Đã thành thông lệ, hàng năm cứ gần đến ngày 23 tháng Chạp, người dân các làng Tân Cổ, Bái Trúc, Tân Hậu..., xã Quảng Tân (nay là thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) lại tất bật chuẩn bị thu hoạch "phương tiện" phục vụ cho ông Táo về trời.
Theo tín ngưỡng văn hóa của người Việt, ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Táo cưỡi cá chép về chầu trời, báo cáo công việc một năm qua dưới hạ giới. Vì vậy, cá Chép là một thứ không thể thiếu trong ngày Tết ông Công ông Táo của mỗi gia đình người Việt.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, các làng Tân Cổ, Tân Hậu, Bái Trúc..., xã Quảng Tân (nay là thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương) phát triển nghề nuôi cá chép phục vụ nhu cầu người dân.
Những ngày qua, làng nghề nuôi cá chép tại thị trấn Tân Phong tất bật chuẩn bị công tác xuất bán những mẻ cá ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân. Từ ngày 21/12 âm lịch, nhiều gia đình đã hút nước ao, đánh bắt cá chép để phục vụ cho nhân dân địa phương và thương lái mang đi nơi khác tiêu thụ. Ngày 22 tháng Chạp, cá sẽ được người dân đánh bắt nhiều hơn và nhộn nhịp nhất.
Sau khi cá được đánh bắt lên bờ, chủ ao sẽ tiến hành phân loại cá theo từng kích cỡ khác nhau rồi mới đưa vào từng bể để “ép” cá. Việc “ép” cá giúp con cá dẻo dai, khỏe mạnh, không bị chết trong quá trình vận chuyển.
Để có cá chép đỏ phục vụ cho Tết ông Công ông Táo, từ cuối tháng 7 âm lịch, người dân bắt đầu thả giống nuôi. Sau hơn 4 tháng nuôi khi thu hoạch cá có kích thước bằng 2-3 ngón tay. Theo người dân địa phương, năm nay chất lượng cá khá đều, màu đẹp và cá khỏe; giá cá bán ra trung bình 60.000 - 90.000/kg. Đến thời điểm này, nhiều gia đình đã bán được gần hết số lượng cá trong ao.
Thống kê cho thấy tại thị trấn Tân Phong hiện có hơn 400 hộ gia đình nuôi cá nhỏ lẻ với diện tích hơn 50 ha ao hồ, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá chép để phục vụ Tết ông Công ông Táo.
Cá chép tại đây rất được ưa chuộng không chỉ ở thị trường trong tỉnh mà còn cả ở cả các tỉnh ngoài như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... Từ xưa, làng Tân Cổ, thị trấn Tân Phong được xem là nơi nuôi cá chép phục vụ Tết ông Công ông Táo lớn nhất xứ Thanh. Cá chép nơi đây được nhiều người ưa chuộng vì có màu đỏ óng, không có đốm đen trên người và đều cá. Nhiều năm qua, nghề nuôi cá chép phục vụ nhu cầu trong dịp Tết ông Công ông Táo thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương. Duy Tuyên