1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lao động Việt bị cám dỗ bởi mức thu nhập cao ở Angola

(Dân trí) - Làn sóng người Việt sang Angola lao động “chui” diễn ra do sức hấp dẫn của mức thu nhập. Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH vẫn chưa đàm phán được với phía nước bạn về các quy định đảm bảo cho người lao động sang làm việc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) báo cáo lên Thủ tướng trước thông tin hàng vạn người Việt Nam đang làm việc tại Angola trong tình trạng không được bảo đảm quyền lợi và an toàn trong cuộc sống. Ông Lê Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này:

Thống kê cho thấy hiện có khoảng đến 3 - 4 vạn người Việt Nam sang làm việc, sinh sống ở Angola.  Tuy nhiên, phía Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, cho đến nay vẫn chưa cấp phép cho bất cứ công ty nào tham gia vào hoạt động xuất khẩu lao động sang đất nước này. Như vậy toàn bộ số lao động nước ta đang làm việc tại Angola trong tình trạng làm “chui”, sống thiếu an toàn. Vì sao có tình trạng này, thưa ông?

Bộ đã nghĩ tới việc đưa lao động sang Angola từ cách đây gần 4 năm, mới đây chúng tôi đã có đoàn công tác sang Angola để khảo sát tình hình. Số người Việt Nam sang làm việc, sinh sống ở Angola là khá lớn, 3 - 4 vạn người. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa ký hiệp định hợp tác với Angola. Phía Bộ cũng đã nghiên cứu đàm phán với phía bạn nhưng nước bạn chưa thể đảm bảo đủ các quy định cho lao động Việt Nam, vì thế  Bộ chưa thể đưa lao động sang. Mặc dù Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), cũng đã có tiếp nhận một số hợp đồng yêu cầu cung ứng lao động.

Trong khi đó đúng là làn sóng sang làm việc tại Angola vẫn không giảm. Thực tế có điều này là do lao động của chúng ta bị cám dỗ vì thu nhập quá cao. Trung bình, mức lương có thể được trả từ 900 - 1.000 USD, thậm chí có tháng tiền lương có thể 1.500 - 1.700 USD. Nhưng người lao động phải hiểu, đây không phải là mức thu nhập ổn định, bởi do tính chất công việc nên tháng có việc, có tháng lại thất nghiệp.

Hàng chục người lao động Việt Nam đã  tử vong tại Angola do bệnh tật

Hàng chục người lao động Việt Nam đã  tử vong tại Angola do bệnh tật

Đồng nghĩa là toàn bộ lao động Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Angola sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro. Và thực tế đã cho thấy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có gần 20 người Việt Nam tử vong tại Angola?

Việt Nam có cơ quan đại diện hợp pháp bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam ở nước ngoài - Cục Lãnh sự quán Việt Nam tại Angola - sẽ quản lý chung. Khi có việc cần hỗ trợ, người lao động nên đến đó. Trong trường hợp lao động muốn về nước, Bộ sẽ chỉ đạo phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan để hỗ trợ. Trường hợp xác định là người lao động do doanh nghiệp (DN) đưa đi, Bộ sẽ kiểm tra và sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp có trách nhiệm lo thủ tục cho người lao động.

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục lãnh sự quán (Bộ Ngoại Giao) cũng tiếp tục đưa các thông tin cảnh báo để người lao động hiểu rõ cái được, cái rủi ro. Hiện chúng tôi  vẫn tiếp tục xúc tiến các biện pháp khuyến cáo để người dân muốn sang Angola hãy đi theo con đường hợp pháp, đảm bảo quyền lợi của mình trong thời gian sinh sống ở Angola.

Được biết, tình trạng DN tiếp tục đưa lao động Việt Nam sang Angola làm “chui” vẫn không hề giảm, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Với vai trò là cơ quan chức năng, Bộ LĐ-TB&XH sẽ giải quyết tình hình này như thế nào?

Có thực trạng doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia núp dưới danh nghĩa liên doanh để đưa lao động đi mà không báo cáo với Cục Quản lý lao động ngoài nước. Bộ đã chỉ đạo Cục giám sát chặt chẽ tình hình, nếu do nhận thức thì nhắc nhở, nhưng nếu DN cố tình vi phạm thì Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Đã có một số doanh nghiệp báo chí đã nêu có vi phạm trong việc đưa lao động sang Angola, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ có trách nhiệm thanh tra giải trình với Bộ, báo cáo Phó Thủ tướng để xử lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Trầm