1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Thanh Hóa:

Làng mật mía vào vụ Tết

(Dân trí) - Với người dân xứ Thanh, mật mía là thứ không thể thiếu trong ngày Tết để làm món chè tiễn ông Táo về trời, để chấm bánh chưng, làm bánh gai… Những ngày này, các làng làm mật mía đang chạy đua với thời gian để cho ra lò những mẻ mật thơm ngọt nhất.

Đến thôn Đồng Trạ, xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thuỷ, mặc dù thời tiết khá lạnh nhưng không khí ở các lò mật mía khá đông vui nhộn nhịp. Những xe mía nguyên liệu không ngừng chạy, các máy ép luôn chạy hết công suất, nhà nhà quây quần bên lò mật mía với tiếng cười nói lao xao.

Làng mật mía vào vụ Tết - 1
Giờ máy ép đã thay trâu kéo nên sản lượng tăng hơn nhiều so với trước.

Trải qua thời gian, một số nghề thủ công ở các miền quê đang dần bị lãng quên. Thế nhưng cứ vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều lò mật mía được khởi động trở lại để phục vụ nhu cầu trong những ngày Tết của người dân.

Anh Đinh Văn Ly - một chủ lò mật chia sẻ: “Thời gian này nhiều gia đình làm mật mía rất bận rộn. Từ đầu tháng 10 Âm lịch đến tháng 2 năm sau là vào vụ kéo mật chính, khi mía bắt đầu thu hoạch thì mùa ép mật cũng bắt đầu”.

Để mật đạt cả về độ ngọt và sản lượng cao thì mía phải bắt heo may, có nghĩa là từ tháng 10 trở đi khi gió heo may về thì cây mía mới đến độ ngọt, nhất là loại mía Rốc thân chắc, vừa ngọt lại cho nhiều nước, độ đường cao. Vào thời điểm cuối năm này, đa phần mía đã đến kỳ thu hoạch nên nguồn nguyên liệu rất sẵn, các chủ lò mật chỉ việc ở nhà chờ bà con mang mía đến nhập rất thuận lợi”.

Làng mật mía vào vụ Tết - 2
Công đoạn nấu mật đòi hỏi nhiều công phu và vất vả nhất.

Anh Ly cho biết thêm: “So với mọi năm thì mía năm nay không đạt lắm, vì trong quá trình sinh trưởng mía bị bệnh rệp làm khô cây nên ít nước hơn. Giá mía năm nay cũng đắt hơn 1 triệu đồng/tấn, mình kéo mật bán theo lít, theo chai vì vậy các chủ lò mật cũng rất lo về đầu ra. Mọi năm chúng tôi bán hơn hai mươi ngìn đồng một lít, không biết năm nay giá cả thế nào”.

Cách đây vài ba năm, bà con còn phải dùng sức trâu, bò để kéo quay che. Nhưng những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư máy ép chạy bằng điện nên việc ép mật cũng đỡ vất vả hơn mà đảm bảo vệ sinh hơn.

Anh Nguyễn Văn Thăng, một người có thâm niên lâu năm làm nghề mật mía kể lại: “Trước đây, không có máy ép vất vả lắm, phải huy động nhiều người cùng trâu, bò làm việc cả ngày cũng chỉ ép được 1 tạ mía cây. Những năm gần đây, áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất cao hơn hắn, một ngày có thể ép cả tấn mía cây mà lại đỡ vất vả hơn”.

Làm mật mía quan trọng nhất là lúc nấu mật, người nấu phải giữ lửa trong lò luôn ổn định. Nếu lửa quá to, tay đảo không đều thì mật dễ bị cháy. Nếu lửa quá nhỏ thì công đoạn keo mật sẽ rất lâu. Công đoạn kéo mật đòi hỏi rất công phu và mất nhiều thời gian, công sức nhất.

Làng mật mía vào vụ Tết - 3
Trong quá trình nấu phải luôn tay vớt bọt.

Người phụ trách công đoạn này phải luôn tay đảo, vớt bọt đen ra nếu không mật sẽ bị đen. Sau một thời gian nhất định, nước mía sẽ chuyển sang sền sệt và có màu đỏ au. Khi đó có thể bắc nồi xuống, đổ vào chậu để nguội mới cho vào chum, vại hoặc thùng, mật được làm cẩn thận có thể để hàng năm mà không bị hỏng.

Từ giữa tháng 12, các lái buôn từ khắp nơi đã đến mua mật mang về các chợ quê bán lẻ. Bã mía sau khi ép kiệt nước sẽ được tận dụng làm chất đốt nấu mật và bán cho các nhà máy giấy, làm đến đâu hết đến đó. Ngoài ra bã mía còn dùng làm thức ăn cho trâu bò những ngày Tết.

Mỗi năm một chủ lò mật có thể ép được khoảng 200 đến 250 tấn mía tươi, 1 tấn lãi được khoảng 50 ngìn đồng. Mỗi một lò có ít nhất 8 đến 10 lao động, ngoài những thành viên trong gia đình, các chủ lò mật phải thuê thêm 5 đến 6 nhân công, mỗi vụ trừ chi phi đi các chủ lò mật thu lãi khoảng 30 đến 40 triệu đồng.

Làng mật mía vào vụ Tết - 4
Những can mật mía đã đầy ắp chờ thương lái đến để nhập về các chợ lẻ bán.

Hiện cả thôn Đồng Trạ có 13 lò, mỗi năm ép được khoảng hơn 3.000 tấn mía. Ngoài việc thu mua nguồn nguyên liệu cho bà con ổn định, các lò mật còn tạo công ăn việc làm cho hơn 40 thanh niên trong làng có nguồn thu nhập khá cao.

Chỉ còn ít ngày nữa thôi, trên khắp các ngả đường, những thùng mật mía sẽ được mang đi khắp các địa phương trong tỉnh cũng như nhiều địa phương ngoại tỉnh. Hương vị ngọt của mật mía sẽ tạo thêm ý nghĩa cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc trong mỗi gia đình.

Hồ Điệp - Duy Tuyên