1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Lần đầu vi phạm giao thông, nên phạt 20% giá trị xe”

(Dân trí) - Cần đặt camera tại một số trọng điểm thường xảy ra tai nạn giao thông và vi phạm trật tự giao thông để làm cơ sở xử lí. Nâng mức xử phạt người vi phạm lần 1 lên 20% giá trị xe, lần 2 lên 35%...

Đây là ý kiến của ông Phạm Minh Tuyên, Trưởng đoàn công tác đại biểu của Thường vụ Quốc hội. Ý kiến này được đưa ra trong buổi thảo luận sáng nay 15/10, xung quanh báo cáo về việc thi hành luật pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...

Cứ hở đất là xây chung cư, văn phòng cho thuê

Theo ông Tuyên, một thực trạng rất đáng lo ngại hiện nay là tại các thành phố lớn, cứ “hở đất” là cho xây dựng chung cư, văn phòng cho thuê. Các toà nhà này hút vào mấy trăm người, trong khi cơ sở hạ tầng không được tăng thêm. Đây chính là một nguyên nhân gây nên sự quá tải của giao thông trong các thành phố.

Trưởng đoàn công tác đại biểu còn cho cho rằng, lâu nay rất nhiều cuộc họp thường trút vấn đề lên ngành cảnh sát, giao thông nhưng gốc của vấn đề là qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với giao thông. Theo ông, đối với các đô thị mới ra đời, cần phải có tỉ lệ cây xanh, đường sá, mật độ các nhà cao tầng hợp lí.

Về xử phạt, mức phạt hiện tại là thấp và nhiều người quen công an thì vẫn có thể xin nên ông Tuyên cho rằng, cần phải có phương pháp khác. Cần đặt camera tại một số trọng điểm thường xảy ra tai nạn, vi phạm về trật tự giao thông. Về mức phạt ông Tuyên cho rằng phải nâng lên cao hơn, thậm chí với vi phạm lần 1 có thể phạt 20% giá trị của xe, lần 2 có thể lên 35% giá trị của xe.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đào Trọng Thi cho rằng, chúng ta đề cao sự thuận tiện của cá nhân trong giao thông mà không để ý tới hiệu quả chung. Việc điều hành, điều phối của các cơ quan quản lí vẫn bị động nên đã làm khó chung cho cả cộng đồng.

Thay việc giữ xe bằng giữ biển số, giấy tờ

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nhiều đoạn đường vừa khánh thành, đường rộng, đẹp lại là những nơi xảy ra nhiều tai nạn giao thông hơn những nơi đường hẹp.

Ông Lưu nhấn mạnh, những bất cập trong giao thông hiện tại gây hậu quả rất lớn về kinh tế. Riêng TPHCM theo tính toán, mỗi năm ùn tắc giao thông gây thiệt hại hơn chục ngàn tỉ đồng...

Ông cũng cho rằng, chúng ta chưa có sự qui hoạch đồng bộ giữa kinh tế - xã hội với giao thông. Nhiều bệnh viện, trường đại học, khu công nghiệp mới vẫn được xây dựng trong các thành phố lớn. Trong đó có cả những khu công nghiệp sử dụng hàng chục ngàn lao động phổ thông...

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tỏ ra “băn khoăn” khi nhu cầu để phát triển hạ tầng lớn, nhưng trong dự toán ngân sách năm 2008, khoản ngân sách dành cho lĩnh vực này lại giảm hơn so với 2006, 2007.

Về xử phạt, ông Lưu cho rằng chế tài xử phạt vẫn chưa nghiêm và cần phải mạnh hơn: “Đánh vào kinh tế sẽ tăng thêm ý thức của công dân và người quản lí”.

Bảo quản ô tô, xe máy vi phạm theo Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đang là vấn đề “nóng” do việc hư hại của các phương tiện bị thu giữ trong điều kiện khí hậu của ta mà đó cũng là tài sản của xã hội. Ông Lưu đề xuất thay việc thu giữ xe bằng việc giữ biển số, giấy tờ của người vi phạm.

Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Phú Trọng gợi ý theo hướng gửi báo cáo về việc thi hành pháp luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tới các đại biểu Quốc hội. Thêm nữa, nâng tầm giám sát vấn đề này từ Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội lên thành vấn đề giám sát của Thường vụ Quốc hội.

Mạnh Cường