1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Lao động đi xuất khẩu: Khó tìm việc khi trở về

Kết quả khảo sát chỉ ra rằng lao động xuất khẩu trở về khó tìm việc trong khu vực chính thức (công ty, doanh nghiệp) do thiếu thông tin, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp.

Dù có đến 90% người lao động đều khẳng định sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về, thu nhập và mức sống của gia đình họ được nâng lên, nhưng việc tái hòa nhập thị trường lao động trong nước đối với họ đều khó khăn do thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ của địa phương, doanh nghiệp.

Đó là một số kết quả của cuộc khảo sát, đánh giá thực trạng lao động đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam, do Trung tâm nghiên cứu dân số lao động, việc làm (Viện Khoa học Lao động và xã hội) công bố. Cũng theo kết quả khảo sát, 100% người lao động phải vay mượn để chi trả cho việc xuất khẩu lao động (XKLĐ).
 
Lao động đi xuất khẩu: Khó tìm việc khi trở về - 1
Sau khi đi XKLĐ trở về, nhiều người vẫn phải quay lại nghề nông với thu nhập thấp. Ảnh: T.Kiên
 
100% phải đi vay mượn 

Bà Trịnh Thu Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu dân số lao động,  việc làm (Viện Khoa học Lao động và xã hội), Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, cuộc khảo sát được tiến hành với gần 500 người thuộc 4 tỉnh có nhiều lao động đi làm việc tại nước ngoài, gồm: Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Bình. Đối tượng được khảo sát đều là những lao động đã từng đi làm việc tại 4 quốc gia, vùng lãnh thổ: Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), trong thời gian 2004 - 2008. Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết người lao động trước khi đi XKLĐ lần đầu tiên đều chưa qua đào tạo (chiếm 83,4%), 1/3 số người mới tốt nghiệp THPT, và có đến 16,6% mới tốt nghiệp tiểu học.

Cũng theo kết quả khảo sát, có đến 100% người lao động phải đi vay mượn để chi trả các khoản liên quan đến chuẩn bị đi XKLĐ, trong đó 2/3 số người phải đi vay hoàn toàn. Đặc biệt, một bộ phận người lao động (chiếm 7,17%) phải vay tư nhân với lãi suất cao.

Ít nhận được hỗ trợ khi trở về 

Thống kê cho thấy, thu nhập từ việc đi XKLĐ cao hơn nhiều so với thu nhập của họ khi còn ở Việt Nam (trung bình tăng từ 5 - 6,2 lần). Cụ thể, thu nhập trung bình tại Nhật Bản khoảng 15,3 triệu đồng/tháng; Hàn Quốc: 11,57 triệu đồng; Đài Loan (Trung Quốc): 6,79 triệu đồng, Malaysia 3,44 triệu đồng. Năm 2009, XKLĐ đem lại nguồn thu cho tỉnh Bắc Giang khoảng 1.135 tỷ đồng; Thái Bình: 800 tỷ đồng; Vĩnh  Phúc 110 tỷ đồng; Phú Thọ 600 tỷ đồng. Riêng huyện Lạng Giang (Bắc Giang), số tiền từ XKLĐ gửi về hằng năm là 120 tỷ/năm, cao gấp 3 lần ngân sách của cả huyện (ngân sách 47 tỷ đồng/năm)… Về phía người lao động (gần 90%), sau khi về nước, mức sống của gia đình họ được nâng cao. 

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng lao động xuất khẩu trở về khó tìm việc trong khu vực chính thức (công ty, doanh nghiệp) do thiếu thông tin, trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp. Nhiều ý kiến cũng cho thấy sự hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp XKLĐ đối với lao động trở về còn hạn chế, chỉ có 13,5% người lao động nhận được sự hỗ trợ của địa phương và 16,3% nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến tình trạng rất ít lao động sau khi đi làm việc về nước dùng tiền đó để đầu tư sản xuất kinh doanh (chiếm 17%), trong khi phần lớn số tiền dành dụm trong quá trình đi XKLĐ được dành cho việc xây nhà, mua sắm đồ đạc… Rất nhiều lao động sau khi về nước (81,56%) làm công việc giản đơn, trong lĩnh vực nông nghiệp với thu nhập thấp…

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa, sau 30 năm thực hiện chủ trương đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, tới nay Việt Nam đã có hơn 400.000 lao động đang làm việc ở trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm, các lao động đã gửi về nước 1,8 tỷ USD.

Theo Mạnh Đồng
baodatviet.vn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm