1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Lão nông kiếm tiền tỷ mỗi năm trên mảnh đất cằn

(Dân trí) - Rời bỏ cuộc sống ồn ào nơi phố thị, ông Phạm Quang Hùng (SN 1962, trú xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) trở về vùng quê nghèo lập nghiệp. Bằng bàn tay và khối óc, sau hơn chục năm, ông đã biến vùng đất cằn sỏi đá thành mảnh đất “vàng” trị giá hàng chục tỷ đồng.

Hương Thủy là xã nghèo thuộc huyện miền núi Hương Khê, từ xưa người ta chỉ biết đến đó là một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” quanh năm khí hậu khắc nghiệt, gánh chịu nhiều thiên tai.

Trong những năm gần đây, phong trào xây dựng và phát triển kinh tế ở các vùng quê Hà Tĩnh phát triển mạnh, các mô hình kinh tế ngày được nhân rộng và xã Hương Thủy cũng là điển hình trong phong trào ấy. Đặc biệt là mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Phạm Quang Hùng (xã Hương Thủy, Hương Khê) là một điển hình nổi bật khi nhắc đến ai cũng phải trầm trồ.

Bỏ phố về quê làm trang trại

Từng có cuộc sống khá giả với nghề buôn bán, tậu được căn nhà mặt tiền ở trung tâm thị trấn Hương Khê, thế nhưng trong suy nghĩ của ông Phạm Quang Hùng, nghề buôn bán may rủi, lại phải sống xa quê hương, khó ổn định. Một phần, trong tư tưởng ông luôn đau đáu hướng về mảnh đất chôn rau cắt rốn, muốn làm điều gì đó cho quê hương nên ông Hùng đã quyết định bỏ phố về quê.

“Năm 2004, khi có chính sách trồng cây phủ xanh đồi trọc của tỉnh, nhận thấy đúng thời điểm trở về quê, tôi bàn với vợ xin nhận một vùng đất đồi của Công ty thông Hương Khê (xã Hương Thủy, Hương Khê) để trồng cây keo nguyên liệu. Để có vốn liếng đầu tư, vợ chồng tôi đã phải cầm cố hết tài sản của gia đình, vay mượn anh em họ hàng. Không chỉ khó khăn về vốn, vùng đất mà vợ chồng tôi nhận khô cằn, cách trở nơi ở, đường sá đi lại rất khó khăn nhưng với tôi đã quyết là làm” – ông Hùng kể về quyết tâm trở về quê hương.

Trang trại rộng hơn 70ha của ông Phạm Quang Hùng
Trang trại rộng hơn 70ha của ông Phạm Quang Hùng

Sau khi nhận đất, với mục đích phủ trống đồi trọc, gia đình ông Hùng tiến hành trồng hơn 50 ha cây keo nguyên liệu. Ngoài ra, ông còn trồng hơn 9,5 ha cây trầm hương, đến nay đã được 11 năm tuổi.

Không dừng lại ở đó, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dễ làm trước khó làm sau, sau khi trồng keo, ông Hùng tiếp tục trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi tạo mô hình kinh tế vườn-ao-chuồng-rừng bền vững (VACR).

Đặc biệt vận dụng các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế bền vững nên ông rất chú trọng việc áp dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật để chống chọi với thiên nhiên, với sự biến đổi ngày càng khó lường của khí hậu như nắng hạn kéo dài và gay gắt, gió Lào khô nóng, lũ lụt... Sau hơn 10 năm vật lộn với đá sỏi, vợ chồng ông Hùng đã có cơ ngơi rộng lớn gần 70 ha gồm: Rừng keo, trầm, cây ăn quả, ao cá và hàng trăm con lợn rừng, hươu.


Ngoài 50 ha keo, ông Hùng còn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Ngoài 50 ha keo, ông Hùng còn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả.

Bằng lòng quyết tâm, từ dân phố thị, hai vợ chồng ông trở thành những người nông dân thực thụ giữa núi đồi bao la.

Tháng 9/2016, ông Hùng vinh dự là một trong 2 người đại diện cho đoàn Hà Tĩnh, tham dự Diễn đàn khuyến nông @ Nông nghiệp của 7 tỉnh duyên hải miền Trung do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (thuộc Bộ NN&PTNT) tổ chức. Đặc biệt tại diễn đàn này, mô hình trang trại của ông được xếp vào hạng Nhất đồng thời được in trong Tập san của Bộ NN&PTNT.

Bắt đất cằn “đẻ” tiền tỷ mỗi năm

Năm 2009, ông Hùng trồng 3.500 gốc cam bù và đến năm 2013 mới cho quả bói được 5-6 tấn cam. Sau 1 năm thu hoạch 13-14 tấn. Năm vừa qua, cả vườn cam bù của ông thu hoạch tới 27 tấn cam, cho thu nhập cả tỷ đồng.

Ông Hùng luôn chú trọng khoa học kỹ thuật áp dụng vào cây ăn quả.
Ông Hùng luôn chú trọng khoa học kỹ thuật áp dụng vào cây ăn quả.

Không chỉ riêng cam bù mà ông còn trồng thêm quýt, cam chanh, cùng với hàng trăm cây mít Thái cho quả 4 mùa để lúc nào trang trại cũng có thu nhập tới nay mấy trăm gốc mít Thái của ông đã có quả thu hoạch.

Năm 2017, ông Hùng trồng thêm 2000 gốc cam chanh, 1000 gốc bưởi Phúc Trạch đặc sản nổi tiếng của vùng đất Hương Khê và 2200 gốc cam Xã Đoài V2 chín muộn.

Sau khi có một mô hình kinh tế vườn rừng lớn 2 vợ chồng ông Hùng lại nghiên cứu sang chăn nuôi. Ông Hùng đã trực tiếp lặn lội sang vùng đất Hương Sơn để tìm hiểu cách nuôi lợn rừng và nuôi hươu. Đến bây giờ ông có một trang trại với 40 con hươu, 110 con lợn rừng, gần 10 tổ ong lấy mật.

Ngoài trồng rừng và cây ăn quả, các mô hình chăn nuôi cũng được ông Hùng nhân rộng trong trang trại.
Ngoài trồng rừng và cây ăn quả, các mô hình chăn nuôi cũng được ông Hùng nhân rộng trong trang trại.

Hiện tại, trang trại của ông Hùng cho thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động mang tính thời vụ. Ngoài ra, ông Hùng còn cho biết, nếu như năm tới thu hoạch thêm keo, tràm thì tổng thu nhập từ mô hình trang trại của ông có thể đạt từ 5-7 tỷ/năm.

Trang trại không những mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Hùng mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân địa phương.
Trang trại không những mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình ông Hùng mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều người dân địa phương.

Bằng lòng quyết tâm và nỗ lực không biết mệt mỏi, ông Hùng đã biến một vùng đồi núi hoang hóa thành một trang trại tổng hợp cho thu nhập tiền tỷ, là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trang trại của ông được Bộ NN&PTNT công nhận là một trang trại điển hình của tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Phương