1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hưng Yên:

“Làng tỷ phú” trước nguy cơ tái nghèo

(Dân trí) - Thoát nghèo rồi giàu lên (nhiều gia đình đã trở thành triệu phú) nhờ nghề trồng cây cảnh, giờ đây hàng ngàn hộ dân thuộc 3 xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan (huyện Văn Giang) đang đứng trước nguy cơ tái nghèo khi đất nông nghiệp đã bị thu hồi toàn bộ.

“Ký ức” về “làng tỷ phú” cây cảnh
 
Mấy năm trước, đi men theo con đường đê ngoằn ngoèo, bụi bặm, về tới Phụng Công, người ta không thể không bất ngờ khi chứng kiến hàng loạt nhà cao tầng kiên cố mọc lên san sát giữa bạt ngàn màu xanh của cây cảnh.
 
Nghề trồng cây cảnh ở Phụng Công đã có từ lâu lắm rồi, nhưng mới đầu chỉ lác đác vài hộ trồng, mà cũng chỉ là cái nghề để sống, chứ không phải để làm giàu. Khoảng những năm 1995 - 1997, phong trào trồng cây cảnh bắt đầu nở rộ, Phụng Công gần như 100% số hộ chuyển sang trồng cây cảnh.
 
Hộ nào trồng những cây mức trung bình, mỗi năm cũng có thu hàng trăm triệu, còn nếu chịu khó bỏ thời gian, công sức trồng cây thế thì có thể thu về cả bạc tỷ.
 
Đã hơn hai chục năm nay, từ khi nghề trồng cây cảnh thâm nhập vào vùng đất này, cuộc sống của người dân xã Phụng Công trở nên sung túc hơn nhiều. Nếu như trước kia, Phụng Công có tiếng là nghèo thì bây giờ, những ngôi nhà cao tầng đua nhau mọc lên khiến không gian như chật chội hơn.
 
“Làng tỷ phú” trước nguy cơ tái nghèo - 1
Người dân xã Phụng Công chuyển cây cảnh trên mảnh đất bị thu hồi về vườn nhà.
 
Cả xã Phụng Công có hơn 500 mẫu đất, chủ yếu trồng cây cảnh, hầu như gia đình nào ngoài phần đất được chia cũng thuê thêm đất để trồng cây cảnh.
 
Như nhiều nghề khác, cây cảnh ở Phụng Công cũng có năm bảy loại. Nhà ít kỹ thuật thì trồng các cây hoa thời vụ “đầu tư ít mà thu hồi vốn nhanh” như trà, sung...; người có kỹ thuật thì chơi cây thế, cây lâu năm.
 
Cây cảnh ở đây được khách hàng từ khắp nơi đổ về “ăn hàng” như Bắc Ninh, Quảng Ninh cho tới Nghệ An... “Hầu như chúng tôi không phải mất công quảng cáo, người tứ xứ nghe danh rồi đổ về đây mua cây” - anh Phạm Hoành Sơn, một ông chủ vườn trẻ tuổi cho biết.
 
Anh Sơn mới “chập chững” bước vào nghề này được mấy năm nhưng cuộc sống gia đình đã khá lên rất nhiều. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, lại không thuê thêm được đất nhưng chừng ấy thôi cũng đủ để anh làm giàu. Tính sơ sơ, trừ chi phí đi, mỗi năm anh cũng thu về cả trăm triệu. Năm nào “thất bát” cũng phải năm bảy chục triệu.
 
Anh Sơn cho biết, trước kia, gia đình anh làm chẳng đủ ăn. Việc nhà nông nhàn nhã, chẳng kiếm được là bao. Anh chị lại phải lo cho 2 đứa con ăn học, cuộc sống ngày càng khó khăn.
 
Tuy nhiên nhờ vào cây cảnh mà rất nhiều gia đình như anh đã thoát được cái nghèo, nhiều hộ còn trở thành tỷ phú. Đường làng ngõ xóm bây giờ cũng được sửa chữa rộng rãi, sạch sẽ hơn. Nhà cao tầng cứ thi nhau mọc lên, hoà giữa bạt ngàn xanh ngát của cây cảnh.
 
“Xanh mặt” trước nỗi lo… tái nghèo
 
Thoát nghèo, giàu lên nhờ cây cảnh, nhưng nay người dân Phụng Công đang ngày đêm phập phồng nỗi lo cơm áo khi mà toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đã bị thu hồi để làm dự án.
 
Năm 2004, người dân Phụng Công nghe tin Dự án Khu đô thị Thương mại và Du lịch Văn Giang đã được UBND tỉnh Hưng Yên phê duyệt, sẽ mọc lên giữa bãi đất màu mỡ của xã Phụng Công và hai xã liền kề là Xuân Quan và Cửu Cao. Thế là từ ấy làng cây cảnh Phụng Công đứng trước nỗi lo bị xóa sổ.
 
Anh Sơn lo lắng: “Nếu theo quy hoạch của dự án, người ta sẽ lấy 100% diện tích đất ở cánh đồng của xã. Hai xã kia cũng bị lấy gần hết. Không biết rồi người dân Phụng Công sẽ sinh sống bằng nghề gì, chứ chưa nói đến chuyện làm giàu”.
 
“Làng tỷ phú” trước nguy cơ tái nghèo - 2
Người dân ngày đêm lo lắng cho tương lai của mình và gia đình.
 
Nhận một cục tiền về, người dân nơi đây vẫn nơm nớp lo lắng cho tương lai của các thế hệ sau này. Nhà anh Sơn có 2 sào đất, được đền bù tổng cộng 48 triệu đồng, không bằng thu nhập của một năm “thất bát”. Số tiền này anh được xã gọi lên lấy, chứ cũng không biết rõ phương án đền bù hay giá hỗ trợ đền bù là bao nhiêu.
 
Gia đình chị Nguyễn Thị Tĩnh (xóm Bến, xã Phụng Công) có 1.200 m2 đất ruộng trồng cây cảnh đã bị thu hồi hết. Chị cũng chẳng biết đơn giá “mô tê” ra sao, thấy Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện gọi lên UBND xã và đưa cho được hơn trăm triệu đồng, nghe họ nói tất tần tật các khoản nhà chị chỉ có thế.
 
Vậy là anh Đỗ Văn Sơn, chồng chị, ký “toẹt” vào văn bản rồi ôm cọc tiền về. Nhận tiền đền bù, chị mới chỉ kịp xây được… nửa căn nhà thì tiền đã cạn. Mấy đứa con chị đang tuổi ăn học chẳng biết sau này sẽ trông vào đâu.
 
Đưa chúng tôi đi quanh khu đất chật hẹp của nhà chị, nơi căn nhà đang xây dựng dở dang, gạch đá lổn nhổn, chị Tĩnh không giấu nổi sự lo lắng: “Không biết bao giờ người ta sẽ lấy đất. Bao của cải, vốn liếng đều đầu tư vào đó cả. Không thấy người ta nói đến vấn đề hỗ trợ việc làm cho chúng tôi gì cả. Chúng tôi lên xã, huyện hỏi thì chẳng thấy họ trả lời gì”.
 
Bao năm nay cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gắn bó với nghề trồng cây cảnh, với cánh đồng này. Kế hoạch triển khai hỗ trợ việc làm của chủ dự án là Công ty Việt Hưng ở mãi trên Hà Nội không làm họ yên tâm. Nỗi lo tái nghèo, nỗi lo xoá sổ làng cây cảnh đang khiến những người tỷ phú nông dân nơi đây ngày đêm lo lắng.
 
Được biết, vì không đồng tình với phương án đền bù và không được thông báo về phương án hỗ trợ việc làm sau thu hồi đất, rất nhiều hộ dân trong 3 xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan đến nay vẫn chưa nhận tiền đền bù và vẫn đang có khiếu kiện kéo dài.
 
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi sự việc được làm sáng tỏ.
 
Tiến Nguyên