Làng Pêtapoót ngày ấy - bây giờ
(Dân trí) - Cách đây khoảng chục năm về trước, giữa đại ngàn Trường Sơn, có một ngôi làng mang tên Pêtapoót, nhưng cái tên ấy chưa một lần có trong bản đồ hành chính, người ta vẫn gọi là “ngôi làng bị lãng quên”. Thế nhưng giờ đây khi trở lại với Pêtapoót, ngôi làng này đã có sự đổi thay nhanh chóng.
Thành quả này hôm nay chính là tình quân dân giữa những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Đắc Pring và Pêtapoót. Giờ đây thôn Pêtapoót, thuộc xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam.
Pêtapoót ngày ấy…
Đường lên Pétapoót
Nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn, một ngôi làng ẩn mình sâu trong cánh rừng già, được bao quanh bởi những con suối. Nếu chỉ nhìn từ xa thì chẳng bao giờ thấy được nóc nhà nào ở ngôi làng ấy. Người ta vẫn gọi nhau là "ngôi làng bị lãng quên", vì nếu không có sự phát hiện của những người lính biên phòng Đồn Biên phòng Đắc Pring thì ngôi làng này mãi mãi "sống mòn" như thời kỳ hoang dã…
Để đến được với làng Pêtapoót, từ trung tâm xã Đắc Pring, chúng tôi chỉ đi xe thêm một đoạn và sau đó, tất cả phải "lội" bộ đi ròng rã nữa ngày đường, tính ra phải gần 20km. Anh Coor Trung, một người lính đồn biên phòng, cho biết:"Mỗi lần đi qua, nếu nước lớn thì phải làm bè cho người và xe máy qua suối, còn nếu nước lội tới đùi quần thì phải "cõng" xe máy".
Băng rừng, vượt suối, cuối cùng chúng tôi cũng đến được Pêtapoót, trước mắt chúng tôi là 9 nóc nhà gỗ, cứ cách vài mét lại có một nóc nhà, những người đàn bà ngồi ngóng cửa ra, những đứa trẻ con tụ tập lại với nhau, nói chuyện.
Kể lại ngôi làng ngày ấy, anh Coor Trung nói:"Khi chúng tôi mới tiếp cận ngôi làng hồi năm 1995, người dân còn sống trong những túp lều tạm bợ, ruồi vàng, bọ chó nhiều vô kể. Người làng sống bằng bản năng, chỉ có săn bắn, hái lượm và thậm chí họ chỉ hơn người rừng một cái là biết nấu ăn, dựng lều ở". Điểm đặc biệt của ngôi làng 9 hộ, 39 khẩu này đều là người Giẻ Triêng từ tỉnh Kon Tum qua sinh sống trên đất huyện Nam Giang, nhưng chính bản thân họ cũng không biết đất bên kia bên giới là của địa giới hành chính nào. Họ gọi bằng cái tên Pêtapoót từ thời họ đến, thậm chí qua chiến tranh, họ vẫn ở ngôi làng đó, bản thân họ cũng không biết đã ở vùng biên này bao nhiêu thế hệ.
Bà Y Kiêng, gốc Kon Tum qua đây sinh sống, chồng bà mất, để lại đứa con Y Khiến, bà cũng là người được các anh lính quân hàm xanh dạy từng con chữ, dạy cách làm nhà, bà nói: "Hồi mới gặp các anh chiến sĩ đồn biên phòng, mình thấy họ sao khác mình quá, họ nói thứ tiếng khác, ăn mặc khác, còn chúng tôi thì chưa bao giờ thấy người nào như vậy. Tôi thậm chí còn không dám nói chuyện. Chúng tôi sinh sống ở đây đã bao đời này, nếu không có các chiến sĩ chúng tôi vẫn còn suy nghĩ, thế giới này chỉ còn lại ngôi làng này".
Ngôi làng này được các anh đặt cho cái tên "làng 5 không", không điện, không đường, không trường, không trạm và không có tên trong bản đồ hành chính. Ở ngôi làng này, ngày trước, người ta vẫn có những hủ tục, như bà Y Ngói (60 tuổi), có đứa cháu Un Lộc (8 tuổi). Hai năm trước, cháu Lộc bị đau nặng, bà Y Ngói đã mời thầy cúng về, mổ heo, khấn vái để xin cho cháu hết bệnh. Bà Y Ngói nói: "Hồi đó, tôi có biết trạm xá gì đâu, chúng tôi làm theo tập tục, cứ đau là cúng, còn nếu chết thì do ma nó kéo đi thôi".
Không chỉ thế, việc cưới xin ở vùng này cũng lạc hậu, phía nhà trai muốn lấy nhà gái chỉ cần mổ heo, khua chiêng, dựng ché là lấy nhau được.
Cụm dân cư Pêtapoót bây giờ đã sạch đẹp hơn
… và cuộc "lột xác" ngoạn mục
"Người Giẻ Triêng đón tết bằng tập tục khá lạ, trước tết 3 ngày, các chàng trai sẽ được cử lên rừng đốt củi thành đống than lớn mang về. Trong khi đó, người ở nhà sẽ nấu xôi vuốt lên cây Giẻ khô đốt thành tro. Sau đó, hai loại tro này được hất lên cao, ai dính nhiều tro nhất sẽ là người may mắn nhất của năm."- anh Coor Trung. |
Thấu hiểu được những khó khăn của ngôi làng vùng biên, lại nằm trên lãnh giới huyện Nam Giang, các chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring ngay lập tức lên kế hoạch, xây dựng Pêtapoót trở thành "Mô hình điểm sáng văn hóa vùng biên Cụm dân cư Pêtapoót, từ đây cái tên Pêtapoót được biết và đánh dấu trong bản đồ quân sự mà Thượng tá Nguyễn Minh Chánh, Đồn trưởng, đã chỉ cho chúng tôi xem.
Thượng tá Nguyễn Minh Chánh cho biết: "Theo kế hoạch của mô hình này, Pêtapoót sẽ trở thành một điểm sáng văn hóa vùng biên, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch cụm dân cư, xây dựng các mô hình kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa".
Sau hơn 10 năm thực hiện, Pêtapoót đã có một cuộc "lột xác" ngoạn mục. Các chiến sĩ biên phòng cùng người dân nơi đây, bắt đầu công cuộc xây đường, dựng trường,…Đã có 5 căn nhà gỗ, 6 nhà vệ sinh tự hoại, cùng với đó là lắp đặt hệ thống điện thắp sáng chạy bằng tua bin, các chiến sĩ đồn biên phòng còn hỗ trợ mỗi hộ một ti vi. Bên cạnh đó, về công tác xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, Đồn Biên phòng đã hướng dẫn người dân dùng phân bón lúa, làm chuồng, trại, mở rộng chăn bò, dê.
Hiện tại, anh Un Thiêng có khoảng 6 con bò, còn nhà bà Y Kiêng cũng vừa mới bán được 2 con bò. Ở vùng núi này, các chiến sĩ còn hướng dẫn người dân dắt bò xuống tận xã Đắc Pring để bán lấy tiền mua đồ ăn mang lên làng Pêtapoót. Bà Y Kiêng cho biết: "Các chiến sĩ ấy cho bò, lại dạy cách nuôi chúng sao cho chóng lớn, mình bán lấy tiền, mua đồ ăn ngon, áo mặc cho con cái, cho nó ăn học". Bà Y Kiêng đang nuôi 4 đứa con, trong đó có Y Khiến, học lớp 10, trường Trung học Nguyễn Văn Trỗi, xã Cha Val, huyện Nam Giang.
Các chiến sĩ còn tổ chức khám chữa bệnh cho người dân, hớt tóc miễn phí cho những em nhỏ, xây dựng một lớp học xóa mù chữ cho 21 học viên vào buổi tối. Ngoài ra, người dân Pêtapoót còn được làm thẻ chứng minh nhân dân, ghi rõ, xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.
Anh Coor Trung cho biết: "Trở lại với Pêtapoót, nhiều người sẽ phải ngỡ ngàng vì sự lột xác này. Cụm dân cư được quy hoạch bài bản, sạch sẽ, gọn gàng. 9 hộ dân đã thoát khỏi cảnh sống tối tăm trong những túp lều tạm bợ để về với căn nhà mới do Bộ đội biên phòng xây, có điện, có đường, có trường, bản, có ti vi và mỗi tối lại vang lên tiếng giảng bài, học chữ. Nhiều học sinh đã theo học các trường nội trú, trong đó có cả học sinh thi đậu đại học".
Anh Coor Trung cho biết: "Trong những ngày tết, người dân ở Pêtapoót ít có điều kiện được đón tết, do cuộc sống quá nghèo. Nhiều trẻ em không biết, và không đòi hỏi bố mẹ quần áo mới như ở đồng bằng".
Nguyễn Trang