1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Lâm tặc bủa vây khu bảo tồn

Nếu như phía Bắc và Đông của Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Đắk Lắk) đang nóng bỏng việc khai thác trái phép gỗ thì phía Tây của khu bảo tồn này lại đối mặt với tình trạng ồ ạt săn bắt thú.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô (huyện Ea Kar - Đắk Lắk) là nơi có nhiều loài động, thực vật quý hiếm như bò tót, bò rừng, cây hương, căm xe… Tuy nhiên, gần đây, lâm tặc đã “băm nát” những khu rừng quanh khu bảo tồn và đang lấn sâu vào những khu vực phải bảo vệ nghiêm ngặt.

 

“Rừng vô chủ”

 

Từ Trạm Kiểm lâm số 5, đoàn 8 người chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình xuyên Khu BTTN Ea Sô. Sau hơn 4 giờ băng rừng, lội suối, chúng tôi đến cột mốc số 20, cạnh dòng sông Krông H’năng. Đây là nơi đánh dấu ranh giới giữa Khu BTTN Ea Sô với khu rừng thuộc địa giới hành chính của huyện Krông Pa - Gia Lai và Sông Hinh - Phú Yên. Khu rừng này có diện tích hàng chục ngàn hecta.

 

Lâm tặc bủa vây khu bảo tồn - 1

Một lâm tặc bị bắt giữ khi vừa săn bắt thú rừng trái phép ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

 

Vừa đặt chân đến khu rừng này, đoàn chúng tôi bắt gặp nhóm lâm tặc đang dùng rìu đốn hạ một cây gỗ hương. Các kiểm lâm viên nhanh chóng bao vây, tịch thu tang vật và lấy lời khai. Lâm tặc tên Ksor Tương (SN 1991, trú huyện Krông Pa), cho biết trong thôn có hơn một nửa số hộ đi làm gỗ lậu. Mỗi ký gỗ hương bán tại bến sông có giá từ 4.500-6.000 đồng.

 

Chúng tôi thắc mắc khu rừng này do ai quản lý? Thật bất ngờ, các kiểm lâm viên, trong đó có một trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5 và một đội phó Đội Cơ động của Khu BTTN Ea Sô, đều trả lời là không biết. Ông Phan Văn Quang, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5, phân trần: “Do có quy chế phối hợp giữa Khu BTTN Ea Sô với các hạt kiểm lâm lân cận nên chúng tôi mới được phép tuần tra ở khu vực này. Chúng tôi thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhưng chưa bao giờ gặp lực lượng kiểm lâm từ phía Gia Lai nên không biết rừng này do ai quản lý”.

 

Chúng tôi mở máy định vị để xác định vị trí. Khu vực này thuộc tọa độ: X 0519341, Y 1437426, chỉ cách ranh giới của Khu BTTN Ea Sô chừng vài trăm mét. Ở đây, hàng trăm cây gỗ quý như hương, căm xe, cà chít… bị đốn hạ ngổn ngang.

 

Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình theo hướng Tây Bắc, sau hơn 2 giờ đi bộ, chúng tôi có mặt tại vị trí có toạ độ: X 0517229, Y 1438758. Một khung cảnh hoang tàn mở ra trước mắt, hàng ngàn cây gỗ quý hiếm như hương, cà te, căm xe… bị đốn hạ. Ông Quang kể: “Trước đây, khu rừng này có rất nhiều gỗ quý hiếm. Từ đầu năm 2011 tới nay, lâm tặc đã ào ạt mở công trường khai thác gỗ, các loài thú cũng không còn. Anh em chúng tôi gọi khu vực này là nghĩa địa gỗ hương”.

 

Lực lượng bảo vệ bị chống trả quyết liệt

 

Nếu như phía Bắc và Đông của Khu BTTN Ea Sô đang nóng bỏng việc khai thác trái phép gỗ thì phía Tây lại đối mặt với tình trạng săn bắt thú. Hiện nay, tình hình săn bắn động vật trên lâm phần Khu BTTN Ea Sô diễn ra rất phức tạp. Chỉ tính riêng xã Ea Đăh và Ea Púk (huyện Krông Năng - Đắk Lắk) đã có hàng trăm thợ săn thú. Trong năm nay, Hạt Kiểm lâm  Khu BTTN Ea Sô đã bắt quả tang hàng chục vụ xâm nhập khu bảo tồn để săn bắn động vật hoang dã.

 

Ngày 26/4, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô tuần tra tại Tiểu khu 632, phát hiện 2 người mang một khẩu súng trường K44 để săn bắn động vật trái phép liền bắt giữ và bàn giao cho cơ quan công an để xử lý.

 

Khi bị phát hiện, những kẻ săn thú trái phép sẵn sàng chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng để thoát thân. Cuối năm 2010, Phạm Văn Ngân (SN 1958, trú huyện Ea Kar - Đắk Lắk) cùng con trai là Phạm Văn Đạt (SN 1989) mang 2 khẩu súng vào Tiểu khu 628 để săn thú. Bị đuổi theo, Ngân đã quay lại dùng súng bắn vào lực lượng kiểm lâm khiến kiểm lâm viên Hoàng Văn Nam bị thương.

 

Trước đó, 4 nhân viên của Trạm Kiểm lâm số 2 phát hiện 3 người trú xã Ea Đăh, huyện Krông Năng, săn bắt 1 con nai trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt. Khi lực lượng kiểm lâm bắt giữ 2 người, hàng chục đối tượng kéo đến bao vây, chống trả để giải vây cho người bị bắt, gây thương tật 31% cho một kiểm lâm viên. 

 

Ồ ạt vào rừng

 

Ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô, cho biết: “Hiện nay, phía Tây của Khu BTTN Ea Sô, tình trạng dùng súng, bẫy để săn thú trái phép đang diễn ra phức tạp. Nhiều người trong khu vực này truyền tai nhau rằng Khu BTTN Ea Sô đã giải thể cùng với rừng phòng hộ Krông Năng. Vì vậy, việc săn bắn thú rừng không bị ngăn cấm nên nhiều người đã nghe theo và ồ ạt vào rừng. Từ đầu năm 2011 đến nay, chúng tôi đã bắt giữ 12 vụ săn bắn động vật rừng trái phép trong lâm phần của khu bảo tồn, xử lý 16 đối tượng, thu giữ, phá hủy hàng ngàn bẫy thú”.

 

Theo Cao Nguyên

 Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm