1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

22 quân nhân hy sinh:

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt

Nguyễn Phê

(Dân trí) - 30 năm công tác, mỗi lần con về nghỉ phép đều là những ngày vui nhất trong cuộc đời mẹ. Giờ đây con trai đã “về phép” thật nhưng lần “về phép” này của con đã khiến người mẹ già cạn khô nước mắt.

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 1

Trung tá Phùng Thanh Tùng là 1 trong số 22 cán bộ chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh tại Quảng Trị khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trong bão lũ.

"Nghỉ đi con có mẹ đây rồi" 

Ngày 23/10, rất đông người thân, bà con lối xóm, đồng đội… đã về nhà riêng của liệt sĩ Trung tá Phùng Thanh Tùng (SN 1979, tại phường Nghi Hải, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 2

 Đồng đội khóc nghẹn bên linh cữu liệt sĩ Phùng Thanh Tùng.

Người cha già lặng lẽ bên bàn thờ con trai, ông cố gắng lo chu toàn lễ tang của con dù nỗi đau đè nặng trong lòng.

Bà Phùng Thị Ngọc (SN 1957, mẹ liệt sĩ Tùng) kể: Trước hôm xảy ra sự việc, anh Tùng còn gọi điện về nhờ bà chăm sóc cho vợ và các con vì nhiệm vụ anh chưa thể về được. Vợ anh Tùng lại mới sinh con thứ 3 được ít tháng. 

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 3

Hai đứa trẻ chưa thấu hiểu hết nỗi đau mồ côi cha.

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 4

Anh hy sinh để lại người vợ và 3 đứa con thơ dại, cháu lớn nhất mới học lớp 8.

Người mẹ nhà rưng rưng nước mắt nhìn lên di ảnh con trai, bà thầm an ủi vong linh con: "Nghỉ đi con, có mẹ đây rồi, cháu còn nhỏ có mẹ đây rồi!". 

Chị Hoàng Thị Diệu mới sinh con được ít tháng đã chịu tang chồng. Giờ cúng cơm cho anh, hai đứa con lớn ở bên cạnh nhìn mẹ chắp tay làm theo từng động tác, rồi lại nhìn lên bàn thờ cha. Chứng kiến cảnh đó lòng chị như thắt lại.

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 5

Bà Phùng Thị Ngọc ngồi bên bàn thờ con, nghĩ đến 3 đứa cháu còn thơ dại, bà thầm nói với con: "Nghỉ đi con có mẹ đây rồi"

Ngày 24/10, lễ an táng liệt sĩ Phùng Thanh Tùng được tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ phường Nghi Hải (thị xã Cửa Lò).

"Con nói nghỉ phép về thăm mẹ cơ mà...".

Khoảng 4h sáng ngày 23/10, di cốt liệt sĩ Bùi Đình Toản (SN 1970, một trong 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn 337 hy sinh tại Quảng Trị) đã được đồng đội đưa về quê nhà tại phường Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An. 

337b.jpg

Bà con nhân dân, người thân về gia đình anh thắp hương chia buồn với gia đình liệt sĩ Toản.

Tại đây người thân, hàng xóm đã đợi đón anh về, khóe mắt ai cũng đỏ hoe. Trước ngày anh cùng 21 người khác bị vùi lấp sau trận sạt lở kinh hoàng, anh còn báo với vợ mình sắp được về phép, về bên gia đình. Nào ngờ anh "về phép" thật… Đây là chuyến "nghỉ phép" cuối cùng của anh. 

Trong căn nhà, người vợ Đào Thị Bích (48 tuổi) ngồi gục bên linh cữu chồng khóc đến lạc giọng: “Anh nói sắp được về phép, về với gia đình mà! Dậy đi anh!”.

337a.jpg

Hai người con trai đội vành khăn tang trắng, lặng lẽ đứng bên bàn thờ của bố khiến lòng mọi người quặn thắt.

Hai người con trai đội vành khăn tang trắng, lặng lẽ đứng bên bàn thờ của bố khiến lòng mọi người quặn thắt. 

Vợ chồng anh Toản sinh được 2 người con trai. Người con lớn 25 tuổi hiện làm việc ở Hà Nội. Con trai út 23 tuổi đang là sinh viên năm cuối tại một trường đại học trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Chị Bích không có công ăn việc làm ổn định. Thu nhập trông chờ vào đồng lương hàng tháng anh Toản gửi về. Mấy năm gần đây, khi người con trai lớn ra trường, đi làm, cuộc sống của gia đình mới đỡ phần vất vả.

Lần “về phép” cuối cùng của con, mẹ già đã cạn khô nước mắt - 8

Chị Đào Thị Bích ngồi gục bên ban thờ khóc lạc giọng

Bà Nguyễn Thị Tròn (74 tuổi, mẹ của liệt sĩ Toản) lặng yên nhìn di ảnh con trai, nước mắt trào ra lăn trên đôi gò má gầy khô, lam lũ.

Hơn 30 năm công tác, những lần Trung tá Bùi Đình Toản nghỉ phép về bên gia đình đều rất hiếm hoi, mỗi lần con về, đó đều là những ngày vui nhất trong cuộc đời bà. Giờ đây con trai đã “về phép” thật nhưng lần “về phép” này của con đã khiến người mẹ già cạn khô nước mắt.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Dương - Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự thị xã Hoàng Mai cho biết, 4h sáng ngày 23/10, di cốt của Trung tá Bùi Đình Toản đã về tới gia đình. Vào chiều ngày 24/10, liệt sĩ Toản sẽ được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai. 

 

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, vào rạng sáng 18/10, một quả núi bất ngờ sạt lở, đổ xuống các gian nhà của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị); 5 người được cứu ra ngoài, 22 người bị vùi lấp gồm 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.

Chiều tối 22/10, di hài 8 liệt sĩ quê Nghệ An đã đưa về tới xứ Nghệ.
 
1 - Trung tá Phùng Thanh Tùng (sinh năm 1979), chức vụ: Trợ lý Tổ chức lao động-Tiền lương, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò.
 

2 - Trung tá QNCN Bùi Đình Toản (sinh ngày 20/10/1970), chức vụ:  Nhân viên  lái xe, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai.

3 - Thiếu tá  QNCN Nguyễn Cảnh Trung (sinh ngày 9/12/1978), chức vụ: Nhân viên  bảo mật, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương.

4 - Thượng úy QNCN Trần Văn Toàn (sinh ngày 02/5/1983), chức vụ: Nhân viên lái xe, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Xuân Thành, huyện Yên Thành.

5 - Thượng úy QNCN Nguyễn Văn Thu (sinh ngày 2/2/1984), chức vụ: Nhân viên lái xe, Phòng Tham mưu-Kế hoạch, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Tăng Thành, huyện Yên Thành.

6 - Thượng úy QNCN Lê Cao Cường (sinh ngày 10/5/1983) Chức vụ: Nhân viên xăng dầu, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật, Đoàn KT-QP 337. Nguyên quán: Xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên.

7 - Trung sĩ Nguyễn Anh Duy (sinh ngày 4/1/2000), quê quán: Xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, nhập ngũ: Tháng 2/2019.

8 - Trung sĩ Nguyễn Quang Sơn (sinh ngày 25/4/2001), quê quán: Xã Thái Sơn, huyện Đô Lương, nhập ngũ: Tháng 9/2019.