1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội lo ngại trường tư thục "áp đảo" công lập

Hà Mỹ

(Dân trí) - "Ngành giáo dục đào tạo như một con chim, một cánh là khối trường tư, một cánh là trường công. Nếu hai cánh này đập loạn nhịp thì ngành giáo dục sẽ bay rất chậm", lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội nói.

Chiều 17/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư; cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn thành phố. 

Tại đây, một số đại biểu nêu thực trạng nhiều trường công lập quá tải, sĩ số học sinh trên lớp tăng cao và gây áp lực cho công tác tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt ở các quận Hoàng Mai, Đống Đa. Đại biểu đề nghị lãnh đạo sở, ngành và các quận cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này. 

Trả lời, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, quận này là địa phương đông dân nhất Hà Nội với khoảng 700.000 người, trong đó hơn 100.000 bé trong độ tuổi đi học. Mỗi năm trung bình địa phương này tăng cơ học khoảng 4.000 học sinh.

"Những năm qua, công tác tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn, bất cập. Có năm phải thực hiện bốc thăm cho học sinh mầm non. Sau nhiều giải pháp, hiện không còn tình trạng này", ông Tâm nói. 

Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội lo ngại trường tư thục áp đảo công lập - 1

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm giải trình về việc địa phương thiếu trường học trong nhiều năm qua (Ảnh: Thanh Hải).

Dẫn lại một trong số giải pháp đã thực hiện, ông Tâm cho biết, quận đã điều tra số trẻ vào đầu năm học để phân luồng, phân tuyến tuyển sinh, công khai tuyển sinh của từng trường. Việc tuyển sinh được đảm bảo đúng quy định, không có trường hợp trái tuyến, 100% đăng ký tuyển sinh trực tuyến.

Dù vậy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai thừa nhận tình trạng địa phương thiếu đến 43 trường học, dù những năm qua đã được xây dựng mới 23 trường, cải tạo sửa chữa 25 trường để tăng số lượng lớp học. 

Về giải pháp, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, phải có đủ điều kiện về đất và vốn. Trong đó, quận đã rà soát các ô đất quy hoạch, thu hồi các dự án chậm triển khai và bố trí trên 50% vốn đầu tư xây dựng cơ bản để xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đề xuất thành phố quan tâm để hỗ trợ việc triển khai đầu tư xây dựng trường học. Khi thành phố phê duyệt quy hoạch các khu đô thị cần quy định tỷ lệ trường công lập ở các khu đô thị.

Bên cạnh đó, thành phố tích hợp và điều chỉnh quy hoạch Luật Thủ đô lần này sắp xếp để tăng mật độ mạng lưới trường học phù hợp với tốc độ gia tăng dân số hiện nay.

Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội lo ngại trường tư thục áp đảo công lập - 2

Trước đó vào năm 2022, nhiều phụ huynh ở quận Hoàng Mai phải bốc thăm giành suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt (Ảnh: T.H).

Ở góc độ người đứng đầu ngành giáo dục thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thế Cương cho biết Hà Nội có đến 2,3 triệu học sinh, đông nhất cả nước và gấp đôi dân số nhiều tỉnh, thành phố. 

Ông Cương dẫn số liệu mỗi năm Hà Nội tăng trung bình 40.000-50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập 30-40 trường học/năm để đáp ứng nhu cầu. 

Dù vậy, ông dẫn chứng tại một số quận huyện như Hoàng Mai phải có 18-20 trường THPT mới đủ cho dân số, nhưng nơi đây chỉ có 4 trường tư thục, 4 trường công lập, vẫn thiếu hơn một nửa. 

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thành phố đang thực hiện giải pháp kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, các dự án xây dựng trường học nhưng vẫn còn quây tôn. Điển hình là vừa qua, Hà Nội đã thu hồi 6 ô đất của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại quận Hoàng Mai để lấy đất xây trường. 

Lãnh đạo Sở Giáo dục Hà Nội lo ngại trường tư thục áp đảo công lập - 3

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương giải trình tại phiên chất vất của Thường trực HĐND TP Hà Nội, chiều 17/10 (Ảnh: Thanh Hải).

Thời gian tới, lãnh đạo ngành giáo dục Hà Nội kiến nghị, đề xuất các cơ quan, xí nghiệp, trường cao đẳng, đại học di dời ra khỏi nội đô sẽ dành lại quỹ đất để xây dựng trường học.

Ngoài ra, lấy ví dụ quận Nam Từ Liêm có số lượng trường tư thục nhiều hơn công lập, ông Cương cho rằng địa phương cần cân đối hài hòa giữa trường tư thục và công lập. 

"Chúng tôi ví ngành giáo dục đào tạo như một con chim, một cánh là khối các trường tư, một cánh là khối các trường công. Nếu hai cánh này đập loạn nhịp thì con chim đưa ngành giáo dục sẽ bay rất chậm", ông Cương nói và đề xuất thành phố cho phép các quận huyện quy hoạch quỹ đất trống phù hợp để xây dựng trường học nếu cần thiết. 

Theo báo cáo của UBND Hà Nội, đến nay trên địa bàn thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận. Trong đó địa phương thiếu nhiều trường học nhất là quận Hoàn Kiếm với 11 trường, gồm 2 trường mầm non, 7 trường Tiểu học, 2 trường THCS.