Lần đầu tiên đương kim Thủ tướng được giới thiệu để bầu Chủ tịch nước
(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội xác nhận thông tin này tại cuộc họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp 11 của Quốc hội khóa XIV. Quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp này có sự thay đổi do tình huống này.
Cụ thể, chủ trì cuộc họp báo sáng 23/3/2021, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi báo giới nêu ra về việc Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã phát biểu tại phiên họp thứ 54 vừa qua của UB Thường vụ Quốc hội. Khi đó, bà Thúy Anh nói UB Thường vụ Quốc hội sẽ giới thiệu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bầu làm Chủ tịch nước.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên Quốc hội bầu một đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước.
Việc này sẽ tạo nên một số thay đổi trong quy trình công tác nhân sự tại kỳ họp 11. Cụ thể, theo thông lệ, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, sau đó tiến hành bầu Chủ tịch Quốc hội mới. Chủ tịch nước là chức danh lãnh đạo chủ chốt tiếp theo được miễn nhiệm, rồi tới Thủ tướng Chính phủ.
Khi bộ máy UB Thường vụ Quốc hội được kiện toàn, đây sẽ là cơ quan trình, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước mới. Sau đó, Chủ tịch nước mới là người có thẩm quyền trình, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng.
Nếu theo quy trình này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ được bầu vào vị trí Chủ tịch nước mới trước khi được miễn nhiệm chức vụ người đứng đầu Chính phủ.
"Vì việc này, khi thực hiện quy trình miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Quốc hội thì chưa nên miễn nhiệm Chủ tịch nước đương nhiệm và bầu nhân sự mới vì theo quy định, Chủ tịch nước chính là người trình, giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, có thể dẫn tới trường hợp tân Chủ tịch nước phải miễn nhiệm chức danh Thủ tướng của chính mình" - Tổng thư ký Quốc hội nói.
Ông Phúc khẳng định, đó là vấn đề kỹ thuật và việc này đã được lưu ý để bố trí chương trình công tác nhân sự cho phù hợp.
Trao đổi thêm, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, kỳ họp 11, Quốc hội dự kiến dành 7 ngày cho công tác nhân sự (chiếm phần lớn thời gian của kỳ họp - PV), dù là thực hiện các quy trình cố định thì đó đã là quy định của pháp luật, không thể thêm bớt được. Theo đó, trước khi bầu mỗi nhân sự mới, Quốc hội phải thực hiện quy trình bỏ phiếu miễn nhiệm người đang đảm nhiệm chức danh hiện tại. Mỗi lần bỏ phiếu đều phải qua khâu thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội, báo cáo kết quả trước Quốc hội… rồi mới tiến hành bỏ phiếu.
Ngoài ra, như phân tích ở trên, mỗi chức danh phải được miễn nhiệm và bầu mới tuần tự theo quy trình nhân sự, cơ quan nào có thẩm quyền giới thiệu nhân sự mới ở cơ quan tiếp theo. Với những quy định chặt chẽ, bài bản đó, thời lượng dành cho công tác nhân sự khó có thể rút ngắn.
Vấn đề đặt ra, mỗi chức danh chủ chốt dự kiến được kiện toàn có bao nhiêu hồ sơ đề cử, Tổng Thư ký Quốc hội giải thích, thời điểm hiện tại khó có câu trả lời cho việc này vì việc chuẩn bị nhân sự phụ thuộc vào nhiều cơ quan, không chỉ Quốc hội. Ví dụ, các chức danh lãnh đạo tại Chính phủ, theo thẩm quyền là do Thủ tướng trình, Quốc hội chỉ phê chuẩn. Lúc này, Thủ tướng Chính phủ mới chưa có nên cũng không thể có danh sách nhân sự được giới thiệu cho các chức danh thuộc cơ quan này.
Đi vào cụ thể với vị trí Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ mới, Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, nhân sự bầu các chức danh này được trình theo thủ tục, nguyên tắc rất chặt chẽ. Ngoài ra, theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, các nhân sự dự kiến đều được trình xin ý kiến cơ quan lãnh đạo Đảng nên cũng chưa có thông tin cụ thể.
Ông Tuấn anh nói, khi Quốc hội tiến hành làm nhân sự, nếu có ứng viên nào tự ứng cử thêm ở vị trí các chức danh này thì Quốc hội sẽ xem xét.