Hà Tĩnh:
Làm thủy điện hay phá rừng?
(Dân trí) - Trong khi công trình thuỷ điện Hương Sơn, dự tính cuối năm nay sẽ hoà cùng lưới điện quốc gia, còn đang ngổn ngang, dang dở, thì huyện Hương Sơn lại đón nhận thêm hai dự án thuỷ điện mới là Rào Àn I và II. Công trình này được duyệt nằm trên những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn biên giới.
Rừng nguyên sinh bị khai tử
Theo tính toán của một số cán bộ UBND xã Sơn Kim 1, dự án làm thuỷ điện Hương Sơn đã khai tử hàng trăm ha rừng nguyên sinh đầu nguồn của xã, làm ảnh hưởng rất xấu về môi trường. Theo đúng hồ sơ thiết kế thì vì công trình này, 150 ha rừng nguyên sinh phải “đội nón” ra đi.
Trên thực tế, công trình thuỷ điện Hương Sơn dù mới hoàn thành khoảng ½ số lượng công việc nhưng đã “ngốn” gần 300ha rừng nguyên sinh đầu nguồn của xã. Chính quyền xã nhìn gần 150ha không nằm trong quy hoạch bị khai tử mà buốt ruột.
Câu chuyện thuỷ điện Hương Sơn chưa hết, địa phương này lại nhận thêm thông tin tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện hai dự án thuỷ điện Rào Àn I, II ngay trên đầu nguồn rừng nguyên sinh. Cả hai công trình sẽ được xây dựng trên suối Rào Àn, thuộc địa bàn xã Sơn Kim 1 và 2, với tổng diện tích là khoảng 70ha.
Các nhà đầu tư, các sở, ban, nghành liên quan đã ngồi lại tham khảo ý kiến đánh giá các tác động về môi trường khi dự án thực thi. Rất nhiều ý kiến được đưa ra. Trước hết, đại đa số cán bộ chủ chốt cho rằng rừng nằm ở khu vực suối Rào Àn có vai trò phòng hộ hết sức xung yếu; là khu vực rừng nguyên sinh tích nước và giữ nước rất tốt, với nhiều động vật, thảm thực vật dày…
Ông Trần Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã - nhấn mạnh: 100 ha rừng vùng đệm chỉ có giá trị bằng khoảng 1ha rừng nguyên sinh. Nếu dự án làm thuỷ điện Rào Àn được thực thi, tất yếu hàng trăm ha rừng nguyên sinh sẽ khai tử; kéo theo đó là dòng chảy của hệ thống sông suối bị thay đổi, sông Ngàn Phố có thể sẽ cạn dần,…
Ngoài ra, khi công trình bắt đầu khởi công sẽ phải mở thêm một con đường dài khoảng 15km để đưa vật liệu xây dựng vào. Việc mở đường có thể gây sạt lở đất và xói mòn.
Chính quyền và nhân dân cùng phản đối
Ông Trần Quốc Việt cho biết thêm: Tại cuộc hội nghị ông đã đưa ra bản Tổng hợp ý kiến cử tri và kiến nghị của Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Kim I có liên quan đến việc xây dựng các nhà máy. Đa số nhân dân, cán bộ chính quyền đều hết sức lo lắng, không đồng thuận trong việc xây dựng hai nhà máy này.
Người dân lấy dự án thủy điện Hương Sơn ra làm minh chứng: Đang thi công dở dang, diện tích rừng bị khai tử gấp đôi so với dự đoán; hàng trăm ngàn mét khối đất đá mở đường đã “nhấn chìm” rừng, khe ngòi, sông suối…
100% người dân khi được hỏi đã phản đối kịch liệt công trình thủy điện Rào Àn. Một số cán bộ của trung tâm nghiên cứu sinh thái vùng cao đóng tại địa bàn xóm 9 xã Sơn Kim, Hương Sơn cho rằng: Khu vực suối Rào Àn có trên 10.000ha rừng nguyên sinh còn sót lại và đã được đưa vào vùng rừng phòng hộ đầu nguồn.
UBND tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng nơi đây trở thành khu sinh quyển ngoài trời để phục vụ cho nghiên cứu, vì vậy cần phải được bảo vệ. Bên cạnh đó họ còn cho rằng kết cấu đất nơi đây kém về độ liên kết; nếu không may hồ thủy điện vỡ thì chính họ sẽ là nạn nhân.
Nguyễn Duy