Làm thế nào để giải bài toán "được mùa mất giá"?
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giải bài toán nông sản "được mùa mất giá" phải giải quyết được những bất cập từ khâu thương mại, chế biến.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giải bài toán nông sản "được mùa mất giá" phải giải quyết được những bất cập từ khâu thương mại, chế biến. Ông giải thích, vì nền kinh tế thị trường rất khó dự báo giá cả nên phải làm tốt khâu chế biến mới dập được câu chuyện được mùa mất giá.
Ngày 21/2 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp do Thủ tướng chủ trì, ông Cường đã chỉ ra hạn chế trong khâu chế biến: Sản phẩm chế biến chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp (chiếm 70-85%); sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15-30% (thủy sản khoảng30%, các loại nông sản khác khoảng 10-20%, sản phẩm bao gói nhỏ cung cấp cho bán lẻ chỉ chiếm khoảng 10%).
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thương mại, Bộ Công thương cho rằng, Bộ trưởng Cường đang nhìn vào điểm yếu nhất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Nam, vấn đề cốt lõi của ngành nông nghiệp Việt Nam chính là khâu tổ chức sản xuất.
Theo ông Nam, khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được với nền kinh tế hiện trường hiện nay.
"Trước đây chúng ta làm nông nghiệp là để tự cung tự cấp, làm để đủ ăn. Giai đoạn hiện nay mới chuyển sang sản xuất hàng hóa để bán ra thị trường, nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ" - ông Nam cho biết.
Nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã thực hiện các chính sách cải cách trong sản xuất nông sản như dồn điền đổi thửa, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, cho doanh nghiệp làm nông nghiệp thuê đất, tổ chức hợp tác xã... nhưng đến nay nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún.
Ông Nam cho rằng cách giao đất cho nông dân theo kiểu bình quân manh mún đã không còn phù hợp, không khuyến khích được sản xuất lớn. Vì thế, quy định trên phải thay đổi, từ chỗ thay đổi quy định về giao đất đai sẽ hình thành lên các ông chủ kinh doanh ruộng đất như hợp tác xã, các doanh nghiệp lớn đầu tư bài bản, khoa học, ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp.
"Giao đất theo kiểu mỗi nhà được vài mảnh ruộng và quan niệm người cày có ruộng đã không còn phù hợp nữa. Nếu tập thể, cá nhân nào giỏi thì giao đất cho họ nhiều hơn để họ tổ chức sản xuất. Giao đất ở đây là để họ được sử dụng đất nhiều hơn chứ không phải sở hữu đất. Doanh nghiệp, hợp tác xã có thể thuê đất của người dân để tập hợp lại sản xuất trên quy mô lớn. Người nông dân hàng tháng, hàng năm vẫn nhận được tiền thuê ruộng đất và nếu muốn có thể làm thuê tại đó để tăng thêm thu nhập" - ông Nam phân tích.
Ông Nam đánh giá, người nông dân Việt Nam rất chịu khó làm, nếu thấy cái gì làm được là "ào ào làm theo", nhưng người nông dân không thể tự đi dự báo thị trường và làm theo chuỗi được.
Việc dự báo thị trường, tham gia vào chuỗi sản xuất khép kín phải là những tập đoàn, những doanh nghiệp lớn có trình độ chuyên môn kỹ thuật tốt, có tiềm lực tài chính vững mạnh, có tiềm năng phát triển thị trường...
Để giải quyết các bất cập trên, theo ông Nam cần thay đổi 3 vấn đề, đó là: Tư duy về sản xuất nông nghiệp phải thay đổi, chính sách về đầu tư cho nông nghiệp cũng thay đổi và tổ chức sản xuất phải thay đổi.
Ông Nam phân tích, về mặt tư duy, trước đây các hợp tác xã (HTX) trong nông nghiệp hình thành chủ yếu là để hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các xã viên làm để tự cung tự cấp; còn HTX hiện nay đang theo mô hình hợp tác để kinh doanh, nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả.
Về chính sách, nhà nước cần cải cách trong khâu giao đất, có thể giao cho HTX, doanh nghiệp nhiều ruộng đất hơn để họ tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị được hiệu quả hơn..
Khi doanh nghiệp, HTX kinh doanh đầu tư vào nông nghiệp thì khâu tổ chức sản xuất sẽ phải thay đổi, không còn sản xuất manh mún, từ đó tạo ra những sản phẩm có chất lượng trên quy mô lớn hơn.
Bên cạnh đó, ngành công thương phải có trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy áp dụng công nghệ hóa, thị trường hóa, tức là phải tổ chức lại từ đầu vào cho tới đầu ra bài bản, chuyên nghiệp thì mới mong cải thiện được tình hình thực tế hiện nay.
Thế mạnh, chức năng chính của ngành nông nghiệp là tổ chức sản xuất cho tốt, thật quy mô, bài bản. Còn trách nhiệm của ngành công thương là đưa công nghệ vào sản xuất, tổ chức lại thị trường, khi đầu vào bài bản, đầu ra được bảo đảm thì sẽ giải quyết được tình trạng "được mùa mất giá".
"Tôi thấy Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là sâu sát tình hình, ở đâu có cái gì hay là ông ấy về thăm để động viên, nhân rộng. Ông Cường cũng bắt đầu thúc đẩy để kết nối, lập chuỗi giá trị sản xuất, rồi gắn doanh nghiệp đưa về với nông thôn" - ông Nam đánh giá.
Nguyễn Dương