Làng đẻ con trên võng
Mùa nắng thì lên rẫy làm nương; mùa mưa thì đi thả lưới, cắm câu bắt cá, gần Tết thì bứt đót, nhặt ươi bay, bẫy chông, bẫy thò... chuyện đi chợ là rất hiếm hoi, thậm chí không hề nghĩ đến.
Chính vì vậy mà người ta đặt luôn cho người dân ở bản Aduông 2 (thị trấn P'rao, Đông Giang, Quảng Nam) một cái tên: Làng... lười đi chợ! Đó chưa phải là điều mà người dân ở bản Aduông 2 trăn trở mà là chuyện không thể nói ra về những sản phụ đẻ con trên võng...
Một tháng đi chợ... một lần
Chiếc cầu gỗ vắt vẻo bắc qua lòng suối cạn mới được làm cách đây 2 tháng, chỉ vừa đủ một người đi dường như là "dấu hiệu" duy nhất cho con đường dẫn vào Aduông 2. Có lẽ, nhờ tách biệt với thế giới bên ngoài nên Aduông 2 "xanh" đến không ngờ. Ở đây, ngoài chiếc máy xát gạo mới được "nhập khẩu" chưa đầy một tháng và vài chiếc tuabin điện thì tại Aduông 2 hoàn toàn không có tiếng động cơ.
Cả làng chỉ có 6 cái tivi, các nhà khác thì "xin điện" đủ để thắp một bóng đèn chữ U, với "phí" 10 nghìn đồng/ tháng. "Chỉ mùa ni là có điện thôi, còn mùa mưa, nước lũ về là phải đem tuabin đi cất, không lũ cuốn trôi mất. Khi đó thì dùng đèn dầu, mà cũng chỉ dám thắp khoảng 1 tiếng đồng hồ để ăn cơm, cho tụi con nít học bài", Trưởng ban Mặt trận thôn Aduông 2 Alăng Đhuôl tính toán.
Có một điều đặc biệt mà theo ông Đhuôl, là dân Aduông 2 không hề phá rừng, đốt rừng như những nơi khác. "Cả làng tui sống nhờ rừng. Đất rẫy, đất nương cũng đủ làm lúa, làm sắn ăn rồi, không phá nữa. Phá rồi sau ni lấy rau mô mà ăn, lấy con thú mô mà bắt. Chỉ khi mô có nhà dựng vợ, gả chồng cho con thì mới đi lấy gỗ, lấy cây về làm nhà thôi", ông Đhuôl cho biết.
Theo lời già Lăng, dân Aduông 2 rất ít khi đi chợ. Chỉ khi nào có buồng chuối, gùi sắn hay con nhím, chai mật ong... người làng mới đem ra đường Hồ Chí Minh, bán cho người đi đường hoặc xuống chợ huyện. Cũng chỉ để mua thêm ít muối, nhu yếu phẩm, thuốc cho người ốm. Thế nên, ở Aduông 2 có một chuyện lạ là nhà nào cũng "giặt"... bao ni lông để tái sử dụng.
"Cũng phải cả tuần, có khi cả tháng mới đi chợ một lần. Đi mua mắm muối, mua cá khô, lâu lâu mua thịt heo, hoặc cá. Nhưng mà "cá của người Kinh" (cá biển) tanh, khó ăn quá, nên ít mua lắm", già Lăng bộc bạch. Mấy năm nay, có sẵn cửa hàng tạp hóa nhỏ của gia đình trưởng thôn Ating Ký, dân trong làng lại càng ít đi chợ.
Chuyện đẻ rơi trên... võng
Sự tách biệt của Aduông 2, vô hình trung ngoài việc duy trì được một bản làng "xanh", còn giữ nguyên được những tập tục, tập quán truyền thống của người Cơ Tu. Thế nhưng, cũng vì thế mà ở Aduông 2, có những khó khăn "vô hình" mà phải nghe người trong cuộc kể, mới hiểu hết được những vất vả của dân làng. Có lẽ, ám ảnh lớn nhất ở Aduông 2 là câu chuyện của những người đàn bà.
Theo lời kể của già Lăng, mấy năm trước, chị Alăng Thị Nhướp đang có mang đứa con trong bụng sắp đến ngày sinh nở nhưng vẫn cố gắng lên rẫy thu hoạch lúa. Đang trên rẫy thì trở dạ, cả làng phải huy động hơn chục người đàn ông, dùng cáng cột võng, khiêng ra bệnh viện thị trấn. Do đẻ khó lại trúng mùa mưa, khiêng ra không kịp nên chị Nhướp đã sinh con ngay trên võng.
"Thực ra trong làng cũng có mấy bà già đỡ đẻ được, nhưng vì khi đó chị Nhướp đẻ khó, máu ra nhiều quá nên phải khiêng đi. Đường dốc, lại xa, giữa đường thì chị đẻ rơi, không ai cấp cứu kịp nên đứa con sinh ra thì mất ngay sau đó", già Lăng ngậm ngùi.
Không chỉ có chị Nhướp, những người đàn bà ở Aduông 2, đến kỳ sinh nở đều phải nhờ bà đỡ trong làng đỡ đẻ hộ, ca nào đẻ khó thì phải nằm võng, khiêng xuống bệnh viện huyện. Người may mắn thì giữ được con, người không may thì đành nuốt nước mắt trao con cho "thần rừng".
Chị Alăng Thị Mơ (28 tuổi), người mất đứa con ngay trên cáng võng năm 2005, nghẹn ngào: "Kỳ sinh nở năm đó nhằm trúng mùa mưa lũ. Amế (mẹ) không cho đi nhưng vì nhà hết thức ăn, phải đi ra suối kiếm cái rau về nấu cho mấy đứa. Đi được một đoạn thì thấy đứa con đạp dữ quá, đau quá, chỉ kịp kêu mấy người gần đó cứu. Rồi mấy người đàn ông bỏ võng khiêng ra, nhưng không kịp".
Cũng đẻ rơi trên võng như chị Nhướp, chị Mơ, nhưng chị Arâl Thị Phích thì may mắn hơn khi đứa trẻ sinh ra vẫn còn giữ được. Đứa bé ấy - Alăng Thị Phước - nay đã học lớp 7, được bà con gọi là con của "thần rừng" vì đẻ giữa rừng mà không chết. "Thương hắn lắm, vì chỉ có hắn là đẻ trên võng mà không chết", chị Phích thật thà.
Trao đổi với PV về những khó khăn của người dân ở thôn Aduông, ông Huỳnh Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND thị trấn P'rao (Đông Giang) cho biết: "Những khó khăn của Aduông 2, UBND thị trấn đã nhiều lần đề xuất lên huyện, huyện cũng đã rất quan tâm hỗ trợ cho thôn này. Hiện tại, huyện cũng đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm cho thôn, và đang triển khai giai đoạn hai chương trình 135 của Chính phủ. Đường điện hạ thế và đường giao thông vào Aduông 2 cũng đã được phê duyệt và đang triển khai xây dựng. Sắp tới, sẽ khắc phục được những khó khăn cho thôn này".
Theo Khánh Nghệ
Công An Đà Nẵng Online