1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Quảng Ngãi:

Làng giữa sông “đơn độc” khi lũ về

(Dân trí) - Mỗi đợt mưa kéo dài hay bão lũ ập về, mực nước dâng cao chia cắt con đường về làng Ân Phú (xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) nằm giữa dòng sông Trà Khúc. Hơn 1.200 người phải vượt sông bằng 2 chiếc ghe chênh vênh…

Vượt lũ đến trường

 

Những ngày cuối tháng 9, PV Dân trí ghi nhận hoạt động cảnh người dân, học sinh cùng phương tiện xe máy, xe đạp, hàng hóa vượt dòng lũ trên 1 chiếc ghe máy của ông Nguyễn Nin (46 tuổi, ngụ thôn Ân Phú).
 
Học sinh Ân Phú chờ đò và thường xuyên trễ giờ đến trường

Học sinh Ân Phú chờ đò và thường xuyên trễ giờ đến trường

 

Ông Nguyễn Nin cho biết: “Vào lúc sáng, trong khi điều khiển ghe dưới dòng nước chảy xiết thì cánh quạt bị vướng vào bụi cói làm gãy. Với nhu cầu đi lại thường xuyên, đặc biệt là các cháu học sinh đi học nên tôi đành liều dùng cây sào chống ghe qua sông. Hàng chục năm qua, hai vợ chồng tôi làm người đưa đò khi nước sông dâng cao, chứng kiến nhiều vụ chìm ghe, lật ghe thật kinh hoàng. Cũng vì đi lại khó khăn, hàng trăm học sinh của làng thường xuyên đi học trễ, bởi con đường duy nhất đi lại là chiếc ghe cũ kỹ này”.

 

Từ bên bờ Bắc nhìn về làng Ân Phú, mực nước sông Trà Khúc chia cắt khoảng 200m, nhiều học sinh đang đợi đò đưa sang sông để đến trường. Mãi đến 13h45, sau màn vượt ngang dòng lũ, chiếc ghe mới đưa học sinh bên kia sông cập bờ Bắc. Vấn nạn đi học trễ, hay bỏ học khi lũ về là chuyện thường tình ở Ân Phú.
 
Vội đưa con đến trường, có cha mẹ đành mạo hiểm lội sông
Vội đưa con đến trường, có cha mẹ đành mạo hiểm lội sông

 

Em Nguyễn Thị Thùy Linh - học sinh lớp 8, tâm sự: “Những lúc dòng sông dâng cao, nước lũ chảy xiết và chiếc ghe không thể đưa em qua sông, những học sinh của làng Ân Phú đành tự học ở nhà cho đến khi hết mùa mưa lũ. Thời gian 3 tháng bị cô lập, em rất nhớ trường, nhớ thầy cô, bạn bè và khát khao đến trường từng ngày”.

 

Mơ ước một cây cầu

 

Nằm lọt thỏm giữa dòng sông Trà Khúc, làng Ân Phú được thiên nhiên, dòng lũ ban tặng phù sa quanh năm giữa “sa mạc” cát trắng. Điều lạ, nông sản nơi đây được đánh giá là ngon, ngọt và đậm đà.

 

Trái nghịch với niềm tự hào này, mỗi mùa mưa bão đến hay cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ mưa như trút từ miền núi đến đồng bằng, mỗi con nước từ thượng nguồn chảy xiết xuống dòng sông Trà Khúc, cũng là lúc làng Ân Phú bị cô lập, hàng ngàn người dân đi lại duy nhất bằng 2 chiếc ghe của làng.

 

Mỗi cư dân khi chọn nơi “an cư lập nghiệp” đều chọn nơi cao ráo, hoặc vùng đồng bằng trung du. Nhưng sự tích lập làng Ân Phú giữa lòng sông Trà Khúc là điều khó tưởng tượng, lạ thường hơn, khi con đường thông thương nằm ngay dòng chảy của lòng sông.
 
Những chuyến đò chênh vênh chở nặng qua sông


Những chuyến đò chênh vênh chở nặng qua sông
Những chuyến đò chênh vênh chở nặng qua sông

 

Là người chứng kiến nhiều đổi thay, ông Bùi Tỏi (62 tuổi) – Trưởng thôn Ân Phú tâm sự: “Từ lúc tôi sinh ra ở đây, tổ tiên đã cư ngụ và sinh sống nơi đây qua hàng chục mùa mưa bão rồi. Trong những năm gần đây, 350 hộ dân vất vả mỗi khi đi qua sông. Lúc thủy triều lên, con đường bị ngập khoảng 1m, còn mưa lớn hoặc lũ về thì chỉ có đi bằng ghe thôi”.

 

Cứ mỗi mùa mưa bão đến, làng Ân Phú bị cô lập ròng rã hơn 3 tháng. Mỗi hộ gia đình sẵn sàng dự trữ gạo, lương thực, nhu yếu phẩm, dầu hỏa thắp đèn, nến, chặt những cành cây tán rộng,… để sống chung với lũ. Khi mực nước sông Trà Khúc dâng lên đến báo động 2 thì 2 chiếc ghe của làng cũng đành trú lũ.

 

Chia sẻ cùng người dân thôn Ân Phú, ông Lý Hồng Sơn – Chủ tịch UBND xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh bày tỏ: “Thôn Ân Phú như ốc đảo nằm chênh vênh giữa sông Trà Khúc, khi mùa mưa bão đến, hơn 200 học sinh và hàng chục cán bộ đành bỏ trường học, cơ quan để chống chọi với lũ. Địa phương rất muốn làm con đường nằm trên mực nước con sông, hay chiếc cầu treo để người dân đi lại thuận lợi. Thế nhưng, nguồn lực của xã còn hạn chế, nhiều lần xin cấp trên đầu tư mà đến nay vẫn chưa thấy hồi âm”.
 

 

Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh - cho biết: “Những năm trước, địa phương có ý định làm cầu, qua tính toán thì chi phí xây dựng chiếm hàng trăm tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư quá lớn huyện không đủ sức để thực hiện. Trước mắt, người dân thôn Ân Phú đành sống chung với lũ, sau đó khắc phục hậu quả bão lũ. Hy vọng cấp tỉnh quan tâm, sớm có kế hoạch giúp người dân an tâm đi lại khi lũ về”.

 

Hơn 1.200 người dân ở Ân Phú có chung niềm mơ ước là chiếc cầu treo, đủ để đi lại trong mùa mưa bão. “Chỉ có cách xây dựng cầu mới là giải pháp hữu hiệu nhất, đó là niềm ao ước từ hàng chục năm qua sống chung với lũ”, ông Bùi Tỏi khẳng định khi gửi gắm niềm khát khao đến chúng tôi, đôi mắt ông nhìn xa xăm giữa dòng lũ rồi thở dài.

 

Hồng Long