Lao động Việt tử vong tại Angola chủ yếu vì tai nạn, dịch bệnh
(Dân trí) - Tai nạn lao động và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam tại Angola. Cơ quan chức năng khẳng định chưa cấp phép bất cứ doanh nghiệp đưa lao động sang làm việc tại quốc gia này.
Đáng lo ngại, đa số các công nhân này phải làm việc trong môi trường làm việc không an toàn, nhiều dịch bệnh, nguy cơ vi phạm pháp luật Angola và bị các cơ quan chức năng sở tại bắt giữ và trục xuất về Việt Nam. Theo ghi nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, trong năm 2012, tai nạn lao động và dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 18 công dân Việt Nam.
Anh Đậu Xuân Nam trú tại xã Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh đã tử vong tại Angola sau khi XKLĐ "chui" 3 tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước một lần nhấn mạnh, cho đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa cho phép bất cứ doanh nghiệp nào được đưa lao động sang làm việc tại Angola. Trong khi đó, theo quy định của Angola, lao động nước ngoài chỉ được phép làm việc cho công ty có tên trong thị thực nhập cảnh. Việc này đã dẫn đến tình trạng một số người lao động Việt Nam đã bị công an bắt giữ và trục xuất. Ông Quỳnh cho biết thêm, hiện vẫn còn một một số chuyên gia y tế, nông nghiệp và giáo dục của Việt Nam hiện đang làm việc tại Angola. Tuy nhiên, đây là những cán bộ đi theo chương trình thỏa thuận về hợp tác lao động ký giữa hai Chính phủ từ nhiều năm trước.
Để tránh những rủi ro và thiệt hại không đáng có, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Angola khuyến cáo các công dân Việt Nam cảnh giác truớc những quảng cáo, hứa hẹn của các công ty, cá nhân môi giới việc làm, hết sức thận trọng truớc khi quyết định đi lao động tại Angola.
Nếu nghi ngờ hoặc phát hiện cá nhân hoặc công ty nào có dấu hiệu lừa đảo người lao động có thể thông báo cho các cơ quan hữu quan (Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, Cục quản lý lao động ngoài nước Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Bộ Công an) biết để xử lý.
Cụ thể, người lao động có thể liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 043.8249517 (bấm tiếp số máy lẻ 511, 601, 312 hoặc 302); Văn phòng hỗ trợ lao động ngoài nước số máy 043.9366633; Sở Lao động – Thương binh & Xã hội địa phương; Trung tâm giới thiệu việc làm địa phương. Hoặc truy cập website dolab.gov.vn hoặc hotrolaodongngoainuoc.org để biết thông tin chi tiết về các thị trường lao động, danh sách và địa chỉ các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định cho phép thực hiện.
Phạm Thanh