Lao động người nước ngoài “núp bóng” khách du lịch
Nha Trang (Khánh Hoà) nổi tiếng là thành phố du lịch ở Nam Trung Bộ thu hút nhiều du khách người nước ngoài (NNN). Và đây cũng là nơi nhiều NNN lợi dụng “núp bóng” dưới danh nghĩa khách du lịch để ở lại làm việc tại nhiều cơ sở đóng trên địa bàn tỉnh!
Quá nhiều lao động “chui”
Sau một thời gian tạm lắng, hiện NNN sử dụng visa khách du lịch để hoạt động thương mại “chui” tại Khánh Hoà xuất hiện trở lại. Vào cuối tháng 9, lực lượng biên phòng tỉnh đã phát hiện 6 NNN đến Khánh Hoà bằng hộ chiếu du lịch, nhưng họ đã đến các địa phương TX.Ninh Hoà, TP.Cam Ranh, huyện Khánh Vĩnh để thu mua rong mơ, hải sản và khoáng sản trái phép rồi vận chuyển sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Điều đáng nói là, nhiều người VN trong tỉnh đã giúp đỡ, hướng dẫn NNN mua hàng được dễ dàng với số lượng lớn...
Theo Sở LĐTBXH tỉnh, hiện có 35/195 lao động NNN làm việc trong KCN Suối Dầu và KKT Vân Phong, 11/60 lao động NNN ở các khu du lịch, nhà hàng, khu nghỉ mát... không có giấy phép lao động. Sở LĐTBXH vừa kiểm tra các DN, cơ sở có sử dụng lao động NNN và phát hiện Cty TNHH Gallant Ocean VN ở KCN Suối Dầu (huyện Cam Lâm) chỉ sử dụng 4 lao động NNN, nhưng có đến 3 người không có giấy phép lao động. Trung tâm ngoại ngữ quốc tế Việt - Mỹ thuộc Cty TNHH thương mại Anh - Việt - Mỹ tại TP.Nha Trang sử dụng 5 lao động NNN, có 1 người không có giấy phép lao động.
Chiều 1.10, ông Mai Xuân Trí - Phó GĐ Sở LĐTBXH - cho biết: Một số DN đã bao che cho lao động NNN dưới hình thức như: Lợi dụng quy định về thời hạn làm việc dưới 3 tháng để làm việc lâu dài; DN cố tình không khai báo tình hình sử dụng lao động NNN và không làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động... Đa số những lao động làm việc tại các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh chủ yếu “núp bóng” dưới danh nghĩa là khách du lịch sau đó ở lại làm việc.
Thiếu phối hợp
Hiện Khánh Hoà có 412 NNN làm việc tại các DN thuộc các KCN; 222 NNN lao động ở các cơ sở kinh doanh khác. Đa số các DN sử dụng lao động NNN chưa thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động, như không khai báo với cơ quan chức năng, không thực hiện ký kết hợp đồng lao động với NNN, dẫn đến lao động “chui”...
Trong khi đó, công tác quản lý lao động NNN còn bộc lộ nhiều bất cập. Ông Mai Xuân Trí thừa nhận: Giữa công an quản lý xuất nhập cảnh, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước chưa có sự phối hợp đồng bộ trong việc quản lý lao động NNN. Hiện nay, số NNN vào VN và di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác lại chưa được các cấp chính quyền địa phương quản lý theo hình thức đăng ký tạm trú, tạm vắng.
Do thiếu phối hợp nên chúng tôi rất khó kiểm tra, xử lý lao động NNN làm việc “chui” tại các nhà hàng, khách sạn, điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh. Vấn đề đang đặt ra là, sớm sửa đổi, bổ sung quy chế phối hợp của tỉnh trong việc quản lý và tuyển dụng lao động NNN; các đơn vị chức năng cùng sớm vào cuộc xử lý khi lao động NNN vi phạm, nhất là sử dụng visa sai mục đích!
Theo Lao động