Lặn lội đi thăm “kho vàng” ngoài ruộng

(Dân trí) - Trải qua hai chặng bay Hà Nội – TPHCM và TPHCM – Manila (Philippines), thêm 3 giờ ngồi xe từ Manila tới Los Banos, chúng tôi đặt chân tới Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), nơi đang nghiên cứu và phát triển gạo vàng – giống gạo nổi tiếng toàn thế giới.

Hạt gạo nhỏ, ý nghĩa lớn 

IRRI là một tổ chức độc lập phi lợi nhuận, thông qua việc nghiên cứu lúa nhằm góp phần giảm nạn đói trên toàn cầu, nâng cao sức khỏe cho người trồng lúa và người tiêu thụ gạo, đồng thời đảm bảo việc sản xuất lúa gạo có tính bền vững với môi trường. 

Khu văn phòng và hệ thống phòng thí nghiệm của IRRI nằm hài hòa giữa một vùng rộng lớn, bao quanh bởi những cánh đồng lúa mở cũng như những khu trồng lúa thí nghiệm trong nhà kính. Chúng tôi được các chuyên gia dẫn tới một thửa ruộng nhỏ có mái che và rào kín xung quanh. Đây là nơi IRRI đang trồng thử nghiệm giống gạo vàng “trứ danh”. 

Gạo vàng (golden rice) do GS. Ingo Potrykus, lúc đó thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ, và GS. Peter Beyer thuộc Đại học Freiburg, Đức, bắt đầu phát triển từ năm 1984, với mục tiêu bổ sung vào hạt gạo chất beta-carotene, vốn có tác dụng chuyển hóa thành vitamin A khi hấp thụ vào cơ thể. Thiếu vitamin A là một vấn nạn lớn trên toàn cầu, bởi nó ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của trẻ em và mỗi năm khiến khoảng 2 triệu người thiệt mạng. Thiếu vitamin A cũng là nguyên nhân chính gây mù lòa ở các nước chậm phát triển, nơi nguồn lương thực chủ yếu là gạo, mà các loại gạo hiện nay đều không chứa vitamin A. 

Lặn lội đi thăm “kho vàng” ngoài ruộng
Chuyên gia của IRRI giới thiệu với chúng tôi những hạt gạo vàng đầu tiên sau khi hoàn tất các công đoạn nghiên cứu và thử nghiệm (Ảnh: T.A)

Ý tưởng về loại gạo cung cấp vitamin A được nhiều tổ chức và cá nhân hưởng ứng, bởi phần đông người nghèo khó có cơ hội tiếp nhận vitamin A từ các nguồn thực phẩm khác ngoài gạo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn và phải mãi tới năm 1999, các nhà khoa học mới đạt được thành công bước đầu trong việc tạo ra gạo vàng. Sở dĩ có tên gọi này đơn giản bởi hạt gạo có màu vàng thay vì màu trắng truyền thống. Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật biến đổi gene để cấy vào hạt gạo các gene từ cây ngô (bắp) và một loại vi sinh vật có trong đất, để sinh ra chất beta-carotene, chính là thứ “nhuộm vàng” hạt gạo một cách tự nhiên. 

Nhưng lượng beta-carotene có trong hạt gạo vàng ra đời năm 1999 là quá ít, sẽ bị hao hụt gần hết trong quá trình người dùng chế biến thành cơm. Vậy là phải mất 6 năm nữa để các nhà khoa học khác tiếp nối nghiên cứu và tạo ra loại gạo vàng chứa đủ beta-carotene để cung cấp lượng vitamin cần thiết cho người dùng. 

Từ năm 2005 tới nay, Mạng lưới Gạo vàng gồm nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới, do IRRI điều phối, đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm để kiểm tra các yếu tố dinh dưỡng và an toàn của gạo vàng. Tiếp chúng tôi tại IRRI, TS. Gerard Barry, trưởng nhóm nghiên cứu gạo vàng của IRRI, cho biết việc nghiên cứu, thử nghiệm cơ bản đã hoàn tất, và IRRI đã nộp đầy đủ hồ sơ cần thiết tới Bộ Nông nghiệp Philippines để xin cấp phép. Giới quan sát kỳ vọng gạo vàng sẽ được phép thương mại hóa từ năm 2014 hoặc 2015, và bắt đầu đến tay những người trồng lúa trên khắp Philippines. 
TS. Gerard Barry chia sẻ về quá  trình nghiên cứu gạo vàng (Ảnh: T.A)
TS. Gerard Barry chia sẻ về quá  trình nghiên cứu gạo vàng (Ảnh: T.A) 

Các chuyên viên của IRRI cho chúng tôi xem tận mắt những hạt gạo vàng đầu tiên, thành quả gần 30 năm lao động của hàng ngàn con người tâm huyết trên toàn thế  giới. Chỉ là những hạt gạo nhỏ bé, nhưng ý nghĩa thì thật lớn khi chúng đã được hoàn thiện về nghiên cứu, chỉ chờ được đến với những đồng lúa thực sự và sau đó là xuất hiện trong bát cơm của hàng triệu người.

Năm 2000, tờ Time của Mỹ đã có bài viết dự báo gạo vàng sẽ cứu mạng 1 triệu trẻ em mỗi năm. Từ đó tới nay, gạo vàng luôn được giới truyền thông theo dõi và phản ánh sát sao, bởi vai trò đặc biệt của nó. Ngoài giá trị dinh dưỡng, gạo vàng còn được chú ý bởi nó được coi như loại cây trồng chuyển gene (GMO) đầu tiên, nhưng cho đến nay là loại cây trồng GMO mất nhiều thời gian phát triển nhất. 

Chuyển gene cũng chỉ là một loại công nghệ 

Trong 30 năm qua, từ khi ý tưởng về gạo vàng được hình thành, công nghệ GMO đã có nhiều bước tiến quan trọng; nhiều loại cây trồng mới  đã được tạo ra và sản xuất rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới. 

Chính phủ các nước luôn có cách tiếp cận hết sức thận trọng đối với mọi loại sản phẩm GMO và đó là điều rất tốt nhằm đảm bảo sự an toàn cho người nông dân, người tiêu dùng cũng như môi trường chung. Qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, kiểm tra nghiêm ngặt, tới nay các loại cây trồng GMO như ngô, đậu tương, đu đủ, bông… đã được trồng tại 28 quốc gia trên thế giới, với tổng diện tích khoảng hơn 170 triệu ha. Trong đó, dẫn đầu là những nước như Mỹ, Brazil, Argentina, Canada, Trung Quốc, Australia và Philippines. 

Đi cùng với chúng tôi, ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tỉnh Vĩnh Phúc, tỏ ra hào hứng khi được tận mắt chứng kiến những loại cây trồng GMO đang được phát triển tại Philippines. Sau khi tạm biệt những hạt gạo vàng ở IRRI, chúng tôi đến với những “kho vàng” khác, chính là những cánh đồng ngô bạt ngàn ở tỉnh Tarlac, cho năng suất cao và nâng cao đáng kể đời sống cho người nông dân.
 
TS. Gerard Barry chia sẻ về quá  trình nghiên cứu gạo vàng (Ảnh: T.A)
 Ông Lê Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Tỉnh Vĩnh Phúc, tìm hiểu các giống ngô GMO tại Tarlac, Philippines. (Ảnh: T.A)

Với con mắt “ngoại đạo” của người viết thì những ruộng ngô này không có gì đặc biệt. Nhưng ông Dũng đã kéo tôi vào, say sưa chỉ trỏ, giảng giải về sự độc đáo của những cây ngô này. Tôi thấy quả thật, trên các thân cây và các bắp, không hề có bóng dáng của bất cứ loại sâu nào, cũng không có dấu vết sâu đục. Hơn nữa, theo ông Dũng, các cây ngô ở đây được trồng rất sát nhau, bởi chúng có sức khỏe tốt hơn các loại ngô thông thường. 

Ông Jerson Madriaga, 37 tuổi, chủ một cánh đồng ngô  tại đây cho biết ông bắt đầu trồng ngô từ cách đây 15 năm, và giống ngô lai ngày đó cho ông năng suất chỉ 4,1 tấn/ha. Từ năm 2007, ông bắt đầu chuyển sang trồng ngô GMO loại DEKALB 818RRC2YG và tăng năng suất được lên 8 tấn/ha. Từ năm 2012, ông nâng cấp lên một loại ngô GMO mới là DEKALB 9132YG2/RRC2, và tăng tiếp được lên 11 tấn/ha. 

Không chỉ tăng năng suất, các giống ngô mới này còn có khả năng chống chịu các loại sâu bệnh, vì vậy người nông dân vừa tiết kiệm  được chi phí mua thuốc trừ sâu và nhân công phun thuốc, vừa nâng cao an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như người và gia súc tiêu thụ ngô, do không phải tiếp xúc với thuốc hóa học. Người trồng chỉ cần sử dụng thuốc diệt cỏ để đảm bảo cỏ dại không phá hoại cây trồng, nhưng việc này cũng trở nên thuận tiện và an toàn hơn nhiều do ngô GMO đã được bổ sung khả năng “miễn nhiễm” với tác dụng của thuốc diệt cỏ. 

Ông Lê Văn Dũng nhận định, việc sử dụng công nghệ sinh học để bổ sung những tính năng có lợi như trên cho cây trồng là việc bình thường, chưa kể là hết sức tiên tiến và đáng làm. “Con người từ hàng ngàn năm qua đã luôn tìm tòi những cách mới để tăng hiệu quả cho cây trồng, vì vậy công nghệ sinh học (cách gọi khác của công nghệ chuyển gene) cũng chỉ là một loại công nghệ mới đáng được nghiên cứu, đánh giá kỹ càng và áp dụng rộng rãi”, ông nói. 

Tất nhiên, hiện tại vẫn còn tồn tại nhiều luồng ý kiến trên thế giới xoay quanh công nghệ  GMO, trong đó có cả những kỳ vọng, đánh giá cao về ích lợi của nó lẫn lo ngại về những tác động có thể có. Theo TS. Sony Suharsono, thuộc Đại học Nông nghiệp Bogor (Indonesia), việc tìm hiểu cụ thể, rõ ràng về những yếu tố này thuộc trách nhiệm của các nhà khoa học, và chính quyền các nước cần có thông tin rõ ràng, minh bạch về các vấn đề liên quan để người dân hiểu đúng bản chất vấn đề. 
 

Ngoài các tính năng giúp chống chịu sâu bệnh và tăng năng suất, các giống cây trồng GMO còn được cấy gene giúp chống chọi tốt hơn trước những khắc nghiệt của khí hậu, tùy theo từng vùng mà nó được trồng. Ví dụ, ngay với gạo vàng, theo TS. Gerard Barry, bên cạnh khả năng tăng cường vitamin A, IRRI đã tạo ra loại gạo vàng chịu được lũ lụt, hiện đang thử nghiệm loại gạo chịu được ngập mặn, và trong tương lai sẽ nghiên cứu tiếp các loại gạo vàng chịu được nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Tuấn Anh