Quảng Ngãi:
Làng chài tỷ phú bị "cuốn phăng" ra biển cùng món nợ khổng lồ!
(Dân trí) - Ven biển xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) giờ đây xuất hiện nhiều túp lều tạm bợ. Ít ai biết, chỉ hơn 5 năm trước, chủ nhân những túp lều đó từng sở hữu khối tài sản gần 10 tỷ đồng.
Ngư dân D.M.T. là cái tên khá nổi tiếng ở xã Nghĩa An. Tầm năm 2015, ngư dân T. nổi tiếng bởi còn trẻ nhưng khá "bạo" trong cách làm ăn. Chưa đến 40 tuổi, anh đã sở hữu đôi tàu giã cào trị giá gần 9 tỷ đồng.
Bây giờ, cái tên anh T. cũng được nhiều người nhắc đến với nỗi đồng cảm xen lẫn xót xa. Hiện anh T. và vợ phải dựng một túp lều bên bờ biển buôn bán kiếm sống qua ngày.
"Hồi đó không ai nghĩ có cái cảnh này. Vay mấy tỷ bạc một lúc nhưng ai cũng nghĩ tầm vài năm là trả hết. Ai ngờ mọi thứ thay đổi nhanh quá. Giờ tàu thì bán không ai mua, nhà thì giao cho ngân hàng", anh T. chua chát nói.
Giai đoạn 2015 - 2016, nghề giã cào phát triển rầm rộ, đi chuyến nào trúng chuyến đó. Những chuyến biển tiền tỷ nhanh chóng biến xã Nghĩa An thành "làng biển tỷ phú".
Nghề giã cào hơn thua nhau ở công suất máy tàu. Tàu càng to, công suất càng lớn càng đánh bắt được nhiều. Thế là làng biển Nghĩa An thi nhau đóng tàu to. Cùng với đó là lắp máy tàu Trung Quốc công suất lớn để tung hoành trên biển.
"Đánh bắt cũng được nhưng tích góp đâu bao nhiêu nên muốn đóng tàu thì phải vay. Đôi tàu giã cào trên 8 tỷ là bình thường. Vốn lớn nên phải vay ngân hàng, vay nóng đủ cả. Tài sản thế chấp ngoài đôi tàu còn phải thêm nhà cửa. Không ngờ chỉ 2 năm sau đã trắng tay, nợ nần chồng chất", anh T. thẫn thờ.
Túp lều của vợ chồng anh T. là nơi lui tới của nhiều người cùng cảnh ngộ. Người cũng sắp mất nhà, người đỡ hơn thì còn nợ vài trăm triệu đồng. Có người mất việc đang tính bỏ quê, bỏ cái nghề cha truyền con nối đến xứ người làm thuê, làm mướn.
Năm nay gần 60 tuổi, ngư dân P. chưa bao giờ nghĩ làng biển của mình rơi vào tình cảnh tan hoang vì nợ nần. Trước khi "cơn sốt giã cào" bùng phát, làng biển Nghĩa An cũng được xếp vào loại khá giả. Chưa có những chuyến biển tiền tỷ nhưng nhờ lao động cần cù nên đời sống người dân no đủ. Hồi đó, làng biển rộn rã suốt ngày đêm. Cảnh sung túc hiện rõ qua những cuộc vui, tiếng nhạc xập xình, xe máy đời mới chạy đầy đường.
Thế rồi phong trào đóng tàu lớn hành nghề giã cào bùng phát vượt kiểm soát. Những con tàu từ 1 đến 2 tỷ đồng đã lớn nay lại lớn gấp đôi. Mà tàu giã cào phải đóng theo đôi, có đôi tàu trang bị đầy đủ hết gần 10 tỷ đồng.
Theo ông P., tàu lớn, nợ lớn nhưng bất ngờ ngư trường ngày càng thu nhỏ. Rồi máy tàu Trung Quốc trở chứng sau một gian sử dụng, cửa biển lại bồi lấp, nghề giã cào bị cấm đánh bắt. Tất cả khó khăn cùng lúc đổ ập xuống khiến chủ nhân những đôi tàu nhiều tỷ đồng chìm trong nợ nần.
Sự hào nhoáng một thời đã bị tàu giã cào cuốn phăng ra biển. Làng biển Nghĩa An bây giờ đìu hiu, đây đó là những câu chuyện thảng thốt về nợ nần. Đường làng vắng hoe với lác đác những tấm biển bán nhà.
"Đóng tàu xong trúng được mấy chuyến, còn lại sau đó thu không đủ chi phí nên phải cho tàu nằm bờ. Không đánh bắt được thì lấy đâu trả tiền lãi vay, nợ cứ thế chất chồng. Tài sản, nhà cửa giờ phải giao hết cho ngân hàng. Bây giờ những người trắng tay như chúng tôi nhiều lắm", ông P. nói.
Xã Nghĩa An có khoảng 12.000 lao động sống nhờ nghề biển. Đây là địa phương có đội tàu nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi với khoảng 1.400 chiếc. Theo thống kê sơ bộ, ngư dân xã Nghĩa An đang nợ ngân hàng khoảng 1.000 tỷ đồng. Đây chính là hậu quả nặng nề của "cơn sốt giã cào".
Thế nhưng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Thị Lệ Thu cho rằng, 1.000 tỷ đồng chỉ là "phần nổi của tảng băng". Trên thực tế số nợ có thể lớn hơn rất nhiều. Bởi ngư dân không chỉ nợ ngân hàng mà còn vay mượn khắp nơi, có cả "tín dụng đen".
Lợi nhuận quá lớn từ nghề giã cào cuốn phăng tất cả mọi cảnh báo của chính quyền. Để rồi người người, nhà nhà lao vào vay mượn tiền đóng tàu giã cào. Bên cạnh đó, sự cảnh báo khá mờ nhạt và chậm hơn tốc độ của "cơn sốt giã cào" cũng là nguyên nhân khiến xã Nghĩa An chìm trong tình cảnh nợ nần.
Những đôi tàu trị giá 8 - 9 tỷ đồng giờ phơi mưa, phơi nắng. Biển bán nhà xuất hiện khắp nơi. Ngoài bờ biển, những túp lều tạm được dựng lên nhiều hơn.
"Biển giã thất bát nên những đôi tàu nhiều tỷ đồng mà bán đâu ai mua. Nhà cửa cũng khó bán lắm, đất ở đây hiếm nhưng chỉ hiếm với chính người dân ở đây thôi. Ở nơi khác họ đâu đến đây mua làm gì. Bây giờ có treo biển bán nhà cũng không ai có tiền mà mua", bà Thu nói.
Cũng theo bà Thu, xã đã kiến nghị chính quyền cấp trên đề nghị ngân hàng có phương thức khoanh nợ cho ngư dân. Tuy nhiên, đến thời điểm này các ngân hàng vẫn chưa có bất kỳ động thái nào hỗ trợ ngư dân trong lúc khó khăn.
"Tính từ tháng 11/2019 đến nay đã có 26 ngư dân không trả được nợ nên bị ngân hàng kiện ra tòa, 6 trường hợp khác bị kê biên tàu cá, nhà cửa để thi hành án. Con số này sẽ tiếp tục tăng vì ngư dân biết lấy gì để trả nợ!", bà Thu nói đầy trăn trở.
Quốc Triều