1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đắk Nông:

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn

Dương Phong

(Dân trí) - Cố vực dậy sau lần đầu tiên bị cuốn trôi tài sản, ông Chung dồn sức nuôi lại 20 lồng cá. Thế nhưng, chỉ 4 năm sau, khi chưa kịp thu hoạch, toàn bộ tài sản của gia đình ông lại bị cuốn đi hết.

Trắng tay sau cv n lũ

Như Dân trí đã thông tin, năm 2010, ông Tống Văn Chung nghỉ hưu rồi cùng vợ chọn một khúc sông Sêrêpốk, ngay chân thác Trinh Nữ làm nơi "khởi nghiệp" bằng nghề nuôi cá lăng - loài cá đặc sản của Tây Nguyên.

Mùa mưa năm 2016, đang làm ăn thuận lợi thì thủy điện bất ngờ xả nước, cuốn phăng hết tài sản là lồng bè nuôi cá lăng của gia đình. Sản lượng cá nuôi trị giá 1,5 tỷ đồng bị cuốn trôi trong vài phút ngắn ngủi.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 1

Ông Chung chăm sóc 20 lồng cá bè của mình hồi tháng 7/2020

Ông Chung kể lại, thời điểm đó, nước từ thượng nguồn nơi có Thủy điện Buôn Kuốp đổ về, nhưng gia đình ông không nhận được thông báo. Ngày ấy 1,5 tỷ đồng cũng là toàn bộ tài sản của gia đình. Con cái ăn học cũng phải trông chờ vào số lồng cá trên sông.

Tiếc "đứt ruột" nhưng không nản, hai vợ chồng ông Chung cùng gây dựng lại gia sản, cho đến năm 2020.

"Ngày ấy hai vợ chồng gần như trắng tay bởi bao nhiêu vốn liếng đổ dồn vào mấy bè cá. Thế rồi vay mượn, xoay xở, chúng tôi lại làm lại từ đầu. Với 20 lồng cá được bao tiêu đầu ra, giá trị tính sơ đacũng lên đến hơn 4 tỷ đồng", ông Chung bộc bạch.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 2

Ông Chung bàng hoàng khi dòng nước lũ cuốn đi tài sản ngày 3/12

Bất ngờ, đêm 3/12 vừa qua, nước từ trên thượng nguồn lại đổ về. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ, cả gia tài của vợ chồng ông Chung đã bị dòng nước lũ cuốn trôi hết.

"Chúng tôi nuôi cá trên sông, được nhà nước cấp giấy phép kinh doanh nhưng không ai thông báo cho chúng tôi được biết việc thủy điện xả nước. Đến giữa đêm nước đổ về và dâng nhanh quá nên chúng tôi chỉ biết gia cố lại lồng bè chứ cũng không kịp kéo cá", ông Chung nghẹn giọng.

Lão nông rơm rớm nước mắt, không giấu nổi nỗi xót xa. Ông kể tiếp, bất ngờ, 4h30 sáng ngày 3/12, nước sông Sêrêpốk lại đổ về cuồn cuộn.

Nước từ thượng nguồn chảy mạnh đến nỗi xé rách lưới, cuốn trôi, nhấn chìm 5 lồng cá trong nháy mắt, rồi cuốn phăng cả gốc cây lớn là nơi cố định các lồng bè. Một số lồng cá còn lại được neo gần bờ nhưng cũng bị nước xé rách lưới, cá chết và tuồn ra ngoài hết sạch.

"Chỉ trong ít phút, nước dâng cao nhiều mét, cuốn phăng 20 lồng bè nuôi cá. Họ bảo thời điểm đó, thủy điện đã xả nước với lưu lượng tới 1000 m3/s. Nước đổ về nhanh lắm, vợ chồng tôi chỉ biết kêu trời vì không có cách nào cứu nổi tài sản của mình", ông Chung bàng hoàng kể lại.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 3
Bà Hoa "chết lặng" vì không những mất tài sản mà còn mang nợ gần 2 tỷ đồng

Nghe chồng nói, bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1966, vợ ông Chung) khóc nức nở cho biết thêm, tổng cộng có 20 lồng bè nuôi cá lăng đuôi đỏ, cá trắm… chuẩn bị xuất bán, trong đó có lồng nuôi cả hơn 3 năm trời. Số cá này đều đã được các nhà hàng tại TPHCM, Khánh Hòa… đặt mua từ nhiều tháng trước.

"Bao đêm vợ chồng bám lấy mặt nước, thức trắng trông coi tài sản. Bây giờ, không chỉ trắng tay, gần 2 tỷ đồng vay mượn đầu tư giờ chúng tôi cũng không biết lấy đâu ra trả. Vợ chồng con cái lại rơi vào cảnh nợ nần chỉ chuyện nước xả từ thượng nguồn về nhanh và dữ dội quá", bà Hoa quệt ngang dòng nước mắt.

Đại diện thủy điện: "đã làm hết trách nhiệm" !?

Sáng 5/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã đến kiếm tra thực tế.

Tại buổi kiểm tra, lãnh đạo huyện Cư Jút cho biết, những ngày qua, hồ thủy điện Buôn Kuốp liên tục xả lũ. Đặc biệt, vào sáng 3/12/2020, nước Sêrêpốk dâng cao khiến 26 lồng cá lăng đuôi đỏ của người dân bị cuốn trôi.

Theo ông Chung, không chỉ lồng bè của gia đình mà những hộ khác cũng bị nhưng gia đình ông là thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, đã gần 3 ngày trôi qua, Thủy điện Buôn Kuốp vẫn chưa đến làm việc với gia đình và các hộ dân khác.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 4
Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông kiểm tra thiệt hại tại huyện Cư Jút

Ông Chung bức xúc: "Từ hôm đó đến nay, tôi chỉ nhận được một cuộc điện thoại nói là người của thủy điện. Họ hỏi gia đình tôi bị thiệt hại như thế nào rồi tắt máy. Năm 2016, nước từ thượng nguồn cũng cuốn hết tài sản của gia đình, rồi năm nay cũng thế, tôi không biết họ có hỗ trợ gì không".

Giải thích về quy trình vận hành, xả lũ của thủy điện, ông Trần Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp cho biết, ngày 29 và 30/11/2020, mưa xuất hiện trên toàn lưu vực hồ chứa Buôn Kuốp. Tại khu vực thượng nguồn nhánh sông Krông Ana xuất hiện mưa to đến rất to, khiến nước sông dâng cao.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 5
Những gì còn xót lại sau khi nước lũ đi qua

Vào 4h sáng ngày 30/11/2020, Nhà máy bắt đầu xả nước qua tràn ra sông Sêrêpốk với lưu lượng 36m3/giây. Nước từ thượng nguồn sông Krông Ana về hồ Buôn Kuốp tăng nhanh, nên lượng nước xả qua tràn cũng tăng theo. Đến 4h sáng ngày 3/12/2020, lưu lượng nước xả qua tràn ra sông Sêrêpốk đạt 757m3/giây.

Cũng theo ông Khánh, trước tình hình mưa bão diễn biến phức tạp, đơn vị đã thông báo để địa phương chủ động tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống ngập lụt.

Lão nông đau đớn hai lần trắng tay vì dòng lũ thượng nguồn - 6

Nhà trại, hoa màu của người dân chìm trong biển nước

"Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, nhưng xảy ra sự việc là rất đáng tiếc. Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ do các đơn vị liên quan làm rõ. Chúng tôi thấy những thiệt hại của người dân là rất lớn. Chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để chia sẻ, hỗ trợ nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân", ông này cho hay.