1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Quảng Trị:

“Làng ung thư” mỏi mòn chờ nước sạch

(Dân trí) - Hai năm trở lại đây, số người mắc và chết vì bệnh ung thư tại thôn Lâm Xuân tăng một cách bất thường. Hiện toàn thôn đã có trên 53 người mắc phải căn bệnh quái ác này và chắc hẳn con số ấy vẫn chưa dừng lại.

Bệnh ung thư đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Có lẽ, cũng chính vì số lượng người chết vì ung thư ngày càng nhiều mà ngôi làng nhỏ này được mọi người nhắc đến với một cái tên đầy sự lo lắng: “làng ung thư”.

Nỗi ám ảnh ở "làng ung thư".

 

Những cái chết không được báo trước!

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thân Hữu Toàn, Trưởng thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai nhắc đến những trường hợp người dân đã chết vì căn bệnh ung thư tại địa phương với tâm trạng đầy băn khoăn. Dù bệnh đã xuất hiện nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân phát sinh căn bệnh quái ác này.

Ông Toàn nói trong lo lắng: Trước đây, số người mắc bệnh này rất ít nhưng 3 năm gần đây, người chết vì ung thư đã tăng một cách đột biến. Trong số 53 người mắc bệnh, giờ chỉ còn sống vài người.

 

Theo nhận định của người dân, bệnh ung thư có thể nảy sinh do nguồn nước bà con đang sử dụng hàng ngày
Theo nhận định của người dân, bệnh ung thư có thể nảy sinh do nguồn nước bà con đang sử dụng hàng ngày

Rồi ông liệt kê khá chi tiết những trường hợp người dân đã chết vì căn bệnh này mà không rõ nguyên nhân. Trong đó, số lượng người trong độ tuổi từ 50 trở lên chiếm số lượng lớn. Ông Toàn kể: Cách đây hơn 3 tháng, anh Trần Văn Nồng (32 tuổi) bị chết vì ung thư gan, để lại vợ và 5 đứa con trong độ tuổi đi học. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Nồng lại là lao động chính nhưng khi anh mất, cuộc sống của mấy mẹ con càng lâm vào cảnh túng thiếu.

Anh Trần Văn Phương, bác sĩ tại Bệnh viện huyện Gio Linh cũng chết vì ung thư. Đáng thương nhất là trường hợp của em Võ Thị Thủy (sinh viên trường ĐH Đà Nẵng) mắc bệnh ung thư và giã từ cuộc sống khi mới 20 tuổi. Thủy đang là sinh viên năm thứ 2, chuyên ngành Kế toán. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa cho em nhưng do bệnh đã tiến triển quá nặng, lại phát hiện muộn nên khó cầm cự.

Cách đây vài hôm, người dân thôn Lâm Xuân lại đưa tiễn ông Tạ Văn Hảo (63 tuổi) về với đất lạnh. Anh Tạ Văn Hiển (con trai ông Hảo) chua xót: "Gia đình mới biết được bệnh tật của cha tôi cách đây hai tháng. Khi thấy ông có những biểu hiện suy kiệt về sức khỏe, người thân đưa ông đi khám mới biết ông bị bệnh ung thư giai đoạn cuối".

 

Bệnh ung thư khiến người dân trong vùng vô cùng sợ hãi
Bệnh ung thư khiến người dân trong vùng vô cùng sợ hãi

Còn rất nhiều trường hợp bị bệnh ung thư và chỉ chống chọi được một thời gian ngắn rồi mất. Theo ông Toàn những người mắc bệnh ung thư tại thôn này có nhiều dạng như ung thư tủy, phổi, gan, u não, dạ dày…

“Thôn Lâm Xuân có khoảng 345 hộ dân với 1.743 nhân khẩu, được phân chia thành 5 khu vực. Tuy nhiên, ở khu vực nào cũng có người mắc và chết vì ung thư. Cá biệt như tại đội 4 có gần chục người mắc bệnh, đội 2 cũng có khoảng 6 người. Phần lớn người dân tại thôn Lâm Xuân khi phát hiện mình bị bệnh ung thư thì đã quá nặng và chỉ điều trị khoảng 1-2 tháng rồi mất” – ông Toàn nói.

 

Bà Khoai chăm sóc chồng bị bệnh ung thư giai đoạn cuối
Bà Khoai chăm sóc chồng bị bệnh ung thư giai đoạn cuối

Theo chân ông Toàn, chúng tôi tiếp tục đến thăm ông Nguyễn Chín Mượn (76 tuổi), cũng bị mắc bệnh ung thư đã 6 tháng nay và đang thoi thóp vì bệnh đã di căn sang não. Bà Nguyễn Thị Khoai (vợ ông Mượn) cho biết, sau khi thấy sức khỏe của ông Mượn yếu dần, gia đình đã đưa ông vào bệnh viện Trung ương Huế điều trị. Tuy nhiên, khi vào viện, các bác sĩ cho biết bệnh đã quá nặng, di căn sang não và không thể chữa trị được nữa. Gia đình đành đưa ông Mượn về nhà chăm sóc.

Người dân mong mỏi nguồn nước sạch

Theo nhận định của người dân địa phương, một trong những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh quái ác này có thể xuất phát từ nguồn nước sinh hoạt đang bị nhiễm phèn quá nặng. Mặt khác, khu vực này cũng từng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thời chiến tranh…Tuy nhiên, đây chỉ là những suy đoán, còn thực tế chưa có một kết quả khoa học nào để chứng minh.

 

Bể lọc nước của người dân bị kết tủa một lớp phèn dày đặc
Bể lọc nước của người dân bị kết tủa một lớp phèn dày đặc

Theo khảo sát, phần lớn người dân Lâm Xuân đều sử dụng nguồn nước từ giếng khơi, giếng khoan để dùng trong sinh hoạt. Do nước bị nhiễm phèn nên nhiều năm qua, người dân cũng đã xây dựng hệ thống bể lọc nước nhưng không cải thiện được bao nhiêu.

Trưởng thôn Thân Hữu Toàn cho hay, người dân đã nhiều lần kiến nghị xin nước máy nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Chính quyền xã Gio Mai cũng đã kêu cứu lên huyện về thực trạng này. Tuy nhiên, trong khi chờ các cơ quan chuyên môn tìm ra nguyên nhân, căn bệnh ung thư đã và đang cướp đi sinh mạng của nhiều người, gây nên nỗi sợ hãi cho bà con.

 

Dù nguồn nước bị nhiễm phèn nhưng bất đắc dĩ người dân phải dùng để sinh hoạt
Dù nguồn nước bị nhiễm phèn nhưng bất đắc dĩ người dân phải dùng để sinh hoạt

Ông Trương Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, khi nắm bắt thông tin, huyện đã cử cán bộ Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Y tế về địa phương xác minh. Ngay sau đó, UBND huyện đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị kịp thời chỉ đạo các ban ngành tổ chức lấy mẫu, phân tích chất lượng nước sinh hoạt tại thôn Lâm Xuân để thông báo cho nhân dân trong vùng biết, an tâm và ổn định đời sống; đồng thời kiến nghị cấp trên sớm đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân.

Đăng Đức