1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

"Lãnh đạo VNPT không bao che tiêu cực!"

Ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của VNPT, khẳng định như vậy trong buổi trò chuyện với chúng tôi về trách nhiệm của lãnh đạo Tập đoàn VNPT trong vụ án Nguyễn Lâm Thái.

Sau khi khởi tố giám đốc bưu điện 2 tỉnh Đồng Nai và Thừa Thiên - Huế, tiến hành triệu tập 14 cán bộ chủ chốt của bưu điện 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, CQĐT Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh các đơn vị bưu điện đã ký nhiều hợp đồng mua vật tư thiết bị với các công ty của Nguyễn Lâm Thái với doanh số cao.

 

Vụ án Nguyễn Lâm Thái đã bị phanh phui từ giữa năm 2005, vậy trong gần một năm qua, lãnh đạo VNPT đã có biện pháp gì để thanh tra, rà soát việc mua sắm thiết bị, sổ sách tại các bưu điện tỉnh thành không? Dư luận cho rằng lãnh đạo ngành bao che cho cấp dưới, CQĐT phanh phui vụ việc đến đâu thì tập đoàn mới xử lý đến đó?

 

Với tư cách là người phát ngôn của VNPT, tôi khẳng định lãnh đạo VNPT không hề bao che cho cấp dưới, càng không bao giờ bao che cho tiêu cực. Ngay từ giữa năm 2005, khi Bưu điện Thái Nguyên và một số nơi khác bị phát hiện có tiêu cực liên quan đến Nguyễn Lâm Thái, VNPT yêu cầu các bưu điện tỉnh và các đơn vị thành viên xem xét nếu có liên quan phải báo cáo gửi về tổng công ty.

 

Sau đó đã có 29 đơn vị báo cáo, nhận có liên quan đến các hợp đồng mua bán thiết bị với công ty của Nguyễn Lâm Thái và một số công ty thành viên của CIP. Sau đó, thanh tra của VNPT cũng vào cuộc và thanh tra một loạt các bưu điện tỉnh. Báo cáo của thanh tra VNPT cũng đã chỉ ra một số sai phạm của những nơi được thanh tra.

 

Qua kết quả thanh, kiểm tra, lãnh đạo VNPT đã báo cáo tổng hợp gửi cơ quan chức năng và nêu rất rõ về các hợp đồng mua bán của từng bưu điện. Đồng thời, VNPT đã có nhiều văn bản chỉ đạo và phê bình nhắc nhở lãnh đạo các đơn vị có sai phạm, yêu cầu phải hợp tác tích cực với cơ quan điều tra.

 

Các camera mà bưu điện các tỉnh thành mua với giá “cắt cổ” là tiền từ chính các bưu điện đó hay lấy tiền từ Tập đoàn VNPT? Có cơ quan kiểm định nào giám định chất lượng các camera này hay không?

 

Tài liệu điều tra ban đầu xác định, từ tháng 1/1999 đến tháng 4/2005, trùm lừa đảo Nguyễn Lâm Thái và đồng bọn đã trực tiếp đến 35 bưu điện tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước và 3 đơn vị trực thuộc VNPT để quan hệ giao dịch.

 

Tổng giá trị các hợp đồng mua sắm, đầu tư các loại vật tư thiết bị mà các bưu điện đã mua sắm của Thái và đồng bọn trong thời gian trên là hơn 60,6 tỉ đồng. Trong đó, riêng mặt hàng camera trị giá hơn 39,6 tỉ đồng...

 

Hầu hết kinh phí mua thiết bị nêu trên là từ nguồn vốn phân cấp giao cho các bưu điện tỉnh, thành. Việc mua camera có giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng một chiếc thuộc nguồn vốn được phân cấp của các bưu điện tỉnh, VNPT không can thiệp trực tiếp mà chỉ hỗ trợ đối với các hạng mục đầu tư lớn.

 

Theo tôi biết thì không có cơ quan nào kiểm định chất lượng các camera này. Loại camera này chưa có tiền lệ. Tôi được biết chỉ có cơ quan thẩm định giá của Bộ Tài chính là xác nhận về giá của mặt hàng này thôi.

 

Với những sai phạm xảy ra ở hàng loạt đơn vị thành viên của VNPT, lãnh đạo Tập đoàn có tự kiểm điểm trách nhiệm?

 

Trước những sai phạm nghiêm trọng tại VNPT, năm 2005, lúc đó ông Vũ Văn Luân là Chủ tịch HĐQT với trách nhiệm là người cao nhất đã nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về nghỉ hưu trước thời hạn.

 

Trong bản tự kiểm điểm tập thể và cá nhân lãnh đạo VNPT gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ: Việc để xảy ra hai vụ nêu trên (vụ in danh bạ và vụ Lâm Thái - PV), tập thể lãnh đạo đã thấy rõ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh. Tập thể lãnh đạo Tổng công ty xin nhận hình thức xử lý: Phê bình nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ.

 

Ông Phạm Long Trận cũng đã có bản kiểm điểm sâu sắc và tự nhận hình thức phê bình nghiêm khắc trước Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản phê bình nghiêm khắc ông Phạm Long Trận vì đã để xảy ra những sai phạm liên quan đến vụ án Nguyễn Lâm Thái.

 

Trong quá trình điều tra vụ án, có thông tin cho rằng ông Phạm Long Trận đã gặp gỡ lãnh đạo CQĐT để xin “nhẹ tay” với các cán bộ dưới quyền?

 

Tôi khẳng định là không có chuyện đó. Ông Phạm Long Trận đã làm việc và hợp tác tốt với cơ quan điều tra để làm rõ và luôn nghiêm khắc xử lý các trường hợp sai phạm. Theo tôi biết, ông Phạm Long Trận chỉ đề nghị cơ quan điều tra cần thận trọng trong việc xử lý cùng lúc nhiều lãnh đạo bưu điện, vì hoàn cảnh tách bưu chính, viễn thông và chuyển đổi hiện nay.

 

Nếu việc xử lý không thận trọng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của hàng vạn cán bộ công nhân viên ngành bưu điện, ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ, sản xuất kinh doanh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao.

 

Còn với những trường hợp CQĐT đã có đủ chứng cứ thì việc bắt giữ, khởi tố là chuyện không ai có thể bao che được. Qua vụ việc này, chúng tôi còn phải cảm ơn CQĐT vì đã giúp VNPT làm trong sạch đội ngũ. Ông Trận cũng đề nghị cơ quan điều tra khi có lệnh bắt giữ các trường hợp sai phạm, cần thông báo kịp thời với chúng tôi để VNPT phối hợp đồng bộ và có phương án bố trí cán bộ thay thế, để duy trì hoạt động phục vụ, điều hành sản xuất kinh doanh được bình thường.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xác minh các đơn vị bưu điện (BĐ) đã ký nhiều hợp đồng mua vật tư thiết bị với các công ty của Nguyễn Lâm Thái với doanh số cao như: BĐ An Giang ký 30 hợp đồng trị giá 13,2 tỉ đồng; BĐ Long An: 6 hợp đồng - 1,2 tỉ đồng; BĐ Thái Nguyên: 9 hợp đồng - 2,1 tỉ đồng; BĐ Ninh Thuận: 19 hợp đồng - 5,9 tỉ đồng; BĐ Bình Định: 12 hợp đồng - 4,2 tỉ đồng; BĐ Phú Yên: 13 hợp đồng - 3,5 tỉ đồng; và 3 đơn vị thuộc VNPT: Công ty GPC: 5 hợp đồng - 1,9 tỉ đồng, Công ty VDC: 5 hợp đồng - 1,3 tỉ đồng, Công ty VMS: 1 hợp đồng - gần 200 triệu đồng.

 

Sau những vụ việc xảy ra tại hàng loạt bưu điện tỉnh thành, lãnh đạo VNPT đã xử lý các trường hợp sau (tính đến 29/3/2006):

 

- Miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Bưu điện tỉnh Nghệ An đối với ông Nguyễn Xuân Lý

 

- Tạm đình chỉ chức vụ Kế toán trưởng Bưu điện Nghệ An đối với ông Lê Bá Tường

 

- Tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Xuân Phan, Phó giám đốc Bưu điện Nghệ An

 

- Miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Bưu điện tỉnh Hà Tây đối với ông Tăng Hữu Tá

 

- Tạm đình chỉ chức vụ Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Thái Nguyên đối với ông Nguyễn Văn Vinh

 

Bưu điện tỉnh Nghệ An đã xử lý:

 

- Miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với ông Lê Bá Tường

 

- Miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng KHĐT - XDCB đối với ông Hồ Đình Chiến

 

Bưu điện tỉnh Long An đã xử lý:

 

- Miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng Tiếp thị bán hàng đối với bà Phạm Thị Trúc Mai

 

- Miễn nhiệm chức vụ Trưởng phòng Kinh tế - tài chính đối với ông Phạm Khắc Não.

 

Theo Nguyễn Bình - Thanh Phong

Thanh Niên