1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo tỉnh An Giang lên tiếng vụ cát tặc phát nát Bảy Núi

(Dân trí) - “Khi đọc tin cát tặc phá nát Bảy Núi, tôi vô cùng bất ngờ và bức xúc vì sự việc được một số báo phản ánh không đúng về tính chất và mức độ sự việc” - ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An giang - nói.

Xung quanh thông tin cát tặc phá nát Bảy Núi khiến dư luận xôn xao, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang.

Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cùng cán bộ xã Lương Phi dẫn nhiều báo đài đến khảo sát địa điểm được cho là cát tặc khai thác rầm rộ thời gian qua
Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cùng cán bộ xã Lương Phi dẫn nhiều báo đài đến khảo sát địa điểm được cho là cát tặc khai thác rầm rộ thời gian qua

- Vừa qua có nhiều thông tin cho rằng cát tặc phá nát Bảy Núi, quan điểm của lãnh đạo tỉnh An Giang về việc này như thế nào?

- Cá nhân tôi và nhiều lãnh đạo tỉnh An Giang khi thấy nhiều báo đài phản ánh cát tặc rầm rộ khai thác cát núi trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, đã rất bất ngờ và bức xúc với tính chất, mức độ nghiêm trọng cũng như các hành vi sai phạm của các đối tượng như báo nêu.

Vì tổng diện tích trên tất cả các điểm khai thác trái phép trên địa bàn 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn chưa đến 2 ha, chỉ chiếm chưa đầy 0,1% diện tích tự nhiên vùng Bảy Núi (trên 30.000 ha) nên không thể nói cát tặc phá nát Bảy Núi.

Hơn nữa, tại vùng Bảy Núi có gần 100.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Khi thông tin không chuẩn xác về việc khai thác cát núi như vậy sẽ ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần đoàn kết người dân.

- Qua công tác kiểm tra thực tế thì ông thấy sự việc này như thế nào?

- Từ chuyến công tác thực tế và căn cứ vào báo cáo của UBND huyện Tịnh Biên, Tri Tôn tôi nhận thấy tính chất, mức độ sự việc không như nhiều báo nêu.

Cụ thể, vị trí lấy đất mặt (cát núi) phát sinh trong những ngày qua mà nhiều báo phản ánh đều là những khu vực thuộc diện tích cải tạo của người dân và đã từng được cơ quan chức năng phát hiện và bị xử lý trước đây.

Riêng điểm tại khu vực thị trấn Ba Chúc là khu đất được huyện đưa vào quy hoạch làm bãi chứa rác thải sinh hoạt, không phải là nơi khai thác đất núi như báo đã phản ánh. Nhìn chung, các khu vực thực hiện cải tạo lớp đất mặt đã được chấn chỉnh và ngưng hoạt động nhiều năm. Tuy nhiên, một số đối tượng vẫn thực hiện lén lút rải rác tại một vài khu vực nhưng với diện tích không lớn như thông tin báo đã đăng tải.

Ngoài ra, theo báo cáo của UBND huyện Tịnh Biên và huyện Tri Tôn xe vận chuyển cát mà báo nêu "hàng loạt xe ben công khai chở cát từ các mỏ khai thác trái phép đem bán cho một số công trình xây dựng trên địa bàn" cho thấy có sự nhầm lẫn của phóng viên.

Vì qua xác minh của địa phương, các phương tiện vừa nêu có 2 xe chuyên chở đá để làm đường và 1 xe là phương tiện vận chuyển cây tầm vông của người dân.

Trên địa bàn huyện Tịnh Biên đang thực hiện các công trình thủy lợi vùng cao, các đơn vị quân đội đang thi công các công trình quân sự và Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến đá An Giang chuyên chở đá cho các công trình xây dựng cơ bản tại địa phương nên phát sinh nhiều phương tiện vận chuyển trên các tuyến đường trong thời gian qua.

Các hố sâu được cho là cát tặc tạo nên trên địa bàn huyện Tri Tôn cỏ mọc như thế này
Các hố sâu được cho là cát tặc tạo nên trên địa bàn huyện Tri Tôn cỏ mọc như thế này

- Dư luận đang cho rằng, ngành chức năng tỉnh An Giang buông lỏng quản lý khai thác đất mặt (cát núi) thời gian qua?

- Việc cải tạo đất gò cao, đất triền núi được UBND cấp huyện triển khai khá tốt. Tuy nhiên, hàng năm có lúc, có nơi trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên vẫn còn xảy ra việc lấy đất mặt không phép để bán cho người dân có nhu cầu san lấp mặt bằng xây dựng nhà ở. Ngoài ra, còn có tình trạng người dân tộc tự lấy đất mặt để giúp các chùa xây dựng các hạng mục công trình chùa xem như góp công, góp của với nhà chùa.

Mỗi địa điểm lấy trung bình trên diện tích vài chục m2, lấy sâu khoảng 0.4-1.0m, lấy thủ công là chính, một số vụ lấy bằng xe cuốc, nhiều năm tạo thành các khoảnh đất rộng khoảng 2.000-3.000 m2.

Tuy nhiên, nói ngành chức năng tỉnh An Giang buông lỏng quản lý là chưa đúng, vì thực tế từ năm 2009, việc cải tạo đất gò cao, đất triền núi phải được UBND huyện thẩm tra vị trí, yếu tố tác động môi trường và cho phép cụ thể về độ rộng và độ sâu khu vực cải tạo.

Thời gian qua khi siết lại công tác khai thác cát sông, UBND tỉnh đã thấy được nguy cơ một số đối tượng tranh thủ sự khan hiếm cát sông sẽ manh động lén lút khai thác cát núi nên chúng tôi đã chỉ đạo hai huyện Tịnh Biên, Tri Tôn tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn đối với khai thác đất mặt trái phép.

Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã bắt, xử lý 16 trường hợp thuộc địa bàn 02 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; kết quả tịch thu 01 xe cuốc và xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 244 triệu đồng.

Còn tính từ năm 2009 đến nay các ngành chức năng và chính quyền địa phương đã phát hiện và xử lý trên 56 trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo thị trấn Ba Chúc dẫn PV thực tế tại hố cát được UBND huyện qui hoạch làm bãi rác tạm của thị trấn
Lãnh đạo thị trấn Ba Chúc dẫn PV thực tế tại hố cát được UBND huyện qui hoạch làm bãi rác tạm của thị trấn

- Để giải quyết dứt điểm tình trạng người dân cũng như cát tặc lén lút khai thác đất gò cao (cát núi) UBND tỉnh An Giang có những giải pháp nào thưa ông?

- Mặc dù các vụ việc xảy ra gần đây là khá nhỏ, lẻ nhưng cho thấy địa phương cấp huyện, cấp xã có nơi còn thiếu quyết liệt, buông lỏng quản lý, ngại khó khăn trong tuần tra xử lý, ngành công an chưa đẩy mạnh trinh sát, tiếp cận đối tượng để xử lý.

Tới đây, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo dùng mọi biện pháp, dẹp ngay tình trạng này. Xử lý các vụ việc vi phạm ở mức cao nhất và có thể xem xét đến việc thu hồi đất; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND huyện chung quanh vụ việc để tình trạng lấy đất mặt trái phép và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của cán bộ liên quan.

Ngoài ra, chỉ đạo 02 huyện lập danh sách các hộ dân có nhu cầu khai thác đất mặt, triền núi để cơ quan chức năng thẩm định, tác động môi trường… Trên cơ sở đó, lập qui hoạch cụ thể cho người dân khai thác chiều sâu, rộng là bao nhiêu.

Đồng thời tìm nguồn cát sông đáp ứng nhu cầu người dân Bảy Núi phục vụ san lấp, xây dựng. Thời gian tới, UBND tỉnh An Giang sẽ kiến nghị với Chính phủ tăng cường mức xử phạt về hành vi khai thác cát lậu, như tịch thu phương tiện, xem xét thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hành (thực hiện)