1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Làng “khát” bên đập Vó Đại

(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng trăm người dân thôn Mỹ Lợi, xã Thành Vinh, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) phải sống trong cảnh “khát” nước sinh hoạt và sản suất. Kinh tế của người dân bị kìm hãm cũng vì cảnh thiếu nước.

 
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 1
Những diện tích đất nông nghiệp thiếu nước nghiêm trọng
 
Thôn Mỹ Lợi nằm tách biệt với các thôn khác trong xã Thành Vinh bởi những ngọn đồi và con đường đất gồ ghề. Từ thành phố Thanh Hóa, vượt hơn 80km đường bộ chúng tôi tìm về thôn Mỹ Lợi và được tận mắt chứng kiến cuộc sống khó khăn của hàng trăm người dân trước tình trạng “khát” nước quanh năm.

Làng khát…

Thôn Mỹ Lợi có hơn 200 ha diện tích đất tự nhiên, với 649 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mường. Thôn Mỹ Lợi như một “lòng chảo” sát khu vực núi của vườn Quốc gia Cúc Phương. Nhiều năm qua, hơn 70% hộ dân của thôn Mỹ Lợi phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Hình ảnh đầu tiên khi đặt chân đến thôn là cảnh những người phụ nữ, những cụ già đang gồng gánh trên vai những thùng nước hiếm hoi, khó nhọc về sinh hoạt. Chị Bùi Thị Hương, người dân thôn Mỹ Lợi phàn nàn: “Nhà tôi đào hai cái giếng mà vẫn không đủ nước sinh hoạt, 5 tháng mùa khô phải đi gánh nước dưới đập Vó Đại về dùng. Còn nước sản xuất nông nghiệp thì không dám nghĩ đến, quanh năm chỉ phụ thuộc vào thời tiết”.
 
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 2
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 3
Hàng ngày người dân phải đi hàng cây số để gánh từng thùng nước về sinh hoạt

Nhìn những giếng nước được đào sâu hun hút trong thôn Mỹ Lợi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hầu hết các giếng ở đây đều trong tình trạng khô cạn nhiều tháng nay, đáy giếng nứt nẻ.

Anh Năm Hiêm chia sẻ: “Gần 5 tháng nay, gia đình tôi phải đi gánh nước trên vườn ươm về dùng. Năm nào cũng vậy, mùa mưa còn có ít nước dưới giếng mà dùng, bắt đầu mùa khô là phải gánh nước sinh hoạt. Tôi đào ba cái giếng mà phải lấp cả ba vì không cái nào có nước”.

Hiện, trong thôn có khoảng 70 giếng đào nhưng chỉ có ba giếng nằm ven đập Vó Đại là có nước, các giếng còn lại luôn trong tình trạng khô hạn từ tháng 11 đến hết tháng 3 năm sau.

Vừa gánh hai thùng nước trên vai, chị Thoa vừa hổn hển: “Khổ lắm, một năm có 12 tháng thì mất 6 tháng phải đi gánh nước sinh hoạt về dùng. Mùa hè, gia đình tôi phải phân công một người ở nhà gánh nước mới đủ dùng”.
 
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 4
Những cánh đồng "khô cháy" vì thiếu nước
 
Không đủ nước sinh hoạt, người dân và chính quyền địa phương đã tìm nhiều biện pháp, đầu tư tiền của, công sức để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nhưng do địa hình phức tạp, các giếng đào có độ sâu từ 12 - 15m vẫn không có nước, có những nơi đào xuống độ sâu 40m vẫn không tìm thấy mạch nước. Nhiều gia đình bỏ tiền ra đầu tư giếng khoan xuống độ sâu 30 - 50m mới có nước, nhưng chỉ sử dụng một thời gian ngắn là bị sập do hiện tượng sụt lún đất, đá. Muốn có nước sinh hoạt, bà con nông dân thôn Mỹ Lợi không còn cách nào khác là phải leo đồi, vượt núi hơn 3 km sang các thôn ven sông Bưởi hoặc xã Thành Minh gánh nước về dùng.

Thiếu nước không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn tác động đến sản suất của người dân. Năng suất cây trồng thấp vì luôn trong tình trạng khô hạn, thiếu nước trầm trọng. Mùa mưa đến, nước lũ tràn về làm nhiều diện tích lúa bị ngập úng, mía bị sâu bọ phá hại, mùa khô thì hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước nghiêm trọng, cây cối không phát triển, khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Xuyên tâm sự: “Gia đình tôi trồng hơn 1ha đất mía và mấy sào lúa cấy nhưng bị khô hạn mấy tháng nay rồi. Mía trồng mãi không thấy lên, còn lúa thì không phát triển được. Năng suất lúa bình quân chỉ đạt 3,5 tấn/ha”.

Làng “không còn”… đàn ông

Toàn thôn có 149 hộ dân sinh sống thì có hơn 70% số hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm 50% hộ nghèo trong toàn xã.
 
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 5
Những giếng nước khô hạn kéo dài

Làm ăn gặp nhiều khó khăn, những người đàn ông, thanh niên trong làng phải “tha phương cầu thực”. Người vào Nam, người ra Bắc làm bất kỳ công việc gì mong sao kiếm thêm được ít tiền về trang trải cuộc sống.

Chị Thu tâm sự: “Cứ ăn tết xong là đàn ông trong làng này đi làm ăn xa hết, trong làng không còn một bóng người đàn ông. Chúng tôi ở nhà thay chồng chăm sóc con cái và làm ruộng. Nhưng nước sinh hoạt và nước sản xuất thiếu quanh năm, gia đình có muốn nuôi thêm con trâu, con lợn, con gà cũng không dám, sợ không có nước cho nó uống”. 

Nhiều gia đình cả vợ chồng đều đi làm ăn xa, để lại cha mẹ già và con nhỏ. Mùa mưa còn đỡ, mùa khô thiếu nước cả nửa năm, nhiều cụ già cũng phải nai lưng leo đồi, vượt núi hơn 3km gánh nước về sinh hoạt hàng ngày.

“Nghĩ lại mấy năm trước, vợ chồng chúng nó đi ra Hà Nội làm ăn hết, để lại cho tôi 3 đứa cháu nhỏ. Hàng ngày, tôi phải đi 2 - 3 cây số, gánh hàng chục thùng nước để lấy nước ăn, tắm rửa cho các cháu. Vất vả lắm, tôi chỉ ước ông trời phú cho nguồn nước để người dân yên ổn làm ăn và phát triển kinh tế thôi”.
 
Làng “khát” bên đập Vó Đại  - 6
Ông Nguyễn Văn Lộc mong sớm có nguồn nước để giúp người dân bớt khổ
 
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Thành Vinh chia sẻ: “Tình trạng thiếu nước tại thôn Mỹ Lợi đã diễn ra trong nhiều năm nay. Năm 2008, thông qua nguồn vốn của Chương trình 134, thôn Mỹ Lợi đã được đầu tư 400 triệu đồng để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung, gồm 3 bể nước lớn, hệ thống đường ống dẫn nước từ đập Vó Đại về các bể chứa. Công trình đã giúp cho 50% số hộ dân trong thôn có nước sinh hoạt vào mùa khô. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng đưa vào hoạt động, do nguồn nước quanh khu vực đập Vó Đại bị cạn kiệt nên công trình không còn khả năng cung cấp nước cho bà con. Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư đường ống dẫn nước từ đập Vũng Sú, thuộc xã Thành Minh về thôn Mỹ Lợi, để mong sao giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới tiêu cho người dân nơi đây”.

Nguyễn Thúy - Lan Anh - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm