1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Làng bánh chưng Vĩnh Hòa hối hả vào Tết

(Dân trí) - Nghề làm bánh do cha ông truyền lại, vượt qua thời gian với những bí quyết gia truyền của người dân Vĩnh Hòa đang từng ngày, từng giờ thổi hồn vào những chiếc bánh chưng, những cây bánh tét, mang Tết đến muôn nơi.

Thoát nghèo nhờ nghề làm bánh

Về Vĩnh Hòa vào ngày cuối năm, không khí tấp nập và rộn rã hiện rõ trên từng ngõ xóm, ngôi nhà. Mùi thơm của dưa hành thịt mỡ, đậu xanh phảng phất từ đầu ngõ đến cuối thôn.

Nằm ở đầu huyện Yên Thành một vùng đất cổ, có kinh nghiệm trồng lúa nước từ lâu đời, được xem là vựa lúa lớn nhất của tỉnh Nghệ An. Người dân Vĩnh Hòa biết tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào từ lúa gạo chế biến các loại bánh như bánh chưng, bánh tét, bánh cuốn, bánh đa, bánh gai, bánh mật… Nhưng trong đó phải kể đến cái nghề truyền thống, phát triển nhất hiện nay vẫn là bánh chưng, bánh tét.
 

Ngay từ mờ sáng mọi người đã bắt đầu lo nguyện liệu làm bánh từ khâu đãi đậu, đến vo nếp, ra thịt, bóc hành … đều được chuẩn bị sẵn. Đến khoảng 10h khi đã chuẩn bị xong các nguyện liệu, là lúc cả nhà cùng nhau ngồi gói bánh. Từ học sinh đến cụ già, thanh niên, phụ nữ đều xắn tay vào công việc. Mỗi người một việc, làm theo kiểu dây chuyền, người đong gạo vào lá bánh, người gói các nếp cho vuông bánh, người buộc lạt…cứ thế cho đến khi những cặp bánh chưng, chiếc bánh tét được chất đầy .

Trong ngôi nhà dưới, anh Nguyễn Ngọc Báu (47 tuổi) hai bàn tay thoăn thoát gấp nếp chiếc bánh và xếp cẩn thận từng ở giữa nhà.

Anh Báu chia sẻ: “Đây là làng bánh từ thời ông, cha mình truyền lại, 80- 90% hộ dân làm bánh chưng bánh tét và cuộc sống của người dân được đổi thay nhờ nghề bánh. Làm bánh thì không được ngủ nhiều như những nghề khác, vì phải dậy liên tục để giữ lửa đỏ đều, đun đủ lâu giúp bánh mềm, rền và để cứ 3 tiếng lại thêm nước vào nồi. Ngày thường nhà tôi làm khoảng 100 cặp. Ngày tết làm nhiều hơn và phải thuê thêm lao động. Buổi sáng vợ tôi thức dậy lúc 3 giờ sáng để kịp giao bánh và đi bán bánh ở chợ”.
 
Công đoạn đổ nếp, nhân vào lá để gói bánh chưng khá đơn giản.
Công đoạn đổ nếp, nhân vào lá để gói bánh chưng khá đơn giản.

Anh Nguyễn Văn Nhung cho hay: “Những ngày tết, để kịp đưa bánh đến các điểm giao hàng, nhà anh nấu 5 nồi bánh quân dụng chứa cả 100 cặp bánh chưng sôi sùng sục. Nhờ những nồi bánh chưng mà anh nuôi 4 con ăn học, nhà cửa khang trang”.

Ông Lưu Đức Bằng, xóm trưởng xóm Vĩnh hòa cho biết: “Cả xóm có 320 hộ, thì 200 hộ làm bánh quanh năm, là nguồn thu nhập chính. Hiện nay, cả xóm chỉ còn 15 hộ nghèo, nhiều hộ khá và giàu. Năm 2005, được tỉnh công nhận làng nghề truyền thống chế biến Nông Sản Vĩnh Hòa. Và thương hiệu làng bánh được nhiều người biết đến hơn”.

Theo ông, để tạo được thương hiệu làng nghề truyền thống không có bí quyết gì đặc biệt, nhưng phải đặt cả tấm lòng mình vào đó. Từ khâu chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, làm bánh sạch sẽ, nấu đúng kỹ thuật. Bí quyết đơn giản đó là khi buộc bánh, buộc các góc thật chặt, dùng tay thắt chặt, vỗ các cạnh của bánh chưng cho bằng, nấu bằng nước sạch, 3 tiếng pha nước. Làm đúng như vậy, bánh sẽ giữ được cả tuần mà không bị mốc.

Mang xuân đến muôn nơi
Công đoạn gói bánh tày khá kỳ công.
Công đoạn gói bánh tày khá kỳ công.

Người dân Vĩnh Hòa chủ động tìm thị trường để mở rộng và phát triển. Ban đầu là để cho các quán nhỏ, chia nhau đi chợ bán ở khắp các vùng lân cận như Diễn Châu, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu… Sau một thời gian quen thuộc, người dân đã truyền tai nhau về làng làm bánh dẻo thơm, chất lượng từ những đơn đặt hàng đám cưới, giỗ chạp…

Cứ đến 3 giờ sáng, khi gà chưa kịp cất tiếng gáy, mọi người đã thức dậy vớt bánh cho ráo nước, chất lên đôi quang gánh để 4 giờ sáng bắt đầu mang ra chợ bán.

Người dân Vĩnh Hòa không bao giờ lo thất nghiệp vì thương hiệu bánh chưng, bánh tét được nhiều người biết đến. Từ bao năm nay, bánh Vĩnh Hòa đã có mặt khắp trong Nam, ngoài Bắc, sang tận nước Đức. Đặc biệt những ngày cuối năm, cả xóm hối hả làm việc suốt ngày để kịp giao hàng cho khách đặt.

Nhà làm bánh Sâm Đức là một trong những hộ cung ứng ra thị trường nhiều nhất. Mỗi dịp tết đến nhà chị thuê 10 lao động để kịp những đơn đặt hàng. Bánh của chị đi đến các khách sạn, nhà hàng sang trọng ở thành phố Vinh.
 
Bánh chưng ra lò được sắp lên một cái kệ lớn cho ráo nước.
Bánh chưng ra lò được sắp lên một cái kệ lớn cho ráo nước.

Chị chia sẻ: “Chị làm bánh đã 20 năm, được ông bà nội truyền lại cho con dâu. Những ngày thường gói 200-300 cặp, ngày tết lên tới 500 cặp. Bánh được đưa đến khắp tứ phương, khách sạn, nhà hàng. Dự kiến đơn hàng năm nay sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu như trước đây bánh chưng bánh tét giúp người dân trong làng thoát cảnh nghèo đói thì ngày nay, người dân trong làng làm bánh vào dịp tết không đơn thuần chỉ là việc mưu sinh nữa mà là cả một phong tục, một nét truyền thống của ngày tết cổ truyền. Chúng tôi sản xuất ra mặt hàng vừa dân giã nhưng cũng rất thiêng liêng, là hồn dân tộc trong những ngày tết nên gói bánh chưng phục vụ Tết cho bà con cũng phải cầu kỳ, chăm chút hơn ngày trước rất nhiều”.

Nhờ sự năng động, chịu khó của bao nhiêu thế hệ người dân mà đến nay bánh chưng Vĩnh Hòa đã trở thành một thương hiệu có mặt khắp nơi, từ góc chợ quê cho đến những khu chợ sầm uất ở Hà Nội, Sài Gòn. Từ hạt gạo của vùng đồng bằng chiêm trũng, dưới bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của con người nơi đây, những chiếc bánh chưng, bánh tét Vĩnh Hòa đã có mặt, len lỏi vào nhiều gia đình, mang theo hơi xuân, hương vị tết và cả tình cảm chân chất của những người dân quê lúa.

Tâm Nhi - Nguyễn Duy