Hà Nội:
Lao động tự do nhọc nhằn nỗi lo Tết
(Dân trí) - “Loáng cái đã hết năm rồi! Thời buổi việc ít người nhiều nên kiếm tiến thật khó, làm cả năm trời mà càng Tết lại càng lo!” - chị Hoa mệt mỏi than.
Mỗi nghề một nỗi
Sáng sớm, chị Liên (quê ở Hưng Yên) không kịp ăn nắm cơm lót dạ mà “quàng” theo đôi quang gánh, mủng, mẹt vội vã “chạy” đến chợ Long Biên để lấy rau, củ, quả.
Đặt trên vai gánh hàng mưu sinh, chị Liên rong ruổi khắp các tuyến phố để bán hàng. Trời quá trưa, chị mới nghỉ chân và ăn vội bữa cơm đầu ngày. Cơm nước xong, chị lại cuốc bộ trên các dãy phố, đến khi hàng nhẹ gánh cũng là lúc trời đã sập tối.
Sau một ngày “dạo phố”, chị ngồi nhẩm nhẩm tính tính rồi bảo: “Hôm nay cũng được dăm chục đấy! Gần Tết, người ta đi lễ lạt nhiều nên hàng họ cũng đỡ ế” - chị Liên tâm sự.
Xuống Hà Nội kiếm việc đã hơn 1 năm, chị Hoa (quê ở Yên Bái) tìm đến nghề buôn đồng nát. Thú thực, những ngày cuối năm này các cửa hàng, kiốt dọn dẹp “thoáng” lắm. Nghề đồng nát cũng có nhiều phế liệu để mà buôn. Nhưng thời buổi “người khôn, của khó” khiến dân buôn cũng nhiều phen “dài cổ”.
Trời rét căm căm! Nhưng ở dốc Bưởi (quận Cầu Giấy) cánh cửu vạn lúc nào cũng “tấp nập”! Họ ngồi co ro và mắt nhìn tứ phía để “ngóng” việc.
Những ngày áp Tết, cánh cửu vạn chủ yếu được thuê làm những công việc như: phá dỡ, dọn dẹp nhà cửa và bốc vác hàng hoá. Song mọi chuyện đâu phải lúc nào cũng thuận, cánh cửu vạn luôn “chấp chới” vì người làm thì nhiều mà công việc thì thiếu.
Trong cánh cửu vạn, có những người may mắn một ngày cũng kiếm được đôi ba trăm nghìn và dành dụm được ít nhiều để về lo Tết, nhưng cũng nhiều người “vật vờ” với cái rét, cái đói để chờ việc mà vẫn không được thuê…
“Cứ tưởng gần Tết thì sẽ có nhiều việc để làm, nhưng mấy hôm nay cứ đợi từ sáng sớm đến khi nắng đã quá đầu mà vẫn không có việc. Tôi chỉ mong “được” người ta thuê đi bốc vác, dọn dẹp để kiếm thêm ít tiền về quê ăn Tết…” - anh Thành (quê ở Hà Nam) than thở!
Không có việc thì chết đói nhưng có việc cũng không phải sẽ “sung sướng”. Còn nhớ cách đây mấy hôm, 3 người cửu vạn (quê ở Thanh Hoá) được thuê phá dỡ 1 ngôi nhà tạm. Ông chủ để cho 3 người thợ tự phá dỡ và cho họ thích lấy gì thì lấy. Nhưng trong khi phá dỡ, bức tường bất ngờ đổ sập xuống đè lên 2 người thợ, khiến cả hai bị thương nặng. Vậy là hết Tết!
Làm thuê không có ngày nghỉ
Làm ô sin cho 1 gia đình giàu có đã 6 năm tròn, ngoài mức lương 1 triệu đồng/tháng thì chị Huế (quê ở Phú Thọ) được nhà chủ đối đãi rất tốt! Công việc được gọi thành tên mà chị vẫn làm thường ngày là: bế em, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa và cầm tiền đi chợ. Thực tình, so với những ô sin khác thì chị Huế may mắn được làm thuê cho 1 gia đình tử tế. “Việc không quá vất vả, nhà chủ lại tốt… được như vậy là “sướng” cho cái đời ô sin. Nhưng, những ngày giáp Tết thèm được về nhà biết nhường nào” - chị Huế tâm sự.
Hơn hẳn những người lao động không có công việc cố định, bác Thi (quê ở Nam Định) ra Hà Nội đạp xích lô đã hơn 10 năm. Công việc của bác vốn vội vã, trong những ngày cuối năm bác lại thêm tất tả!
Ở cái tuổi ngót 60, dáng người thấp, màu da sẫm sạm, trên khuôn mặt gầy gò, từng trải của bác Thi là khí thế làm việc hăng say, mệt mài: “Hơn 10 năm qua, đạp xích lô nhưng đôi chân tôi không biết mỏi, chiếc xích lô này là nguồn sống của gia đình tôi. Gần Tết, nhu cầu ắm sửa nhiều hơn nên cũng có việc mà làm, đây cũng là những ngày kiếm cơm “dễ thở””.
Cũng giống như nhiều người lao động ngoại tỉnh khác, đã hơn 10 năm đạp xích lô nhưng năm nào cũng vậy, cứ khi sát giao thừa bác Thi mới về đến nhà. “Cực chứ! Nhưng có cái nghề mà làm là tốt lắm rồi, con cái không thiếu Tết là tôi mừng lắm rồi!” – bác Thi niềm nở.