôi dùng cọng bông súng luồn vào đầu dây xỏ vào cổ họng là có thể lấy lưỡi câu ra dễ dàng mà cò không bị tổn thương”.

Khách du lịch thích ngắm nhìn đàn cò và chụp hình lưu niệm với chủ nhân khu vườn
Khách du lịch thích ngắm nhìn đàn cò và chụp hình lưu niệm với chủ nhân khu vườn

Đến khu vườn cò Bằng Lăng bất cứ vào thời điểm nào cũng nghe inh ỏi tiếng của họ nhà cò trên ngọn cây. Hiện tại, mỗi ngày có vài chục du lịch đến đây tham quan, nhìn ngắm đàn cò. Số tiền thu được chỉ 10.000 đồng/người nên ông chẳng thu nhập được bao nhiêu. Đến đây, du khách sẽ được hướng dẫn viên du lịch rất đặc biệt chính là chủ nhân của vườn cò – ông Nguyễn Ngọc Thuyền kể rất nhiều chuyện thú vị về họ nhà cò không biết mệt  mỏi. Ông hiểu tính đàn cò như chính con cháu của mình trong nhà. Ông Thuyền cho biết: “Loài cò cũng như loài người có tổ chức đàng hàng. Buổi sáng đi kiếm ăn đều theo đàn, chiều về cũng vậy có một con chỉ huy bay chính giữa đầu tiên, những con trong bầy bay xung quanh tạo thành hình như chiếc máy bay. Mỗi khi chiều về, con chỉ huy sẽ bay trước lượn xung quanh để kiểm đàn cò mình coi có sót con nào không nên mới kêu inh ỏi. Đến sáng hôm sau chúng cũng đi kiếm ăn theo đàn như vậy theo một tổ chức riêng của họ nhà cò”.

Mỗi buổi chiều từng đàn cò bay vồ khu vườn của ông Thuyền trú ngụ
Mỗi buổi chiều từng đàn cò bay vồ khu vườn của ông Thuyền trú ngụ

Cưu mang, bảo vệ đàn cò rồi ông Thuyền cũng được chúng trả ơn xứng đáng. Đàn cò về vườn ông chẳng thu nhập được cây, trái gì trên diện tích hơn 2 ha nhưng đổi lại chúng cũng giúp ông nuôi sống cả gia đình. Những đứa con của ông làm dịch vụ xung quanh như bán thức ăn, nước uống, giữ xe… chẳng giàu có nhưng cũng có việc làm quanh năm. Ông Thuyền tâm sự: “Bây giờ mỗi ngày không ghe tiếng có kêu là tôi bức rức, chịu không nổi. Lúc trước tôi đi du lịch ở Đà Lạt có mấy ngày mà đến chiều trong lòng nôn nao không thể tả được vì không nghe tiếng cò kêu. Đi du lịch mà cứ lo cho đàn cò ở nhà không ai chăm sóc nên từ đó về sau tôi không đi đâu nhiều ngày nữa”. Trước đây, có đơn vị du dịch lại đây trả tiền tỷ để mua lại khu vườn nhưng ông Thuyền kiên quyết không bán vì sợ người khác lại đây đầu tư du lịch, xây cất nhiều sẽ phá vỡ nơi sinh hoạt và cò sẽ bỏ đi nơi khác.

Cò về trú ngụ ngày càng đông nên ông Thuyền dự định mua thêm đất để mở rộng khu vườn 
Cò về trú ngụ ngày càng đông nên ông Thuyền dự định mua thêm đất để mở rộng khu vườn 

Hiện tại, khu vườn rộng hơn 2 ha trở nên chật chội khi số lượng đàn cò về đây ngày càng đông. Ông Thuyền dự định cùng các con liên hệ với chính quyền địa phương xin hỗ trợ vay vốn ưu đãi để mua thêm đất, đào mương, trồng cây cho cò trú ngụ. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông đang cố gắng hết sức để bảo vệ đàn cò như chính con cháu của mình. Mong muốn lớn nhất của ông là vườn cò được mở rộng và thế hệ con cháu của mình sẽ tiếp tục dày công “xúc tép nuôi cò” để bảo vệ môi trường sống hoang dã giúp chúng sinh sôi, nảy nở.

Minh Giang