1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lãnh đạo sẽ phải bỏ tiền túi ra “đền” oan sai

(Dân trí) - “Trong những vụ oan sai, tôi thấy hiện nay Nhà nước chịu trách nhiệm là chủ yếu. Sắp tới, cần phải chuyển hoá dần thành trách nhiệm của cá nhân trong việc này. Chỉ có như thế người ta mới có thể thấy ngại, thấy sợ khi làm oan sai..".

Đây là ý kiến của Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền trong cuộc trao đổi với báo giới bên lề cuộc "Đối thoại về phòng, chống tham nhũng năm 2008" giữa các nhà tài trợ và đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) diễn ra tại Hà Nội ngày 3/6.

Đưa kết luận thanh tra ra khỏi “mật”

Chính phủ nói báo chí là một kênh thông tin quan trọng chống tham nhũng nhưng pháp luật cũng quy định là tất cả các vụ việc khi công khai, có kết luận thì báo chí mới được đăng tải. Liệu điều này có mâu thuẫn nhau không, thưa ông?

Theo tôi, quyền của báo chí là đăng tải thông tin nhưng vấn đề quan trọng là thông tin đó phải chính xác.

Ví dụ như đối với kết luận của thanh tra, báo chí có được tiếp cận và đăng tải công khai sớm hay không, thưa ông?

Kết luận của thanh tra đều được công khai hết nhưng có một điều là giữa báo cáo kết luận và thông tin công khai thì thanh tra phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Việc đưa ra thông tin phải đúng thời điểm để không gây phức tạp trong xã hội, tức là vẫn bảo đảm bản chất sự việc, thông tin trung thực nhưng ngôn từ, lời lẽ phải rõ ràng chứ nếu đưa ra mà họ có thể suy đoán, mập mờ thì sẽ phức tạp.

Đúng thời điểm nghĩa là công bố kết luận đồng thời với thời điểm mà đơn vị được thanh tra phải sửa lỗi theo kết luận, nếu sớm hơn, sẽ dễ gây bức xúc. Dư luận cũng có thể hoài nghi là mình nói nhiều quá mà không có kết quả.

Hiện các kết luận thanh tra vẫn được đóng dấu tài liệu mật nhưng theo Luật Phòng chống tham nhũng, các kết luận thanh tra đều phải được công bố?

Đây chính là điểm vênh giữa 2 luật: Luật Thanh tra và Luật Phòng chống tham nhũng, tới đây, chúng tôi sẽ có sửa đổi theo hướng đưa kết luận thanh tra ra khỏi danh sách các tài liệu mật.

Nhiều người cho rằng việc phòng chống tham nhũng tại Việt Nam chủ yếu “để mắt” tới lĩnh vực công mà “bỏ qua” tư?

Hiện nay chúng ta đang tập trung vào lĩnh vực công vì xưa nay chỉ những người có quyền có chức mới có hành vi tham nhũng. Nhưng thực tế cũng cho thấy, tham nhũng đã có mặt ở lĩnh vực tư và giữa tư với công cũng quyện lại với nhau…

Sắp tới trong chiến lược phòng chống tham nhũng đệ trình chính phủ, chúng tôi cũng kiến nghị sẽ hướng tới khu vực tư vì đây là điều kiện làm nảy sinh đến tham nhũng.

Oan sai thì phải lấy tiền túi ra đền!

Trong chiến lược phòng chống tham nhũng mà Thanh tra Chính phủ đang soạn thảo, điểm quan trọng nhất trong đó, theo ông là gì?

Cái cơ bản vẫn là thể chế. Trong lĩnh vự phòng chống tham nhũng, với tư cách là giúp cho Chính phủ soạn thảo, chúng tôi hết sức chú ý tới vấn đề này bởi thể chế phải làm sao đảm bảo được yêu cầu: công khai, minh bạch, dân chủ, rõ ràng thì mới có thể ngăn ngừa được tham nhũng.

Còn việc chống cụ thể thì mang tính tức thời, không cơ bản bởi nếu chỉ “chống” không thôi thì đến bao giờ mới hết. Điều quan trọng hơn cả là phải làm triệt tiêu những điều kiện để nảy sinh ra tham nhũng.

Ông vừa khẳng định rằng Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ủng hộ kết luận của cơ quan điều tra nhưng nếu cơ quan điều tra có yếu kém, sơ sót trong quá trình điều tra?

Luật pháp Việt Nam quy định rồi, họ làm theo pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu như họ truy tố, khởi tố những người không có tội thì chính họ có tội và luật pháp quy định những điều rất cụ thể về tội này.

Thưa ông, điều này có nghĩa rằng cá nhân sẽ phải bỏ tiền ra?

Theo tôi nên là như thế, bởi nếu cá nhân anh làm oan sai thì cá nhân anh phải chịu đền bù việc này…

Vậy theo ông, Thanh tra Chính phủ có cần thêm quyền trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay?

Hiện nay, Thanh tra chính phủ chỉ có quyền thanh tra, kết luận, kiến nghị chứ chưa có quyền xử lý. Tôi thấy việc quyền xử lý cũng không cần thiết nhưng có một yêu cầu rằng khi chúng tôi đã có kiến nghị thì phải xử lý thật nghiêm.

Nếu như vậy, Thanh tra vừa có uy và có kết quả trong thực tế, nếu không kien quyết thì đồng nghĩa với việc dung túng cho sai phạm.

Hiện nay luật pháp đã có quy định cụ thể nhưng nơi này nơi khác xử lý chưa nghiêm. Sắp tới chúng tôi đang sửa đổi một số điểm của luật thanh tra trong đó có quy định ràng buộc việc xử lý kết luận của Thanh tra.

Diễn ra hôm qua 3/6 tại Hà Nội, "Đối thoại về phòng, chống tham nhũng năm 2008" là diễn đàn giữa các nhà tài trợ và đại diện các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong khuôn khổ hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG). Vị đại sứ Hà Lan nêu câu hỏi: “Việt Nam đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trong chiến lược phòng, chống tham nhũng?”, ông Trần Văn Truyền trả lời: “Vai trò của báo chí trong việc phòng, chống tham nhũng là rất quan trọng. Trong chiến lược phòng chống tham nhũng mà Chính phủ đang soạn thảo cũng có một phần rất quan trọng về vai trò của xã hội, trong đó có báo chí đối với việc phòng chống tham nhũng.

Một cựu nhà báo người nước ngoài, hiện là chuyên gia tư vấn chính sách tiếp tục với lời đề nghị ông Truyền có lời khuyên nào cho báo chí khi viết bài chống tham nhũng, ông Truyền khẳng định: “Chính phủ Việt Nam coi chống tham nhũng là quốc sách và Việt Nam sẽ chống tham nhũng đến cùng. Với báo chí, tôi không có lời khuyên gì, chỉ có thể nói các bạn rằng nên tuân thủ nghiêm theo pháp luật. Nhà báo nên đưa tin đảm bảo có độ chính xác cao và chịu trách nhiệm về thông tin đó. Chúng tôi vẫn khẳng định báo chí là kênh thông tin quan trọng”.

Phúc Hưng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm