Làng pháo Bình Đà bây giờ...
Cái tên "pháo Bình Đà" vốn đã chẳng xa lạ gì với người dân Việt Nam.
Thấm thoắt đã 18 năm kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 406/CT-TTg về cấm sản xuất, vận chuyển và đốt các loại pháo nổ, người dân Bình Đà đã vượt qua những hẫng hụt và đang có bước phát triển mới nhờ năng động chuyển nghề, phát triển kinh tế.
Bình Đà thay áo mới
Xưa đặt chân tới đất Bình Đà vào bất kỳ lúc nào cũng có thể cảm nhận được sự náo nhiệt của nghề làm pháo nổ. Trẻ con thì tiêm pháo, cuộn pháo, những người trung niên có nhiều kinh nghiệm hơn thì đổ thuốc... Người dân Bình Đà đều có việc làm và có cuộc sống khá giả.
Tuy nhiên, nghề làm pháo vẫn được ví như “cưỡi trên lưng hổ”. Dù đã có bao vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra, bao cái chết thương tâm từ nghề làm pháo nhưng người dân Bình Đà khi đó vẫn cho rằng rất khó từ bỏ cái nghề cha truyền con nối đã gắn bó hàng ngàn năm.
Những năm đầu khi cấm sản xuất pháo, việc chuyển từ nghề truyền thống sản xuất pháo nổ sang nghề mới với người dân Bình Đà là việc vô cùng khó khăn. Dù bị cấm, một số hộ dân vẫn còn “lưu luyến” với nghề cũ. Gần Tết, đâu đó vẫn còn tiếng pháo nổ. Tưởng rằng mất đi nghề truyền thống, người dân xã Bình Minh đặc biệt là làng Bình Đà sẽ mất đi “cây gậy” kiếm cơm và lâm vào cảnh nghèo túng. Thế nhưng, những năm gần đây, Bình Đà vắng xa tiếng pháo và vùng quê có truyền thống lâu đời này đã "thay máu".
“Lại pháo! Giờ còn ai sản xuất đâu mà vẫn còn người hỏi về pháo cơ chứ”- chị Hương, một người dân Bình Đà khẳng định.
Chúng tôi hỏi đường đến nhà “nghệ nhân” một thời nổi tiếng lẫy lững về nghề làm pháo, ông Nguyễn Văn Đức (ở thôn Chua, xã Bình Minh, Thanh Oai), với hơn 30 năm kinh nghiệm làm pháo dân gian, pháo hoa nghệ thuật. Chia tay nghề pháo đã gần hai chục năm, thế nhưng khi nhắc lại, người “nghệ nhân” già hơn 60 tuổi vẫn nhớ như in công thức, quy trình làm các loại pháo.
“Làng Bình Đà sau khi bỏ nghề pháo, người dân chú tâm vào sản xuất, nhiều gia đình đi buôn cây cảnh, cung cấp gà thịt cho nội thành... Cuộc sống của người dân đã khấm khá, xây nhà mái bằng, nhà 2-3 tầng, mỗi nhà có vài chiếc xe máy, không còn nguy hiểm, nơm nớp sợ người thân thương vong vì pháo nữa” - ông Đức tâm sự.
Bình Đà bây giờ không còn mùi thuốc pháo đặc quánh bám theo người từ sáng tới chiều, cả vào trong giấc ngủ, cũng không còn cảnh trẻ em thích ở nhà làm pháo kiếm tiền hơn đi học. Tình trạng ô nhiễm môi trường bởi các hóa chất độc hại không còn trầm trọng như xưa, sức khỏe con người nhờ đó được cải thiện đáng kể. Nhờ sự năng động, tìm tòi những hướng làm ăn kinh tế mới, cuộc sống người dân cũng khá dần lên.
Bình Đà ngày giáp Tết, cảnh làng mạc ngày càng khang trang, phố Bình Đà dọc quốc lộ 21B bán buôn tấp nập. Ông Nguyễn Văn Phúc (ở phố Mới, Bình Đà) tâm sự: “Người dân Bình Đà bỏ nghề pháo, mỗi người tìm một cách làm, nhưng đại đa số đều quay về với đồng ruộng, chăn nuôi. Người nhanh nhạy, có vốn thì kinh doanh, buôn bán”.
Đồng lòng đoạn tuyệt với pháo
Cái từ ‘Pháo” đối với mỗi người dân Bình Đà đã ăn sâu vào máu và thịt thế nhưng mỗi khi có ai đó nhắc đến nó đều tỏ ra dửng dưng.
Trong niềm vui phấn khởi về những gì vũng quê vốn là cái nôi về làm pháo thay áo mới, ông Đinh Quang Nghiêm - Trưởng thôn Bình Đà khẳng định: “Không còn pháo, kinh tế địa phương vẫn rất khá. Ngoài hàng chục mô hình kinh tế trang trại hoạt động hiệu quả, Bình Đà nói chung, xã Bình Minh nói riêng còn là "trung tâm" cung ứng thịt gia cầm cho nội thành Hà Nội với 40-50 tấn thịt gà, vịt/ngày, thu hút 200 hộ tham gia. Xã còn có hàng trăm người làm nghề xây dựng, hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ. Ở thôn Bình Đà người dân buôn bán sầm uất chẳng khác nào phố xá”.
Để có được những thành quả như ngày hôm nay, ông Nghiêm tiết lộ: Năm nào cũng vậy, những tháng giáp Tết, chính quyền xã lại tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nghiêm túc chấp hành Chỉ thị 406/TTg của Chính phủ qua hệ thống truyền thanh các xã và bằng băng rôn, áp phích.
Tại Bình Đà vốn có 90% các hộ dân trước đây làm nghề sản xuất pháo cổ truyền, Công an huyện Thanh Oai đã thành lập các tổ công tác phối hợp với lực lượng công an các xã, các ban, ngành, đoàn thể tới từng hộ dân, cơ quan, trường học đóng trên địa bàn để tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển pháo nổ.
Đối với những gia đình cố giữ nghề, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền, vận động và yêu cầu chủ hộ viết cam kết. Và trên thực tế, nếu như cách đây vài năm, vẫn còn một số hộ lén lút làm pháo, thì năm nay tất cả đều đã bỏ nghề. Người dân Bình Đà đoạn tuyệt hẳn với nghề pháo để xây dựng cuộc sống ấm no và bình yên hơn.
Sau gần 20 năm đoạn tuyệt với pháo nổ, trong niềm vui mới, ông Hải (67 tuổi, dân làng Bình Đà) tâm sự: “Tiếng pháo đã đi xa, tưởng chúng tôi sẽ chìm trong nghèo đó. Thế nhưng, bỏ pháo, trẻ con được cắp sách đến trường không còn cảnh nghỉ sớm để làm nghề. Năm vừa qua, riêng làng Bình Đà có hàng chục học sinh đỗ đại học, cao đẳng…”.
Theo Thiên Minh – Nguyễn Hoan
Petrotimes