1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lao động nghèo mòn mỏi tìm việc làm thêm cuối năm

(Dân trí) - Doanh nghiệp sản xuất đóng cửa hoặc ngừng sản xuất sớm hàng loạt, lương thưởng thấp khiến những công nhân ngoại tỉnh lao đao. Nhiều người tìm kiếm công việc thời vụ dịp Tết với mong muốn có thêm chút tiền về quê ăn Tết.

Thị trường lao động cuối năm hầu như "đóng băng", nhu cầu tuyển dụng rất hạn chế, lao động thiếu việc làm tăng mạnh… Đó là bức tranh ảm đạm của thị trường lao động những ngày sát Tết.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX), ở thời điểm hiện tại thị trường lao động hầu như bị “đóng băng” khi nhu cầu tuyển dụng không nhiều, hiện đã có tới 4 DN trên địa bàn ngừng sản xuất. Bên cạnh đó cũng có nhiều DN khó khăn, do đó nhiều công nhân phải nghỉ việc hay giãn việc. Chị Kim Hạnh, một công nhân may ở KCN-KCX Kim Chung này cho biết, dù đã bước vào những ngày cận Tết chị vẫn xin được tăng ca để có thêm chút thu nhập ngoài khoản thưởng Tết eo hẹp trước khi về quê ăn Tết.

Theo những người lao động (NLĐ) cùng làm việc ở đây, kiếm được việc làm thêm như chị Hạnh đã là quá tốt, bởi hiện các công ty chỉ sản xuất cầm chừng, tháng nào có việc thì làm được 20 ngày công. Chuyện làm tăng ca dịp cuối năm để thêm thu nhập, trở lên khó khăn.

Chợ người cuối năm đìu hiu

Chợ người cuối năm đìu hiu

Công việc bấp bênh, nguồn thu hạn chế khiến gánh nặng về một cái Tết đầy đủ nơi quê nhà của nhiều người lao động càng trở nên khó khăn. Buông tiếng thở dài não nề, anh Tùng (quê Thanh Hóa) công nhân thuộc một Tổng công ty xây dựng vốn nổi tiếng ở Hà Nội cho biết, đến giờ anh vầ nhiều người lao động vẫn còn bị nợ lương 2 tháng chứ đừng nói đến thưởng Tết.

“Vợ và hai đứa con nhỏ ở quê chỉ trông mong vào khoản thưởng Tết hàng năm của tôi để chi tiêu, mua sắm cho cả nhà. Năm nay đến lương còn không có, lấy đâu ra thưởng Tết. Việc làm ở công ty hầu như đã không còn, mấy ngày nay tôi đánh liều tham gia đội quân "chợ người" chờ có khách gọi  sửa chữa vặt hay sơn nhà hy vọng kiếm thêm chút tiền về quê đưa vợ cho đỡ tủi. Nhưng có ra đường mới thấy việc thì ít mà người chờ việc thì nhiều, đã hai ngày “đứng đường” mà tôi chỉ kiếm được 7 chục nghìn, chắc mấy ngày nữa đành về quên ăn Tết nghèo”- anh Tùng xót xa.

Những ngày cuối năm, đường phố như chật hẹp thêm bởi phương tiện tham giao thông ngày càng dày đặc, dòng người mải miết tỏa đi khắp nơi gấp gáp giải quyết công việc tồn đọng cuối năm. Trái ngược với sự tấp nập đó  là cảnh buồn hiu ở một số khu vực tập chung “chợ người”,  từng nhóm người lao động túm tụm ngồi tán chuyện, hút thuốc lào vặt, nhưng ánh mắt họ luôn hướng ra ngoài đường. Lâu lâu mới thấy xe của khách vãng lai dừng lại ngó nghiêng, tất cả lại ùa ra. Tuy nhiên chỉ một vài người may mắn được nhờ làm vài việc vặt như khuân vác, sửa chữa nhỏ.

Chợ người cuối năm đìu hiu

Những nữ lao động nông thôn vẫn bám trụ thành phố những ngày cuối năm với mong mỏi kiếm thêm chút tiền về quê lo cho gia đình

Mệt mỏi ngồi bệt bên vỉa hè khu vực vườn hoa Hà Đông - Hà Nội, chị Thanh Nhàn cho hay đã hai ngày nay chị không kiếm được việc làm. “Có tí việc nặng thì cánh đàn ông giành hết rồi, tôi chỉ chờ khách đến thuê lau dọn nhà cửa. Mọi năm bằng giờ này khách gọi tới tấp, làm không hết việc, năm nay khó khăn nhiều người tham gia vào đội quân làm việc thời vụ, trong khi người thuê làm có phần giảm sút, nên việc phải chia nhau làm, kém lắm”- chị Nhàn kể.

May mắn hơn, chị Hà (quê ở Hà Nam) lại kiếm được công việc làm thêm khá “ngon” trong dịp Tết này, đó là trông nhà kiêm dọn dẹp nhà cửa cho một gia đình quen biết. Gia đình này đi du lịch từ mùng 2-7 Tết nhưng còn một người già cần chăm sóc, do đó chị được thuê ở lại trông nom người và dọn dẹp nhà cửa với mức tiền công 600 nghìn đồng/ngày. Tất nhiên, để nhận được hơn 3 triệu đồng tiền công chị  Hà sẽ không được ăn Tết với gia đình mà phải ở nhà người lạ làm việc.

Cùng xóm trọ với chị Hà còn còn chị Lợi hiện đang là công nhân một nhà máy sản xuất đồ nhựa đã nghỉ sản xuất từ nửa tháng nay. Chị Lợi mang theo con nhỏ mà chưa tính đến chuyện về quê bởi khoản tiền tích cóp được trong năm quá ít. Qua môi giới chị Lợi quyết định nhận trông nom một cụ già bị bệnh phải nằm viện trong suốt dịp Tết này. Như vậy, cả Tết này hai mẹ con chị sẽ đón Tết trong viện với bệnh nhân.

“Buồn, nhớ nhà và thương con lắm nhưng tôi phải cố gắng vượt qua bởi không phải lúc nào cũng kiếm được công việc với khoản thù lao 500 nghìn đồng/ngày như thế. Sau Tết, có một khoản tiền đem về nhà còn tốt hơn về sớm mà không có tiền tiêu. Hơn nữa, tôi còn đang lo không biết nhà máy có việc làm sau Tết hay không, nên phải ở lại nghe ngóng, tìm kế sinh nhai” - chị Hà tính toán.

 

 Thanh Trầm

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm