1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Lắk:

Lan rừng bị "bắt cóc" ra phố

(Dân trí) - Đáp ứng nhu cầu của người chơi lan, nhiều người đã vào tận các cánh rừng sâu để khai thác lan rừng tràn lan đem về thành phố bán. Việc làm này đang khiến lan rừng tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ".

Đua nhau vào rừng hái lan về phố

Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), không khó để bắt gặp những tuyến phố chuyên bán lan rừng tự phát như: Phan Đình Giót, Lê Duẩn, Ngô Quyền… Nhiều loài lan rừng như Hoàng Thảo, Thủy Tiên, Kim Điệp, Dã hạt, Lan đuôi mèo, Nghinh xuân, Đuôi cáo, Mỹ nhung, Giã hạc, Hoàng phi hạt… được bày bán tràn lan trên vỉa hè, trong đó có không ít loại được người chơi lan nhận định là quý và rất hiếm.

Khu vực bán lan rừng luôn tấp nập người mua
Khu vực bán lan rừng luôn tấp nập người mua

Các loại lan rừng được người dân vào tận rừng sâu để hái đem về bán lại cho người buôn hoa hoặc trực tiếp gùi ra các tuyến phố bán cho người chơi hoa. Vì là lan rừng chính hiệu nên mặt hàng này rất được khách hàng ưa chuộng, nơi đây lúc nào cũng tấp nập người buôn kẻ bán.

Khách hàng dễ dàng chọn mua những loại lan rừng hiếm
Khách hàng dễ dàng chọn mua những loại lan rừng hiếm

Anh Y Basimon (42 tuổi, ngụ xã Cư Ê bua, TP Buôn Ma Thuột) là người đã có thâm niên hơn 5 năm đi hái và bán lan rừng, giới thiệu tường tận các loại lan mà anh đem bán. Anh Basimon cho biết, thường người đi lấy lan rừng tập trung thành 1 nhóm, cùng đem theo cơm nắm, khoai, sắn… làm lương thực đi đường; mang theo một số dụng cụ như dao, liềm, cưa tay. Mỗi chuyến đi thường mất khoảng 3 đến 5 ngày và khu vực được người lấy lan ưa thích là các khu rừng sâu ở các huyện xa như: Ea Súp, Krông Bông…

“Giờ lan rừng cũng hiếm dần, không nhiều như trước nên muốn lấy được lan càng hiếm thì phải vào tận rừng càng sâu, nơi đó mới có lan đẹp. Lan thường tập trung ở trên các cây cổ thụ rất cao, nên chúng tôi phân công người trẻ trèo lên để lấy và bẻ các cành cây có lan mọc trên đó”, anh Basimon kể.

Anh còn cho biết, mỗi lần đi lấy được khoảng 3, 4 kg lan, anh chia nhỏ ra để bán theo nhánh với giá từ vài chục ngàn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng/cây. Có loại theo chùm lớn anh bán theo ký giá từ 300 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày ra chợ bán lẻ lan rừng, anh có thu nhập từ 300 – 500 nghìn đồng. Số tiền không nhỏ này đã giúp kinh tế gia đình anh đỡ vất vả so với chỉ làm rẫy nương.

Khi được hỏi về việc lấy lan rừng ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài hoa này trong tự nhiên, anh Basimon lắc đầu và thật thà trả lời: “Mình mà không đi hái thì người khác cũng hái hết thôi, nên thấy có tiền là tôi lại đi hái…”.

Cũng có thâm niên nhiều năm đi lấy lan rừng, chị H’Trang Êban (25 tuổi, ngụ xã Cư Ê bua) phấn khởi cho biết, lan rừng bán rất chạy, chưa có ngày nào chị bán ế, đặc biệt trong dịp lễ, tết khách đến hỏi mua lan lại ngày một tăng lên.

Chia sẻ về loại lan khách chơi lan thích nhất, chị H’Trang cho biết đó là loại lan Nghinh xuân, lan Phi điệp, Trầm… các loại này quý nở hoa rất đẹp nên giá cả cũng cao hơn các loại khác.

Việc đi lấy lan rừng không phải lúc nào cũng gặp suôn sẻ, những người bán lan nơi đây vẫn nhớ trường hợp bị tai nạn lúc hái lan của anh Ama Miu (27 tuổi, buôn Ea Bông, xã Cư Êbua ), khi anh đang cố trèo lên 1 cây cổ thụ ở độ cao trên 10m cố gắng cưa cành lan rất đẹp ở trên đó. Không may anh dẫm phải cành khô, ngã xuống bất tỉnh. Anh Ama Miu may mắn giữ được tính mạng nhưng phải nằm viện hơn nửa năm.

Lan rừng ngày càng cạn kiệt

Việc bán lan rừng sẽ không rầm rộ nếu không có đông đảo người đến mua, thú chơi lan rừng ngày càng gia tăng nên tại nơi bán lan rừng lúc nào cũng không ngớt người mua và lùng các loại lan rừng hiếm.

Nhiều khách mua lan cho biết, các loại lan rừng được ưa chuộng bởi đặc trưng hiếm và hoa của các loại lan nở rất đẹp, có mùi hương đặc trưng mà các loại lan thường không thể sánh được.

Nhiều loại lan quý được bày bán tràn lan ở vỉa hè
Nhiều loại lan quý được bày bán tràn lan ở vỉa hè

Anh Lê Năng Hảo (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) là khách hàng thân thuộc của nhiều người đi lấy lan rừng, cho biết: Trồng lan rừng không khó, nếu mua lan rời thì chỉ cần mua chậu đất bỏ than và vỏ dừa khô rồi cho lan vào trồng, chăm sóc bình thường lan sẽ sống. Còn đối với các giò lan hiếm, mọc sẵn trên các cành cây thì để nguyên cả cành về treo lên vừa làm cảnh vừa thưởng thức.

“Chơi lan rừng khiến tôi bị “nghiện” vì những nét đặc trưng không thể thiếu của hoa này, cứ có loài nào mới được bán là tôi mua ngay, người bán hoa ở đây cũng rất sành về hoa, họ còn cho chúng tôi xem cả ảnh lúc các loài hoa này lúc nở đẹp thế nào để dễ bán”, anh Hảo chia sẻ.

Một số khách hàng còn thích mua lan rừng làm quà tặng những người thân ở các tỉnh xa. Anh Hoàng Văn Nam (ngụ huyện Buôn Đôn) cho biết, anh thường mua hoa lan rừng để tặng cho họ hàng mình: “biết ở Đắk Lắk mình có nhiều lan rừng hiếm, nên tôi thường mua gửi vào Sài Gòn, Bình Dương cho họ hàng mình, họ thích lắm vì giống này ở dưới đó không ai bán lan rừng mà giá cả lại phải chăng như ở đây”.

Những khóm lan rừng đẹp của núi rừng có nguy cơ biến mất vĩnh viễn
Những khóm lan rừng đẹp của núi rừng có nguy cơ biến mất vĩnh viễn

Thú chơi lan rừng gia tăng dẫn đến lượng người đi lấy lan rừng ngày nhiều, việc cả khách mua hàng lẫn người bán không ý thức được hành vi của mình trực tiếp ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên khiến các loại lan rừng đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ", nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.

Ông Y Sy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk - cho biết, việc người dân lấy lan rừng là vi phạm pháp luật, hiện một số loại lan rừng đang có nguy cơ tuyệt chủng do người dân đi lấy lan tràn lan.

“Hiện Chi cục Kiểm lâm đã và đang chỉ đạo các chủ rừng và Hạt kiểm lâm tích cực công tác tuần tra, bảo vệ ngăn chặn mọi hành vi đi lấy lan rừng của người dân, nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên trước sự xâm hại của con người”, ông Y Sy nhấn mạnh.

Trương Nguyễn