Làng u xơ ở Sóc Sơn
Thôn Lương Đình (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) vẻn vẹn 270 hộ dân thì hơn một nửa số phụ nữ mắc các bệnh u vú, u tử cung. Đàn ông thì mắc ung thư vòm họng, sỏi thận, sỏi mật... Người dân nơi đây khẳng định, họ nhiễm bệnh là do phải chịu cảnh ô nhiễm môi trường từ bãi rác Nam Sơn.
Cả làng bị u xơ
Những lần lên bàn mổ hai khối u ở ngực và u tử cung vẫn là nỗi ám ảnh của chị Dương Thị Ngân. Chị kể, khi cảm thấy nhức nhối ở phần ngực, tôi đi khám ngay ở bệnh viện huyện và phát hiện bị u. Đến viện K khám lại thì mới thở phào vì biết là u lành, song vẫn phải mổ để cắt khối u trong ngực. "Sau khi mổ, tôi ngất xỉu vì cảm thấy đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Đau như cái lần phải mổ u tử cung". Mặc cảm và buồn cho hoàn cảnh của mình song chị Ngân vẫn cho là mình may mắn vì nếu gặp u ác thì đã phải bỏ mạng.
Mới 22 tuổi, Nguyễn Thị Huyền cũng phải lên bàn mổ vì dính khối u. Không biết từ khi nào, ổ bụng của Huyền có bọng nước đang lớn dần khiến cơ thể đau nhức. Khi đi khám em được chẩn đoán là bị u mạc treo, phải phẫu thuật. Khi mổ thì bọng nước đã nặng tới 3 kg.
Sau gần 1 năm lên bàn mổ, sức khoẻ của Huyền vẫn chưa trở lại bình thường, dễ mệt mỏi, đau nhức cơ thể. “Em không làm việc nặng giúp gia đình. Đi xin việc cũng rất khó vì nhiều chỗ nhìn vào hồ sơ và giấy khám sức khoẻ thấy em mang bệnh, không nhận vào làm việc. Sau này không biết có con được hay không vì buồng trứng bị ảnh hưởng", Huyền bày tỏ.
Bệnh u hiểm nghèo cũng đã gây tử vong cho chị Dương Thị Hường, 40 tuổi. Chị phát hiện bị u vú từ tháng 4/2004 song không chạy chữa được, nên đã tử vong sau đó 1 năm. Sau cái chết của chị Hường, người dân thôn Lương Đình hoang mang tột độ. Họ đổ xô đi khám và phát hiện tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng cao.
Theo chị Dương Thị Chiến, Hội trưởng phụ nữ thôn Lương Đình, cứ chị em nào nghi ngờ mắc u, khi đi khám đều phát hiện bị bệnh. Đã có hơn 50 chị em đi mổ vì mắc u vú, nhiều người phải cắt bỏ cả ngực. Một số người bị u xơ tử cung rồi lại mắc u vú như chị Ngân, chị Hồi... "Mọi người rất lo lắng vì tỷ lệ mắc bệnh quá cao. Một khóm tre có 7 nóc nhà thì tới 6 chị mang mắc u vú và đã đi mổ", chị Chiến nói.
Hội phụ nữ xã cũng đã tổ chức khám bệnh dịch vụ cho chị em. Trong 223 người đến khám mới đây đã phát hiện 30% bị u xơ vú, 70% viêm đường sinh dục, 8% bị sỏi thận, sỏi mật. Chị Đỗ Thị Liên, cán bộ dân số gia đình và trẻ em xã Bắc Sơn, cho rằng thực tế số mắc bệnh còn cao hơn, song họ không đi khám và có nhiều người chỉ khám một phần cơ thể vì họ không có tiền khám tổng thể.
Không chỉ phụ nữ, cánh đàn ông cũng mắc nhiều bệnh như u vòm họng, hạch, sỏi mật, sỏi thận. Ông Ngô Xuân Phương, 60 tuổi đã phải mổ vòm họng do ung thư, kể lại: "Tôi phải "nuốt" vào họng mình 36 triệu đồng trong 3 năm mới có thể nói chuyện bình thường. Nhà nghèo, cả gia đình phải chạy đôn chạy đáo lo tiền để chạy chữa, đến nay vẫn chưa trả hết nợ".
Hàng xóm ông Phương là ông Nhượng cũng đã mắc u vòm họng. Gia đình này không có tiền đưa đi mổ nên đang phải chữa trị bằng thuốc nam.
Ô nhiễm từ không khí tới nước ngầm
Theo ông Phương, nguyên nhân căn bệnh u vòm họng của ông là do hàng ngày hít phải luồng không khí bị ô nhiễm đưa từ bãi rác Nam Sơn về. Nhất là những tháng 2-3 khi có gió đông nam thì người trong nhà luôn phải dùng khẩu trang. Bãi rác cũng ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm trong khu vực. Tuy vậy, nhiều gia đình vẫn sử dụng nước giếng khơi vì chưa có điều kiện khoan giếng ngầm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đường làng la liệt những đống rác thải, nước ao hồ đen kịt do ô nhiễm. Ở Lương Đình, rác là nguồn sống của nhiều hộ sau cây lúa. Cả thôn có 40 hộ chuyên nhặt rác từ bãi Nam Sơn về tái chế để bán lại. Họ sử dụng nước ao hồ để giặt, đường làng để phơi. Ngoài ra, trong thôn còn 2 hộ thu mua rác (nilon, bóng, vỏ chai nhưa...) lớn, để làm nhựa. Những lò này hoạt động toả ra luồng khí độc hại bao vây cả thôn.
Theo ý kiến nhiều người dân, thuốc súng từ một trường bắn gần đó cũng gây ô nhiễm không khí, đưa về mùi rất khó chịu.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nguyên nhân gây bệnh theo phán đoán của người dân thôn Lương Đình bởi đến nay vẫn chưa có cuộc khảo sát và đánh giá nguyên nhân cụ thể tại khu vực này. Ông Nguyễn Hữu Hoa, Chủ tịch xã Bắc Sơn, tỏ vẻ lúng túng khi cho hay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh cho bà con nên chính quyền xã chưa có biện pháp giải quyết.
"Chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội về khảo sát, đánh giá và chữa bệnh cho bà con. Bởi phần lớn người dân nơi đây không có điều kiện chữa trị những căn bệnh hiểm nghèo", chị cán bộ dân số gia đình và trẻ em xã Đỗ Thị Liên nói.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress