1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Lãng phí đất phải được coi là quốc nạn

(Dân trí) - Tham nhũng là quốc nạn, vậy lãng phí có được coi là quốc nạn? Đại biểu Trần Văn Kiệt trăn trở trước thực trạng đáng báo động trong sử dụng đất hiện nay. Vẫn là những yếu kém đã thành bệnh mãn tính, không biết đến khi nào "bài thuốc" Luật Đất đai sẽ phát huy hết công dụng để chữa khỏi căn bệnh này?

Hôm qua (12/6), Quốc hội đã dành trọn một ngày để nghe báo cáo và thảo luận về tình hình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai.

 

10 năm mới cho thuê được… 1 ha

 

Vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận với nhiều ý kiến khá gay gắt. Hầu hết các ý kiến đều không hài lòng về tình trạng yếu kém trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiện nay.

 

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay mới chỉ có 4 tỉnh hoàn thành lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Sự thiếu thống nhất giữa công tác quy hoạch, kế hoạch, sử dụng đất với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường cũng là điểm yếu mà nhiều đại biểu quan tâm.

 

“Chậm về tiến độ, thấp về chất lượng, sớm bị lạc hậu, tính khả thi không cao”, đại biểu Nguyễn Văn Xướng (Long An) thẳng thắn nhận định như vậy khi bàn về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nói về quy hoạch sử dụng đất trong công nghiệp, ông Xướng cho rằng, đất dành cho công nghiệp được quy hoạch một cách tràn lan, thoát ly nhu cầu thực tế và nguồn vốn đầu tư, không bám quy hoạch được phê duyệt, dẫn đến quy hoạch treo, tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp là rất thấp. Vì sao có tình hình này?, ông đặt câu hỏi và tự trả lời  “theo tôi, cái chính là do bệnh thành tích, chủ nghĩa thành tích ở một số địa phương, chỉ làm theo kiểu phong trào, chạy theo số lượng dàn trải”.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đồng tình với ý kiến này và nêu con số: “Có những khu chế xuất, khu công nghiệp được quy hoạch từ năm 1996 với 150 ha, sau 10 năm mới chỉ cho thuê được 1 ha. Hay là có những khu quy hoạch 200 ha nhưng sau 10 năm cũng chỉ cho thuê được 5 héc ta. Như vậy hết sức lãng phí”, ông khẳng định.

 

Đại biểu Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) thì kể một câu chuyện cụ thể về chính nơi ông đang sống: “Ở vùng Từ Liêm (Hà Nội) có rất nhiều dự án, nhưng rất nhiều chỗ thu hồi xong thì xây tường rào cho cao để… giữ cỏ hoang. Nhiều chỗ bỏ hoang hoặc cho thuê làm dịch vụ không đúng mục đích sử dụng”. “Cử tri nói rằng, tưởng Nhà nước thu hồi đất để làm việc gì cho lớn, chứ thu rồi mở quán bán bia hơi, cho thuê bán hàng, mở dịch vụ thì cứ để chúng tôi làm và chúng tôi nộp thuế cho Nhà nước, cớ gì phải thu hồi và giao cho ai ở đâu đến đây làm?”, ông kể một câu chuyện có thật.

 

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến yếu kém trong qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân, Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại cho rằng, hiện nay phương pháp xây dựng quy hoạch còn lạc hậu, chưa khoa học: “Phương pháp luận trong quy hoạch mà không làm rõ thì sẽ dẫn đến tùy tiện trong quy hoạch”, ông cảnh báo.

 

Hậu thu hồi đất: ai lo?

 

Vấn đề “hậu thu hồi đất” đền bù, giải toả cũng khiến nhiều đại biểu lo lắng. Sau đền bù đất đai, bộ mặt nông thôn ở ven đô đã thay đổi theo xu thế đô thị hoá. Tiền đền bù giải toả có được, một bộ phận nông dân sử dụng vào việc xây nhà cửa, mua sắm vật dụng ra gia đình. Đại biểu Nguyễn Kim Khanh nhìn nhận đây là sự “giàu giả, nghèo thật” vì ruộng đất không còn, trong lúc không có nghề nghiệp gì để kiếm sống.

 

“Ở xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, xưa nay là vùng nông nghiệp, nhưng hiện tại bình quân đầu người ở xã chỉ còn trên 100 mét vuông đất canh tác, nhiều nhà thu nhập không đủ 250.000 đồng/người/tháng (mức nghèo ở thành phố). Tiền làm ra là tiền nông thôn, còn tiền chi tiêu là tiền thành phố”, ông phân tích.

 

Đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) cũng cho rằng, chúng ta quy hoạch, thu hồi đất thì nhanh nhưng việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân thì không đến nơi đến chốn, chưa tính đến hậu quả sau giải phóng mặt bằng.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề xuất cần phải quy định rõ ràng việc xây dựng phương án giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân là một bộ phận cấu thành bắt buộc trong phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và quy định rõ trách nhiệm của những doanh nghiệp sử dụng đất nông nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, tham gia chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất.

 

Đức Hòa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm