1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Làng... ghẻ lở

Khu phố Xuân Thiều 1, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên chiểu - TP. Đà Nẵng 5 năm nay có thêm "biệt danh" như vậy. Đất đai, nguồn nước ở đây bị ô nhiễm nặng vì nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh khiến người dân tay chân lở loét, ngứa ngáy...

Nạn nhân

 

Ông Trương Mau - Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 cho biết, trong khu phố Xuân Thiều này, nơi bị ô nhiễm nặng nhất là tổ dân phố nơi ông quản lí. Đất đai, nguồn nước đều bị ô nhiễm nghiêm trọng.

 

"Tui bị lở loét, nứt hết tay chân vì dầm nước ruộng. Đi bệnh viện da liễu, mua thuốc cả uống lẫn thoa nữa mới đỡ chút ít. Đỡ thì đỡ ri nhưng khi xuống ruộng thì chỗ lở càng đau nhức thêm" - Ông Trương Tỏa ở Tổ dân phố số 3 vừa nói vừa đưa bàn tay, bàn chân đầy ghẻ lở cho chúng tôi xem.

 

Ông gằn giọng nói tiếp: "Đất ruộng ô nhiễm, rồi cả nước ngầm cũng bị ô nhiễm nữa. Chỗ tui chưa có nước máy,  chỉ sử dụng nước giếng đào thôi, nhưng nước giếng thì đục ngầu, lại hôi tanh".

 

Nói rồi, ông dẫn chúng tôi ra cái giếng trước sân, múc gàu nước đổ vào thau, quả như ông nói.

 

Ông Trương Mau cho biết thêm: "Bà con ở đây chỉ dùng nước giếng để tắm chứ còn nước để nấu ăn và uống thì phải đi xin ở nơi khác. Có nhiều người vì già cả, vì mệt mỏi nên đâm liều lấy nước giếng uống luôn".

 

Kiến nghị rơi vào im lặng

 

Chúng tôi tìm đến Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam và được ông Ngô Tấn Sơn - Chủ tịch hội cho biết, năm 2005 KCN Hòa Khánh có hỗ trợ 131 triệu đồng cho bà con có đất đai bị ô nhiễm. Số tiền đó chúng tôi dùng trừ vào các khoản đóng góp của bà con nên trong năm 2005, bà con không phải đóng một khoản tiền nào cả.

 

Ông Phạm Tấn Thạnh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Hiệp cho biết: "Hiện nay có 145 ha bị ô nhiễm rất nặng, trong đó 96 ha trồng lúa nước". Rồi ông Thạnh dẫn chúng tôi ra sông Bờ Giữa Gia Tròn nơi nước bị ô nhiễm bốc mùi nồng nặc.

 

Ông Thạnh chỉ tay về phía trước: "Đó là hai cống D Liên Hiệp, mỗi ngày chúng tôi đóng cống 2 lần. Và khi đóng cống lại thì nước ô nhiễm ở sông lại tràn vào ruộng".

 

Các anh không kiến nghị gì với các cấp có thẩm quyền? Ông Thạnh cười và trả lời câu hỏi của chúng tôi: "Chúng tôi gửi đơn khiếu kiện từ năm 1996 kia chứ, ngay như các lần tiếp xúc cử tri của lãnh đạo thành phố chúng tôi cũng có kiến nghị rồi. Vậy mà không hiểu vì sao đến nay mọi chuyện vẫn đâu hoàn đó?!".

 

Được biết nước thải của KCN Hòa Khánh trước đây đổ trực tiếp ra Bàu Tràm nhưng do người dân phản ứng mạnh nên 3 năm nay nước thải được thay đổi "đường đi", chảy lên Nam Ô rồi vòng xuống sông Bờ Giữa Gia Tròn. Mấy anh không biết đích xác công ty nào xả nước thải à? "Họ lén thải vào các ngày thứ bảy, chủ nhật mà lại vào ban đêm nữa nên ai mà biết là do công ty nào, chỉ biết chính xác là nước thải từ KCN Hòa Khánh đổ ra thôi. Người dân cũng nhiều lần "phục kích" nhưng vẫn không biết "ai là thủ phạm" - Ông Thạnh khẳng định.

 

Theo Lao Động