PhotoStory

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng

Thực hiện: Nguyễn Hải

(Dân trí) - Dưới cái lạnh thấu xương, người nông dân ở huyện Mê Linh, Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng làm đất, cấy lúa, chăm hoa, thu hoạch rau.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 1

Là vựa rau, hoa của TP Hà Nội, quanh năm người nông dân tại huyện Mê Linh tất bật ngoài cánh đồng để sản xuất, phục vụ nhu cầu thị trường.

Mặc dù thời tiết Hà Nội những ngày này lạnh cắt da, cắt thịt nhưng trên cánh đồng đất của các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Mê Linh... (huyện Mê Linh), nhiều nông dân vẫn tất bật làm đất, xuống giống lứa rau mới và thu hoạch ruộng rau đến vụ.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 2

Tại làng hoa Mê Linh nằm dọc trên quốc lộ 23B, trải dài trên 2 xã Mê Linh và Đại Thịnh (huyện Mê Linh) trồng rất nhiều loại hoa như hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ,... trở thành nơi cung cấp hoa cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 3

Dọc con đường dẫn xuống cánh đồng của thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) chỉ thấy bạt ngàn ruộng hoa hồng với những luống hoa thẳng tắp.

Mặc dù thời tiết những ngày này lạnh buốt nhưng nhiều người dân trồng hoa ở xã Mê Linh cho biết, không khí lạnh tràn về sẽ rất có lợi cho cây hoa hồng, nếu lạnh như hiện tại hoa sẽ thắm, nụ to và sẽ nở đúng dịp 8/3.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 4

Bà Mai Hoa (47 tuổi, trú xã Tiền Phong, huyện Mê Linh) cho biết, vụ Đông năm nay, gia đình bà gieo trồng 5 sào rau, chủ yếu cải ngồng, củ cải, cải chíp,... Để có rau thu hoạch quanh năm, gia đình bà Hoa trồng rau theo phương pháp gối lứa, mỗi lứa cách nhau 10-15 ngày.

Bà Hoa chia sẻ, đối với cải ngồng, cải chíp,... thời gian từ khi gieo hạt đến thu hoạch khoảng 30-35 ngày còn củ cải 40-50 ngày tùy thời tiết. Gia đình bà Hoa đang thu hoạch hơn 1 sào cải ngồng, giá bán tại ruộng là 4.000 đồng/kg.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 5

Theo bà Hoa, nhiều năm qua, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nên sản phẩm rau, củ, quả của Mê Linh có chỗ đứng trên thị trường, đầu ra ổn định, mang lại thu nhập tốt cho bà con. 

Sáng 27/2, nhiệt độ tại Hà Nội dao động 12-15 độ C, trời lạnh thấu xương nhưng bà Hoa và những người trong thôn vẫn ra đồng thu hoạch cải ngồng. 

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 6
Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 7

Để hoa, rau được đẹp, không sâu bệnh, người dân phải thường xuyên phun thuốc bảo vệ thực vật. Những ngày này, đi trên các cánh đồng rau, hoa của xã Tiền Phong, Tráng Việt, Mê Linh,... (huyện Mê Linh) không khó để bắt gặp cảnh người dân phun thuốc trừ sâu.

Ông Ngô Văn Thắng (62 tuổi, trú xã Tiền Phong) khẳng định, để đảm bảo an toàn, mấy năm gần đây người dân chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học. Theo ông Thắng, thuốc trừ sâu sinh học không gây ảnh hưởng đến môi trường, sản phẩm thu hoạch đảm bảo được tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 8

Người dân tại xã Mê Linh (huyện Mê Linh) thu hoạch hoa hồng dưới thời tiết lạnh buốt sáng 28/2. Thời điểm này, trên cánh đồng hoa của xã Mê Linh, hàng chục người dân đang tất bật chăm sóc cho hoa hồng để chuẩn bị bán vào dịp 8/3. 

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 9

Để rau phát triển tốt, ổn định ngoài phun thuốc, bón phân, vợ chồng ông Ngô Văn Giang (52 tuổi, trú thôn Đoài, xã Nam Hồng, huyện Đông Anh) phải thường xuyên tưới nước cho rau. 

Ông Giang chia sẻ, trời rét rau phát triển chậm nên 3-4 ngày mới phải tưới nước.

Lạnh thấu xương, nông dân ở Hà Nội vẫn miệt mài xuống đồng - 10

Dưới cái lạnh thấu xương, ngay từ sáng sớm 28/2, ông Nguyễn Văn Toan (51 tuổi, trú xã Tiền Phong) đã tất bật chia mạ để cấy kịp thời vụ.

"Gia đình tôi chủ yếu trồng hoa còn cấy thêm 4 sào ruộng là để lấy thóc, gạo ăn. Do mải thu hoạch hoa nên mấy nay mới san ruộng để cấy được, nhiệt độ mấy hôm nay xuống thấp, ra đồng làm ruộng lạnh cóng, tay tôi run lẩy bẩy, nhưng nghề nông mà" ông Toan cười nói.