1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. TPHCM "khát" cây xanh
  4. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai

Lao động trở về từ Libya: Tay trắng gánh nợ nần

(Dân trí) - Đã gần 2 tuần nay, hàng ngàn gia đình ở Hà Tĩnh sống trong cảnh ngóng trông tin tức người thân từ xứ người Libya. Số ít những lao động may mắn trở về từ “cõi chết” lại nặng gánh lo những khoản nợ chất chồng...<br><a href='http://dantri.com.vn/event-1686/Lao-dong-Viet-am-tro-ve-tu-vung-bao-loan-Libya.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp; Lao động Việt Nam trở về từ vùng bạo loạn Libya</b></a>

Đứng ngồi không yên khi con chưa về

Đã gần 2 tuần kể từ khi xảy ra bạo loạn trên đất nước Libya. Đó cũng là khoảng thời gian hàng ngàn gia đình có người thân đang sinh sống, làm việc tại đất nước này sống trong cảnh “ngồi trên đống lửa” .

Mỗi lần nghe thông tin từ các phương tiện truyền thông hay nghe tiếng con trai Ngô Đăng Hoà (SN 1988) gọi điện về từ Libya, bà Nguyễn Thị Thái (xóm 4, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) lại không kìm được nước mắt. “Mỗi lần nghe báo đài nói đến tình hình bạo loạn ở Libya, ruột gan tôi cứ nôn nao, đến bát cơm cũng không sao nuốt nổi. Con gọi điện về tôi chỉ biết khóc vì lo lắng cho con” - bà Thái nghẹn ngào.

Lao động trở về từ Libya: Tay trắng gánh nợ nần - 1
Ngày nào vợ chồng ông Ngô Đăng Tân (xóm 4, xã Hà Linh) cũng theo dõi ti vi để biết về tình hình ở Libya - nơi con mình đang mắc kẹt trong vùng bạo loạn

Ông Ngô Đăng Tân (chồng bà Thái) cho biết, con trai ông mới sang Libya thì ở nhà xảy ra lũ lụt, nhà cửa tan hoang. Số tiền con gửi về chỉ mới đủ sửa sang lại nhà cửa, còn gần 40 triệu tiền vay ngân hàng cho con đi làm thuê vẫn còn đó. “Những ngày xẩy ra bạo loạn ở Lybia, tối nào tôi cũng đến nhà thờ cầu nguyện cho con bình an, sớm trở về với gia đình” - ông Tân chấp tay cầu nguyện.

“Tôi mong Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ cố gắng hơn nữa trong việc tiếp xúc và đưa những lao động Việt Nam đang mắc kẹt ở Libya và một số lánh nạn ở những nước lân cận sớm về nước an toàn” - ông Tân nói.

Không chỉ riêng gia đình ông bà Tân, đó cũng là mong muốn của hàng ngàn gia đình ở Hà Tĩnh có người thân đang sống trong đất nước bạo loạn Libya.

Lao động trở về từ Libya: Tay trắng gánh nợ nần - 2
Nghĩ đến người chồng đang mắc kẹt ở vùng đất loạn lạc, chị Lê Thị Lan (xóm 7 Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) lại đỏ hoe đôi mắt, nước mắt lưng tròng.

Chưa hết vui đã nặng gánh lo

Theo ghi nhận của Dân trí vào chiều ngày 28/2, trong số hơn 2 ngàn lao động ở tỉnh Hà Tĩnh đi làm ăn tại Libya đã có hàng trăm người về nước an toàn. Tiếp xúc với họ, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng không khó để nhận ra phía sau nụ cười được trở về quê hương đoàn tụ gia đình là cả một gánh lo trĩu nặng vì nợ nần chồng chất.

Nguyễn Viết Xuân, 24 tuổi, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh - một trong năm người Hà Tĩnh có mặt sớm nhất trong chuyến bay đưa người Việt Nam từ Libya trở về nước - là một trường hợp như thế. Sang Libya từ tháng 5/2010, sau hơn 5 tháng làm việc lắp đặt đường ống nước cho một công ty tại nước bạn, Xuân chưa gom góp được nhiều tiền để gửi về gia đình trả nợ. Tất cả hi vọng Xuân dồn về chặng đường phía trước. Nhưng lúc này, Xuân và gia đình anh không dám tin là một ngày gần nhất sẽ lại được quay trở lại đất nước đang chìm trong bạo lực kia để kiếm tiền trả khoản nợ hơn 20 triệu đồng. “Lúc ở bên ấy mở mắt là thấy người biểu tình, súng đạn, người chạy loạn em lo lắm, sống chết trong gang tấc. Giờ về được nhà rồi nhìn bố mẹ nghèo, nợ nần lại buồn. Nghề thì không có, không biết khi mô nhà em trả được nợ” - Xuân buồn bã nói.

Khuôn mặt bà Dương Thị Ka (xóm 7 Ngụ Quế, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) luôn nở nụ cười tươi rói khi ngồi trò chuyện với mọi người về người con trai út anh Nguyễn Trọng Tuấn vừa trở về nhà từ miền đất dữ. Nhưng khi nhắc đến khoản nợ gần 50 triệu vay mượn cho con đi xuất khẩu lao động, khuôn mặt bà không giấu vẻ buồn rầu, lo lắng.

Tuấn đi xuất khẩu lao động sang Libya cuối năm 2010. Sau gần 5 tháng làm hệ thống thoát nước ở đây, Tuấn đã tiết kiệm được ít tiền định gửi về cho mẹ trả nợ ngân hàng thì lại xảy ra cơn bạo loạn. “Từ ngày xảy ra bạo loạn, công ty nghỉ việc, bọn em nằm lánh nạn trong phòng, tiền nong và những cái gì có giá trị đều mất hết. May mắn hơn những người khác là em đã về nước an toàn. Còn về đến nhà, trong người không có nổi một xu dính túi” – Tuấn nói.

Lao động trở về từ Libya: Tay trắng gánh nợ nần - 3
Tuấn về nhà với hai bàn tay trắng và khoản nợ gần 50 triệu đồng

“Khi con chưa về thì đêm nằm không ngủ được vì lo cho con. Giờ con về rồi tôi vui nhưng mở mắt ra, nghĩ đến mấy chục triệu tiền vay ngân hàng cho con đi xuất khẩu lao động tôi đứng ngồi không yên. Biết lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng đây” – bà Ka giọng buồn buồn.

Chị Nguyễn Thị Hiển (xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên) có con trai đang ở Libya cũng đang sống trong nỗi bất an, lo lắng. Đầu năm 2010, khi phong trào đi Libya rộ lên ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, chị Hiển đã vay tiền ngân hàng cho con đi xuất khẩu lao động. Niềm vui chưa thấy đâu, hiện giờ cả gia đình chị khốn đốn sống cùng lúc hai nỗi lo tột độ. “Cứ mỗi lần thấy người ta chiếu cảnh súng đạn nổ vang trời, cảnh chết chóc của dân thường mà gia đình tui lo lắng cho con. Nó chưa về thì gia đình tui mần răng mà ăn ngủ được. Suốt đêm ngày cả gia đình thay nhau dán mắt vào ti vi mà chờ thông tin, chờ một phép màu. Cầu trời phù hộ cho nó được an toàn, sớm trở về, chứ nếu nó có mệnh hệ chi thì cả nhà tui răng sống được” - chị Hiển nghẹn ngào lo lắng.

Lao động trở về từ Libya: Tay trắng gánh nợ nần - 4
Con trai chưa về, cộng với số nợ ngân hàng trên 40 triệu đã làm cho chị Hiển (ở giữa) sống trong cảnh đêm ngày thấp thỏm lo âu

Nỗi buồn của chị Hiển càng tăng, khuôn mặt lại càng nhăn nhéo khi nghe chúng tôi nhắc đến những khoản nợ nần. “Nỏ có nghề chi làm thêm, sống nhờ vào mấy sào ruộng nên gia đình tui dồn hết vốn liếng, vay hơn 40 triệu đồng để lo cho con đi nước ngoài với hy vọng con nó kiếm được ít tiền giúp đỡ gia đình, kiếm ít vốn sau này lập gia đình cho đỡ khổ. Dừ thì mần chi có hi vọng ấy nữa, đến cái thân nó cũng chưa về đây thì nói chi đến sướng khổ, trả nợ trả nần” - chị Hiển thở dài.

Trao đổi với PV Dân trí một cán bộ tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Tĩnh cho biết: “Hầu hết những lao động đi xuất khẩu ở Libya đều vay tiền ở Ngân hàng Chính sách Xã hội, trung bình mỗi người vay khoảng 25 triệu đồng, trong đó nhiều nhất là các huyện Can Lộc, Đức Thọ Kỳ Anh, Cẩm Xuyên. Chưa thể nói khoanh nợ, giản nợ hoặc xoá nợ gì lúc này mà chúng tôi đang chờ văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách Xã hội Trung ương. Cái mà chúng tôi đang khẩn trương triển khai đó là thống kê nguồn vốn giải ngân cho các đối tượng vay theo chương trình đi lao động tại Libya, cũng như nguồn hỗ trợ của các công ty, chính quyền để xem xét khả năng thanh toán nợ của lao động. Trên cơ sở đó, ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH chúng tôi sẽ “áp” vào, nhanh chóng bảo đảm quyền lợi cho người vay, giúp họ sớm ổn định cuộc sống”.

Còn lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh, cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tổng hợp danh sách những đối tượng đi xuất khẩu tại Libya có hoàn cảnh khó khăn. Khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ các lao động đi xuất khẩu tại Libya thì Sở LĐ-TB&XH sẽ cân đối nguồn hỗ trợ với từng đối tượng cụ thể”.

Văn Dũng - Đặng Tài