1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nam Định:

Làng nuôi “siêu xe” cho ông Công ông Táo thu bộn tiền ngày cuối năm

(Dân trí) - Những ngày cuối năm, làng nuôi cá cảnh xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, sôi động cảnh thương lái tấp nập đổ về thu mua “siêu xe” cá chép đỏ phục vụ ngày 23 tháng Chạp.

Nhiều năm nay, làng Kim, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, được biết đến là cái nôi của nhiều loài cá cảnh có giá trị và quý hiếm. Nhưng làng Kim cũng được biết đến là nơi sản xuất và cung ứng cá chép tiễn ông Công ông Táo lớn nhất vùng.

Làng nuôi “siêu xe” cho ông Công ông Táo thu bộn tiền ngày cuối năm - 1

Cá chép đỏ xã Mỹ Thắng được đưa đi khắp nơi tiêu thụ phục vụ ông Công, ông Táo

 

Cận ngày 23 tháng Chạp, hàng chục chủ ao nuôi cá chép đỏ vẫn tất bật chuẩn bị cả tấn cá chép đỏ để các chủ hàng mang đi khắp nơi cho kịp giờ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời.

Khoảng 10 năm trở lại đây, làng Kim, xã Mỹ Thắng, từ nuôi các loại cá cảnh, cá thịt, nhiều hộ dân nắm bắt được nhu cầu thị trường đã chuyển hướng sang nuôi cá chép đỏ. Đây là một loài cá tương đối dễ nuôi mà giá cả lại tương đối cao nên được các thương lái săn lùng ngay tại ao.

Làng nuôi “siêu xe” cho ông Công ông Táo thu bộn tiền ngày cuối năm - 2

Cận ngày 23 tháng Chạp, người dân xã Mỹ Thắng vẫn tất bật gom cá chép đỏ phục vụ ông Công, ông Táo

 

Mỗi năm làng cá chép đỏ Mỹ Thắng cung cấp cá cho các tỉnh, thành từ miền Bắc đến miền Trung hàng chục tấn cá chép để cúng Táo quân. Để có được những "siêu xe” phục vụ ngày 23 tháng Chạp, người dân bắt đầu gây giống và nuôi cá chép từ tháng 6 và trải qua nhiều công đoạn chăm nuôi với kỹ thuật riêng biệt.

Hiện nay, xã Mỹ Thắng có khoảng 50 hộ nuôi cá chép với diện tích hơn 100ha. Cá chép đỏ dùng cho Tết Táo quân với giá bán ổn định từ 70-80 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi vụ các hộ nuôi thu về hàng trăm triệu đồng, nhiều hộ trong xã đã vươn lên làm giàu từ nghề nuôi cá chép cảnh.

Các hộ dân nuôi cá chép đỏ ở Mỹ Thắng cho biết, cá chép bắt đầu được gom lại, từ ngày 19-22 tháng Chạp, thương lái sẽ đến tận nơi thu mua hoặc gọi điện thoại trước để cho gia đình phân loại cá, sau đó cho vào bao tải bơm ôxy vận chuyển đi các huyện trong tỉnh và nhiều tỉnh ngoài.

Làng nuôi “siêu xe” cho ông Công ông Táo thu bộn tiền ngày cuối năm - 3

Hiện nay, xã Mỹ Thắng có khoảng 50 hộ nuôi cá chép với diện tích hơn 100ha. 

 

Cá chép đỏ ở làng Kim, Mỹ Thắng thường được nuôi thả ở khu vực quây lưới, thuận tiện cho việc chăm sóc và đánh bắt cũng như khống chế độ lớn. Cách nuôi này khác với ao nuôi tại làng Thủy Trầm (Tuy Lộc, Cẩm Khê, Phú Thọ) – nơi được xem là “thủ phủ” của cá chép đỏ.

Ông Trần Quốc Việt, một người dân nuôi cá chép đỏ ở xã Mỹ Thắng cho biết, gia đình ông có 3 ao diện tích 1,5 mẫu tính ra là 5.000 m2 và thu được khoảng 2,5 tấn cá chép bán ra thị trường.

Còn theo ông Trần Văn Hiền, gia đình ông nuôi khoảng 5-7 tạ cá chép, năm nay cá chép được mùa, nên thu nhập của gia đình ông cũng khấm khá. Cá chép gia đình ông bán ra cho thương lái xuất đi khắp mọi thơi, thậm chí tận trong miền Nam.

Làng nuôi “siêu xe” cho ông Công ông Táo thu bộn tiền ngày cuối năm - 4

Cá chép đỏ ở làng Kim, Mỹ Thắng thường được nuôi thả ở khu vực quây lưới, thuận tiện cho việc chăm sóc và đánh bắt cũng như khống chế độ lớn

 

Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, cứ đến 23 tháng Chạp âm lịch, Táo quân - vị thần trông coi bếp núc cho mọi nhà lại cưỡi cá chép bay về trời để báo lại mọi việc xảy ra ở hạ giới trong năm qua. Cùng với việc chuẩn bị mâm cơm, bàn thờ ông Công, ông Táo cũng được các gia đình lau dọn sạch sẽ, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn, đủ đầy. Để tỏ lòng biết ơn với vị thần đã mang lại no ấm cho gia đình trong suốt một năm, các gia đình thường chọn mua cá chép để phóng sinh sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo.

Đức Văn