1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

Chân dung cuộc sống:

Làng Hoạ Sĩ

(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Kha (thôn Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây) vừa rót chén chè nóng mời khách vừa hồ hởi kể cho chúng tôi nghe chuyện vẽ vời ở làng ông. Và theo như những gì ông nói thì làng Cổ Đô xứng đáng được gọi là làng hoạ sĩ!

Thầy giáo trẻ và những buổi học 2.500 đồng

 

Lớp học vẽ của bọn trẻ là mái hiên được nới rộng ra từ căn nhà ngói hai gian của thầy giáo Nguyễn Thế Luân, lớp học chưa đầy 20m2 mà lủng củng, đầy ắp, bừa bộn  những tượng, những tranh, những hộp màu vẽ và những giáo cụ thô sơ như ấm, tích, bát... chúng được bày la liệt ra sàn. Đã 6 năm nay, sáng chủ nhật nào cũng vậy, bọn trẻ rủ nhau đến đây để thầy Luân dạy chúng vẽ, chỉ là giờ học thêm nhưng không mấy khi chúng đến muộn. “Trừ phi là vào vụ cấy hoặc gặt, bọn trẻ phải giúp bố mẹ là chúng vắng mặt, chứ còn hôm nào cũng đủ, không thiếu một em”- Thầy Luân kể.

 

Ngoài  những đứa trẻ ở làng Cổ Đô, ở lớp học này còn có những em đến từ làng khác, tuần nào cũng chăm chỉ đạp xe 7, 8 cây số đến để học. “Em thấy ông nội em bảo làng Cổ Đô nhiều hoạ sĩ vẽ đẹp lắm, biết em thích vẽ nên bố mẹ em cũng đồng ý cho em đến đây học ngay”, em Nguyễn Thanh Thuý - ở xã Đông Thái liến thoắng kể. Không còn giới hạn về không gian, không có khái niệm về thời gian, chỉ có màu sắc, đường nét mới khiến thầy cùng hơn 10 cô nhóc, cậu nhóc mê mải (ảnh dưới).

 

Làng Hoạ Sĩ  - 1

 

"Thế các em học vẽ thế này thì học phí có đắt không?" Tôi hỏi. “Dạ! hai nghìn năm trăm đồng một buổi” Tuấn, một học sinh lớp 12 đang nuôi mộng thi vào khoa Mỹ thuật - ĐH Sư phạm Hà Nội trả lời tôi ngay lập tức. Một buổi học bắt đầu từ 7h15’ và kết thúc lúc 11h30’, các em chỉ mất có 2.500 đồng, ở thành phố số tiền này chắc gì đã mua nổi một cây kem. Đấy là tính những buổi học ở nhà, còn có những hôm thầy và trò vác xe đạp lang thang dã ngoại tận Đền Hùng hay chân núi Ba Vì cả ngày để vẽ thì chẳng thể tính nổi.

 

“Tôi dạy các em vì thấy chúng ham vẽ quá, chứ có tính công cán gì đâu, tiền đó lại dành để mua màu, mua tượng và đóng giá vẽ cho các em thôi”. Thầy Nguyễn Thế Luân, 28 tuổi, tốt nghiệp trường Cao đẳng Nhạc hoạ TW, trở thành thầy giáo và công tác tại trường cấp 2 Vạn Thắng. Sinh ra từ ngôi làng yêu hội hoạ, tuổi thơ anh đã lê la ngắm những bức tranh, rồi túm tay chạy theo cha để hai cha con cùng đến nhà hoạ sĩ Sĩ Tốt (ảnh dưới) để học vẽ. Và giờ đây, khi trở thành một nhà giáo, chính anh lại cầm bút, cầm cọ dạy cho những thế hệ hậu sinh của làng những nét  vẽ đầu tiên.

 

Làng Hoạ Sĩ  - 2

 

Trẻ ham vẽ, người lớn mê tranh

 

Bọn trẻ ở đây ham vẽ thật. Lớp học tại nhà thầy giáo là dành cho các anh các chị lớp 8 lớp 9 và thi ĐH, còn những cô bé cậu bé lên 5, lên 6 thì giấy vẽ là đường đi, là  bờ tường, là vách nhà... Là tất cả chỗ nào có khoảng trống có thể vẽ được. Chỗ này là con mèo đang liếm chân, chỗ kia là mẹ đang cấy lúa. Rồi những ngôi nhà có mái ngói đỏ tươi ẩn mình bên những luỹ tre, là giàn trầu không của bà... Những hình ảnh đơn sơ ấy đều đi vào tranh thật tự nhiên, giản dị.

 

Bất kỳ người dân nào ở làng Cổ Đô này cũng được sở hữu một vài bức tranh. Ai cũng tự hào mà khoe về tranh, tranh không chỉ đơn thuần như một vật trang trí mà nó còn có ý nghĩa như là một vật thiêng trong mỗi gia đình. Người ta quý nhau đem tặng nhau tranh, thích nhau đem tặng tranh, cưới nhau cũng đem tặng tranh và khi chết đi chân dung đặt trên ban thờ cũng là tranh vẽ.

 

Làng Hoạ Sĩ  - 3

           

Căn nhà 4 gian rộng thênh thang của bác nông dân Nguyễn Ngọc Cũi, treo gần 20 bức tranh lớn nhỏ, bức lớn nhất cũng có chiều cao tới 1m, bức nhỏ nhất thì bằng cuốn vở của bọn trẻ. “Có lần một ông “tây” đến đây đòi mua nhưng tôi không bán đấy, tôi vẽ lâu lắm rồi đâm ra lại quý nó”. Ở làng này có nhiều người bán được tranh không bác? Tôi hỏi ông. “Vài năm trước thì  một năm cũng bán được hai đến ba bức, toàn là cho khách nước ngoài thôi, mấy năm nay thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gửi ở Galery dưới Hà Nội, nhưng số lượng bán ra được ít. Mà cô hỏi về kinh doanh làm gì, người làng này vẽ tranh chơi là chủ yếu, thoả mãn lòng yêu thích chứ mấy ai so đo cặn kẽ đâu”.

 

Ông Nguyễn Huy Khôi - Hiệu trưởng trường Tiểu học Cổ Đô cũng là một họa sĩ ông tự hào nói. “Hiếm làng quê nào mà lại sinh ra nhiều hoạ sĩ như vậy, 30 người là hoạ sĩ chuyên nghiệp, trong đó có 16 người là hội viên hội Mỹ thuật Việt Nam, chỉ riêng hoạ sĩ ở đây có khi bằng cả 2, 3 chi hội mỹ thuật của các tỉnh cộng lại, năm nào cũng có con em Cổ Đô trở thành sinh viên các trường Mỹ thuật”.

 

Bảo tàng làng

 

 

Làng Hoạ Sĩ  - 4

Bảo tàng tranh của họa sĩ Sĩ Tốt

“Cô có đi khắp đất nước Việt Nam cũng không tìm đâu ra ở một làng nông nghiệp lại có bảo tàng tranh đâu”. Một bà cụ tay chống gậy chỉ cho chúng tôi ngôi nhà mới xây màu vàng nhạt nằm ở giữa làng. Ngôi nhà xây 2 tầng khang trang còn thơm mùi vôi vữa, chính là một bảo tàng mỹ thuật. Bảo tàng tranh “Sĩ Tốt và gia đình” treo 68 bức hoạ của hoạ sĩ Sĩ Tốt.

 

Sinh ra và lớn lên ở  làng Cổ Đô, gần nửa thế kỷ qua chính ông đã khơi nguồn cho lớp lớp hoạ sĩ của ngôi làng này, lòng yêu và đam mê hội hoạ, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội) trở thành hoạ sĩ và nổi tiếng với những bức tranh “Ơ bố”, “Lúa non buổi sớm”, “Tiếng đàn bầu”. Ngày nay, khi mới bắt đầu cầm cọ, thầy giáo hoặc bố mẹ bọn trẻ đều dẫn chúng đến bảo tàng tranh của ông để thắp những nén hương, tưởng nhớ người đầu tiên có công phát triển môn nghệ thuật này.

 

Một ngôi làng thuần nông giữa vùng đồng bằng Bắc bộ. Có bảo tàng mỹ thuật, có những ngôi nhà treo đầy tranh và cả những đứa trẻ ham mê học vẽ... Người ta mê hội hoạ, cần hội hoạ như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Chính sở Văn hoá Thông tin tỉnh Hà Tây cũng đang có kế hoạch đưa Cổ Đô trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh trong vài năm tới.

 

Thu Phương