“Làng Nhô” cất cánh
(Dân trí) - Làng Lác Nhuế (xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng) vốn có tiếng nghèo nhất nhì vùng chiêm trũng Hà Nam; vốn được nhiều người biết đến bởi sự kiện “làng Nhô” vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Hơn 15 năm sau, “làng Nhô” đã có một cuộc “lột xác” thực sự.
“Làng Nhô” xưa
Thường ngày, làng Lác Nhuế đã tấp nập xe cộ qua lại buôn bán. Vào dịp đầu năm, lượng xe cộ ra vào càng đông hơn, cấp tập hơn, sôi động như một trung tâm thương mại lớn.
Trên con đường bê tông phẳng mịn, ông Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa, trong vai một hướng dẫn viên - đưa chúng tôi từ thực tại trở về quá khứ, để lắng nghe những thăng trầm của ngôi làng này.
Xưa Lác Nhuế có tiếng là làng nghèo nhất nhì vùng này, nhưng cũng được mệnh danh là ngôi làng kiên cường nhất; giặc ngoại xâm đến rồi phải lui. Thành lũy Lác Nhuế chắc chắn là bởi thế đất của làng.
Nhưng sự kiện “làng Nhô” xảy ra vào đầu những năm 1990 đã để lại một vết xám trong lịch sử vùng đất này. Chuyện “kinh thiên động địa” đó đã được dựng thành phim “Chuyện làng Nhô”. Đó là sự kiện đòi đất của làng, do tên Trịnh Khải (trong phim “Chuyện làng Nhô”, nhân vật có tên là Trịnh Khả) cầm đầu.
Lúc ấy, thực hiện chế độ khoán mới trong nông nghiệp, huyện Kim Bảng cắt 75 mẫu ruộng của thôn Lác Nhuế cho các thôn và xã khác. Lợi dụng việc thôn bị cắt đất và do bản thân bất mãn với chế độ, Khải lập kế hoạch xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, y tập hợp và lợi dụng một số cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, mắc sai phạm trong quản lý kinh tế ở làng để tuyên truyền, kích động chính quyền, bằng cách đâm đơn kiện đòi đất lên các cấp chính quyền như UBND huyện Kim Bảng, UBND tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) và Tổng cục Quản lý ruộng đất. Song y chỉ nhận được thư trả lời rằng việc đòi ruộng đất là không có căn cứ, trái quy định của Luật Đất đai hiện hành.
Cho rằng đây là câu trả lời không thỏa đáng, Khải bèn tập hợp một số quần chúng quá khích kéo nhau lên Trung ương tiếp tục khiếu kiện. Sau đó, Trung ương có công văn số 447 chuyển đơn kiện về UBND tỉnh để UBND trả lời khẳng định một cách rõ ràng hơn việc đòi đất là sai.
Nhưng Khải xuyên tạc rằng: Trung ương đã đồng ý giải quyết việc đòi ruộng đất. Đồng thời Khải lập ra cái gọi là “Ban 447” (gồm những phần tử thoái hóa biến chất) và tự đề ra nhiệm vụ chống tham nhũng ở địa phương.
Khải sử dụng “Ban 447” để đi xiết nợ trong làng, tổ chức canh gác, cản trở lại việc đi lại của nhân dân và chống lại việc cán bộ đến làng thu thuế. Ngoài ra, Khải còn đề ra khẩu hiệu o ép dân làng “Ai không đi đòi ruộng đất, khi chết không cho chôn ở làng” và “Ai không góp tiền, gạo để “Ban 447” đi đòi ruộng đất, khi đòi được sẽ không được chia”.
Với những hành động phi pháp đó, Trịnh Khải đã bị bắt và phải trả giá trước pháp luật. Làng Lác Nhuế lại yên bình trở lại, nhưng cái tên “làng Nhô” đã để lại một tiếng xấu cho làng.
“Làng Nhô” cất cánh
Lác Nhuế hôm nay có tới trên 4.200 nhân khẩu, được chia làm 5 cụm dân cư. Có lẽ đây là một trong những làng có số dân đông nhất nhì tỉnh Hà Nam. Điều dễ nhận thấy và làm cho bất kỳ ai đến đây cũng phải khâm phục và ngưỡng mộ là hiện nay Lác Nhuế có rất nhiều tỷ phú ở tuổi 30.
Ông Phạm Văn Tâm, xóm trưởng xóm 5, đèo tôi bằng xe máy chạy vòng quanh ngôi làng một lượt. Cánh tay ông chỉ chỗ này là trang trại của tỷ phú Trịnh Văn Bản chuyên nuôi gà công nghiệp và lợn siêu thịt, chỗ kia là xưởng mộc của chị Phạm Thị Hoa chuyên sản xuất khung ảnh cung cấp khắp các tỉnh phía Bắc. Mỗi cơ sở, trang trại như vậy tạo từ 20-40 lao động có công ăn việc làm ổn định, thu nhập từ 1-2 triệu đồng/tháng.
Ông Tâm đỗ xe trước cửa ngôi nhà 5 tầng khang trang, nhìn bên ngoài thì không ai có thể biết đây lại là một xưởng may công nghiệp chuyên sản xuất túi thổ cẩm xuất khẩu đi nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Phúc, chủ cơ sở nay mới 35 tuổi, đang được coi là người có nhiều tiền nhiều bạc nhất nhì làng. Cách đây mươi năm, anh Phúc chỉ là một tay buôn bán “cò con”, thỉnh thoảng lên vùng Tây Bắc lấy vài triệu bạc tiền hàng về giao cho các đại lý dưới xuôi. Nhưng vì nhạy bén với thị trường, cùng sự khéo tay, anh Phúc mạnh dạn mở xưởng may công nghiệp chuyên về hàng thổ cẩm để bán lưu niệm.
Vậy là cứ năm hết tết đến, nhẩm lại anh bỏ két hàng trăm triệu tiền lãi. Đến nay, anh đã trở thành một ông chủ đích thực với 25 công nhân lao động trực tiếp tại gia đình và có hàng trăm lao động trong vùng chuyên nhận hàng của anh về thêu thùa tại nhà. “Một người biết tính toán, chịu thương chịu khó, có gan làm giầu như vậy mà không thành đạt thì còn ai thành công thay cho anh ta Phúc nữa” - ông Tâm vui vẻ bình luận.
Nói về Lác Nhuế, ông Nguyễn Ngọc Giao bao giờ cũng nở một nụ cười thật tươi. Ông Giao bộc bạch: “Tôi đi nhiều miền quê ở trong và ngoài tỉnh ngẫm và so sánh, thật khó nơi đâu có thu nhập bình quân lại cao như ở xã Đồng Hóa này. Mức thu nhập bình quân của gần 1 vạn dân trong xã là 6-7 triệu/năm. Nhưng riêng người dân Lác Nhuế thu nhập bình quân tới gần 10 triệu đồng/năm.
Những con số đó sẽ ngày càng cao hơn, nhưng chúng tôi đã cảm thấy tự hào và vui lắm rồi. Nói ra thì lại bảo là tính tôi hay khoe, nhưng ở Lác Nhuế bây giờ những tỷ phú ở độ tuổi 30 đếm không xuể. Họ làm ăn giỏi lắm, nhiều người đã có của ăn của để những họ vẫn không từ bỏ được thói quen ham kiếm tiền, tiết kiệm tiêu pha. Âu cũng là vùng đất này có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó”.
Quan sát trục đường chính dẫn vào ngôi làng, các cửa hàng, cửa hiệu bán quần áo, thực phẩm, vật dụng gia đình rất nhiều nhưng đặc biệt không thấy một cửa hàng ăn uống nào. Theo lý giải của ông Chủ tịch xã thì: “Không phải người Lác Nhuế không thích ăn uống, giải khát, hát hò tại quán xá, mà đơn giản chỉ vì họ không có thời gian. Họ dành từng phút, từng giờ để kiếm tiền làm giàu mà thôi. Chứ nếu người Lác Nhuế mà ra quán xá ăn uống thì phải có tới vài chục quán bán tiết canh lòng lợn, phở, bún… cũng phục vụ không xuể”.
5 giờ chiều ở Lác Nhuế, các gia đình đã bắt đầu nổi lửa thổi bữa cơm tối. Các tuyến đường làng ai nấy đi lại tấp nập, hối hả với nhịp độ rất khẩn trương, hình như ai cũng cố gắng hoàn thành thật tốt những phần việc của mình trước khi màn đêm buông xuống.
Người dân Lác Nhuế vừa đóng góp gần 1 tỷ đồng để xây dựng 5 ngôi nhà văn hóa ở 5 cụm dân cư. Đây sẽ là nơi để nhà nhà chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, những vui, buồn cho nhau; là nơi để các cháu thanh thiếu niên, các cụ cao tuổi sinh hoạt văn nghệ, thơ văn.
Cuộc sống đầm ấm, tình làng nghĩa xóm khăng khít như vậy càng tạo đà cho Lác Nhuế “cất cánh” cao hơn nữa trong mùa xuân này.
Vũ Văn Tiến